Dân Việt

Trả tiền điện online, tối ưu nguồn lực cho ngành điện

Văn Long 23/03/2021 11:00 GMT+7
Việc thực hiện thanh toán tiền điện thông qua ngân hàng và tại các điểm thu tập trung đang được Công ty Điện lực Lâm Đồng (PC Lâm Đồng) triển khai mạnh mẽ, không chỉ giúp cho khách hàng tiết kiệm được thời gian mà còn giúp công ty tối ưu hóa nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động của ngành điện.

Người dân ủng hộ

Chị Nguyễn Thị Thu Phương (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) cho hay: "Trước kia nhiều người đi thu tiền điện đến nhà bất ngờ, mình không có ở nhà, hoặc chưa chuẩn tiền nên rất bất tiện. Còn đóng tiền tại các điểm thu ở các xã rất hay, có ngày đóng tiền cụ thể nên mình chủ động hoàn toàn, khi đi đưa đón con hay đi chợ đều tranh thủ đóng tiền được. Sắp tới tôi sẽ nhờ người thu tiền chỉ cách cài phần mềm đóng tiền thông qua ngân hàng để tiết kiệm thời gian hơn nữa".

Về phía người thu tiền điện, chị Nguyễn Thị Dung - đại lý thu tiền điện tại xã Đinh Lạc, Di Linh cho biết: "Mỗi khi đi thu tiền điện của khách hàng ở vùng sâu, vùng xa rất vất vả, có khi đi 3 lần mới thu được của một hộ. Khi điện lực triển khai việc thu tiền tại các điểm thu thì trong vòng một ngày người dân sẽ đến đóng, không đợi nhân viên đến nhà mất thêm nhiều thời gian".

Trả tiền điện online, tối ưu nguồn lực cho ngành điện - Ảnh 1.

Người dân ở huyện Di Linh đã quen dần với việc đóng tiền tại các điểm thu cố định. Ảnh: P.V

"Thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, trong năm 2020 PC Lâm Đồng đã triển khai các nội dung không thu tiền mặt của khách hàng dùng điện. Đơn vị cũng được UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép dừng thu tiền điện tại nhà trên địa bàn TP.Bảo Lộc, TP.Đà Lạt, trung tâm các thị trấn của 10 huyện. Đến cuối năm 2021, sẽ dừng hoàn toàn thu tiền điện tại nhà".

Ông Nguyễn Văn Dũng -

Phó Giám đốc PC Lâm Đồng

Lãnh đạo Điện lực Di Linh (PC Lâm Đồng) cho biết, việc triển khai thu tiền điện tại điểm thu tập trung không phải là yêu cầu của ngành điện, mà thực hiện theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, trong đó có việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Đây cũng là tiền đề để người dân được hướng dẫn sử dụng phần mềm thanh toán tiền điện thông qua ngân hàng. Hiện Di Linh có 80 điểm thu, mỗi xã tùy theo địa bàn sẽ có 3-7 điểm thu để người dân đến thực hiện việc đóng tiền điện thuận tiện và chính xác nhất.

Cuối năm 2021 sẽ hoàn thành

Bà Phạm Thị Sâm - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Di Linh, huyện Di Linh nhận định: "Theo lộ trình của ngành điện thì đến tháng 12/2021 sẽ chấm dứt việc thu tiền mặt tại những điểm cố định đối với khu vực thị trấn, chuyển sang hình thức thu tiền điện thông qua các ứng dụng trực tuyến. Hiện nay đã có 100% cán bộ công chức, người lao động thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Việc đóng tiền điện thông qua các điểm thu và các phần mềm ứng dụng đang đi vào ổn định".

Ông Bùi Ngọc Dũng - Giám đốc Điện lực Di Linh cũng cho hay: "Điện lực Di Linh được các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ nên đã đạt được những kết quả nhất định. Trong thời gian tới, điện lực sẽ tiếp tục vận động, hướng dẫn người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ nông dân để hướng tới dừng hẳn việc thanh toán tiền điện bằng tiền mặt".

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc PC Lâm Đồng, PC Lâm Đồng đã phối hợp với các tổ chức trung gian mở trên 1.000 điểm thu. Liên kết với các ngân hàng, ví điện tử, khuyến khích khách hàng thanh toán tiền điện qua tài khoản cá nhân. Tính đến cuối năm 2020 đã có trên 50% số khách hàng dùng điện thanh toán qua các điểm thu và tài khoản cá nhân. Tuy nhiên hệ thống hạ tầng, ngân hàng, viễn thông tại các xã còn gặp nhiều khó khăn nên việc đóng tiền qua tài khoản chưa đạt kết quả như mong muốn. Sắp tới PC Lâm Đồng tiếp tục phối hợp với ngân hàng, các đơn vị trung gian vận động người dân đóng tiền điện một cách văn minh, nhất là thanh toán qua tài khoản cá nhân.