Dân Việt

Quốc hội sẽ xem xét nếu có ứng viên tự ứng cử Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội

PVCT 23/03/2021 10:34 GMT+7
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Ban Công tác Đại biểu cho biết, các chức danh chủ chốt Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng đều phải trình theo trình tự thủ tục, ứng cử viên phải ra Quốc hội xem xét và bầu.

Sáng ngày 23/3, Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV.

Dự kiến chương trình, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; đồng thời Quốc hội bầu nhân sự thay thế giữ các chức danh này bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Quốc hội sẽ xem xét nếu có ứng viên nào tự ứng cử Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội - Ảnh 1.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (ảnh T.T).

Trả lời câu hỏi có bao nhiêu đề cử cho mỗi vị trí chức danh chủ chốt, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Ban Công tác Đại biểu cho biết, các chức danh chủ chốt Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng đều phải trình theo trình tự thủ tục, ứng cử viên phải ra Quốc hội xem xét và bầu.

Theo quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình nhân sự Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội để Quốc hội bầu. Còn nhân sự ứng cử chức Thủ tướng Chính phủ là do Chủ tịch nước giới thiệu. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh đến nay chưa thấy có ai tự ứng cử vào các chức danh này (muốn ứng cử vào các chức danh này trước hết phải là Đại biểu Quốc hội-PV). Ở vào trường hợp, khi danh sách nhân sự trình ra Quốc hội, có ứng cử viên nào xin tự ứng cử vào các chức danh kể trên lúc đó Quốc hội sẽ xem xét.

Quốc hội sẽ xem xét nếu có ứng viên nào tự ứng cử Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu. (Ảnh: T.T)

Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào sáng mai (ngày 24/3). Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 12 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 8/4).

Một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 7 ngày để xem xét, kiện toàn một số vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước để đảm bảo sự đồng bộ trong công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn, sau Đại hội XIII của Đảng, nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước không tái cử Ban Chấp hành Trung ương, cùng với đó, Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ mới với một số ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy viên Trung ương.

"Bộ Chính trị đã xem xét thận trọng cơ sở pháp lý và thực tiễn của việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước ngay sau Đại hội Đảng và thống nhất cao cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh một cách đồng bộ", ông Tuấn thông tin.

Trả lời báo chí, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh thêm,  Quốc hội lần này chỉ kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước chứ không phải kiện toàn tất cả và đây là kiện toàn cho khoá XIV. 

Theo ông Phúc, Hiến pháp quy định một nhiệm kỳ Quốc hội là 5 năm. Đến tháng 7/2021, sau khi bầu cử xong, tổng kết bầu cử thì Quốc hội sẽ kết thúc khoá XIV chuyển sang khoá XV.

"Tôi không tham gia làm Tổng Thư ký nữa nhưng tôi vẫn làm đại biểu Quốc hội khoá XIV đến khi bầu ra Quốc hội khoá mới. Tới lúc đó tôi mới chính thức không còn là đại biểu Quốc hội khoá XIV nữa", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Dự kiến chương trình, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội; đồng thời bầu nhân sự thay thế giữ các chức danh này bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ sẽ tuyên thệ nhậm chức. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, có thể một người sắp tới đây được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV và đến tháng 7/2021,nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, tiếp tục được Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước thì vẫn tuyên thệ.

Trả lời thắc mắc của báo chí về thông tin tại phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho biết, sẽ bầu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giải thích rõ thêm về mặt kỹ thuật.

Theo ông Phúc, đây là lần đầu tiên bầu Thủ tướng làm Chủ tịch nước nên theo tuần tự ngoài việc miễn nhiệm Chủ tịch nước, còn phải miễn nhiệm Thủ tướng.

Nếu miễn nhiệm Chủ tịch nước trước rồi bầu Thủ tướng làm tân Chủ tịch nước thì khi ấy Thủ tướng sẽ phải trình Quốc hội miễn nhiệm chính mình. Vì vậy có ý kiến thắc mắc "không thể có chuyện Thủ tướng miễn nhiệm mình". Vì vậy, theo tuần tự, Chủ tịch nước phải trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng, sau đó mới tiến hành các bước tiếp theo.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ tiến hành bầu, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, bao gồm: một số Phó Chủ tịch Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, một số Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ…

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tổng số có 25 chức danh lãnh đạo sẽ được kiện toàn tại kỳ họp này.