Dân Việt

Nghệ thuật tuồng “hội nhập” du lịch để hồi sinh

Hoàng Anh 24/03/2021 11:25 GMT+7
Để nghệ thuật tuồng có thể hồi sinh và đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ thì Nhà hát Tuồng Việt Nam đã không ngừng sáng tạo, đổi mới từ tuồng truyền thống trở thành một sản phẩm du lịch.

Nghệ thuật tuồng có nguy cơ mai một vì vắng khán giả

Nghệ thuật tuồng “hội nhập” du lịch để hồi sinh - Ảnh 1.

Vở tuồng "Mộc Quế Anh dâng cây" tại Rạp hát Hồng Hà (Ảnh: Hoàng Anh)

Tuồng (còn gọi là hát bộ, hát bội) là một loại hình nghệ thuật sân khấu cân đối, có tính cổ điển, bác học bậc nhất của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, Tuồng đang có nguy cơ bị mai một và lãng quên. Để Tuồng có thể hồi sinh và đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ thì Nhà hát Tuồng Việt Nam đã không ngừng sáng tạo, đổi mới từ Tuồng truyền thống trở thành một sản phẩm du lịch.

Nghệ thuật Tuồng đã trải qua thời kỳ hoàng kim khi các vở diễn được đông đảo khán giả nồng nhiệt đón xem. Vào thời Nguyễn, Tuồng đạt tới đỉnh cao khi được các vị vua yêu thích, cho soạn vở, dành nhiều ưu đãi và mở trường đào tạo nghệ sĩ.

Đã từng có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng như: "Sơn Hậu", "Triệu Đình Long cứu Chúa", "Tam nữ đồ vương, Lý Thiên Luông", "Ngũ Vân Thiệu", "Lý Phụng Đình", "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo", "Mộc Quế Anh dâng cây"... Để giữ gìn và bảo tồn những vở Tuồng nổi tiếng, các nghệ nhân Tuồng như: Bạch Trà, Quang Tốn, Ba Tuyên, Đắc Nhã, Lê Bá Tùng, Đàm Liên, Minh Gái, Hương Thơm, Hán Văn Tình... đã dồn hết tâm huyết và niềm đam mê để biểu diễn và truyền bá lại cho đời sau.

Theo thống kê, hàng trăm vở Tuồng cổ với nhiều dạng thức khác nhau đã bị lãng quên, không được nhắc đến và biểu diễn. Bởi, nghệ thuật Tuồng là môn nghệ thuật cần có sự am hiểu nhất định để có thể cảm nhận và tiếp cận. Đồng thời, Tuồng đang thiếu kịch bản hay, vở diễn mới để đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của khán giả. 

Nghệ thuật tuồng “hội nhập” du lịch để hồi sinh - Ảnh 2.

Những chương trình giải trí, gameshow, phim… cũng là một phần nguyên nhân khiến nghệ thuật Tuồng bị bỏ quên, dẫn tới các vở diễn không bán được vé, nghệ sĩ không có thu nhập. Một số người chuyển nghề hoặc không còn chú trọng tới nghề. Không những thế, nghệ thuật Tuồng trong giai đoạn này đang thiếu một bộ phận lớp người kế cận vì người làm nghề thường có thu nhập thấp, không ổn định và gặp nhiều khó khăn trong việc đưa Tuồng đến gần với khán giả. Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ Tuồng bây giờ không biết đọc bản nhạc cổ theo hệ thống hò, xự, xang... mà chỉ biết Đồ - Rê- Mi...

NSƯT Hoàng Khiềm - Nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Trung ương cho biết: "Tuồng đang gặp khủng hoảng là một thực tế mà các nghệ sĩ chúng tôi đang phải đối đầu. Bên cạnh những yếu tố khách quan mang lại thì bản thân chúng tôi, những người làm nghệ thuật này thấy rõ phần trách nhiệm của mình. Ðó là chưa đáp ứng được thị hiếu thẩm mỹ của thời đại, thiếu những tác phẩm đỉnh cao, những vở diễn đi vào lòng người xem. Chúng tôi đang phải cạnh tranh rất vất vả với các loại hình nghệ thuật khác như phim ảnh, ca nhạc, băng đĩa...

Các nhà hát biểu diễn Tuồng thường phải cố duy trì lịch biểu diễn trong khi lượng người xem quá ít ỏi, phần lớn là vé mời. Công chúng thành phố không mặn mà nên các đơn vị Tuồng phải chịu khó đi biểu diễn phục vụ ở những vùng sâu, vùng xa mới có người xem.

Thiếu thốn về cơ sở vật chất, lực lượng làm nghề ngày càng ít ỏi. Bên cạnh đó, nghệ thuật Tuồng ngày càng thưa vắng người xem... đó là những yếu tố chủ quan mà ngành tuồng đang phải đối mặt từng ngày, từng giờ để khẳng định sự sinh tồn của mình".

Nghệ thuật tuồng "hội nhập" du lịch để hồi sinh

Nghệ thuật tuồng “hội nhập” du lịch để hồi sinh - Ảnh 3.

Trích đoạn "Ông già cõng vợ đi xem hội" do Đoàn Tuồng Rạp hát Hồng Hà biểu diễn tại Phố đi bộ Hoàn Kiếm - 64 Mã Mây (Ảnh : Hoàng Anh)

Việc quảng bá nghệ thuật Tuồng ở Việt Nam không còn xa lạ nhưng giới thiệu, chuyển hóa thành các sản phẩm du lịch đến với du khách, đặc biệt là với các du khách nước ngoài vẫn đang là bài toán khó của những người làm nghệ thuật Tuồng

Nghệ thuật Tuồng trong một vài năm trở lại đây đã được khoác lên mình màu áo mới để phù hợp với việc tiếp cận khách du lịch. Nhà hát Tuồng đã có những sự đầu tư nhất định để thay đổi tuồng truyền thống trở thành một sản phẩm du lịch. Sự thay đổi như từ ngôn ngữ, hình ảnh, đầu tư các suất diễn một cách bài bản. 

Tuồng vẫn đang nỗ lực hết mình để tìm đến khán giả qua những cố gắng "trẻ hóa" như: đơn giản Hán văn, chỉ dùng từ thuần Việt; diễn viên hát thật chất lượng, tiết chế tính rề rà, dài dòng của vũ đạo, đẩy nhanh tiết tấu vở diễn, sáng tác thêm nhạc nền... nhằm nâng cao chất lượng vở diễn đồng thời phù hợp với nhiều đối tượng khán giả. Nhà hát Tuồng đã cố gắng sáng tạo đổi mới nghệ thuật Tuồng, bằng những vở Tuồng dân gian đến hiện đại như các vở: "Chiếc bóng oan khiên", "Nghêu Sò Ốc Hến", "Tình mẹ"...

Ai yêu thích, đam mê nghệ thuật Tuồng đã không còn xa lạ gì với ngôi nhà 64 phố Mã Mây. Tại đây, các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam đã diễn các tiết mục âm nhạc truyền thống và các trích đoạn Tuồng quen thuộc như: "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo", "Châu Sáng qua sông", "Lưu Kim Đính", "Ông già cõng vợ đi xem hội"… Ngoài ra, để làm mới phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khách du lịch, Nhà hát Tuồng còn tổ chức thêm các hoạt động, dịch vụ thu hút thực khách như giao lưu với nghệ sĩ, cho khách hóa thân thành các nhân vật.

Theo Quỳnh Liên - Đoàn Tuồng Rạp hát Hồng Hà chia sẻ: "Diễn ở phố đi bộ khách chủ yếu là khách nước ngoài xem, họ thích thú những nét vẽ mặt, họ còn chụp ảnh lưu niệm, rồi dành những tràng pháo tay không ngớt. Tôi diễn vai Hồ Nguyệt Cô, một vị khán giả vì quá thích thú vai diễn nên khi tôi diễn xong chạy ra bảo mời tôi uống nước. Thấy tôi mồ hôi đầm đìa, tay run run khi diễn xong, người ta còn chạy đi mua bánh đúc cho tôi ăn. Gặp được những người khán giả yêu Tuồng, hiểu Tuồng, thương nghệ sĩ Tuồng như vậy, tôi rất hạnh phúc và cảm động".

Theo nghệ sĩ trẻ Quỳnh Liên, các chương trình, sân khấu trên phố đi bộ đều là miễn phí nhưng được chuẩn bị kỹ lưỡng từ âm thanh, trang phục và nội dung của các vở diễn. Khán giả và du khách đi bộ đều đứng lại xem rất nhiều và cảm thấy thích thú với những vở diễn.

"Những tiếng vỗ tay giòn giã, những tiếng cười sảng khoái, những câu nói: "... của khán giả chính là minh chứng rõ nhất của một sân khấu thành công. Số lượng khán giả đến xem biểu diễn ngày càng tăng lên, kể cả du khách nước ngoài cũng thấy phấn khích khi xem những đoạn trích tuồng. Dần dần, chất lượng biểu diễn tốt hơn, ngày càng được đầu tư và nâng cấp. 

Và điều quan trọng là hơn việc biểu diễn trên phố đi bộ đã phần nào quảng bá được nghệ thuật tuồng đến rất nhiều khách du lịch trong nước, đặc biệt là du khách nước ngoài. Đó là động lực lớn để chúng tôi đam mê và theo đuổi nghệ thuật Tuồng", nghệ sĩ trẻ Quỳnh Liên tâm sự.

Theo ông Lưu Đức Tuấn - vị khán giả quen thuộc của các vở diễn Tuồng tại phố đi bộ Hà Nội chia sẻ: "Việc đưa Tuồng ra phố để đến gần hơn với các thực khách là một điều cực kì tốt, vì nghệ thuật Tuồng tạo ra không gian văn hóa lành mạnh, khơi dậy sự sống cho nghệ thuật tuồng để có thể sống và phát triển. Cả nhà tôi đều kéo xuống phố để thưởng thức. 

Lúc đầu, ít người xem nhưng sau này mọi người bị thu hút bởi tiếng nhạc cụ, những câu thoại biểu cảm của các diễn viên. Các vở Tuồng diễn trên phố đi bộ thường là những đoạn trích đặc sắc, dễ hiểu mà các diễn viên tuồng cũng rất nhập tâm, từ nét mặt đến trình diễn, ngôn ngữ hình thể là điểm đặc biệt của tuồng. Mọi thường rất thích đoạn trích "Ông già cõng vợ đi xem hội" với "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo".

Nghệ thuật tuồng “hội nhập” du lịch để hồi sinh - Ảnh 4.

Dàn nhạc của Đoàn Tuồng Rạp hát Hồng Hà biểu diễn tại phố đi bộ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Hoàng Anh)

Người làm nghệ thuật Tuồng đã nỗ lực đổi mới để hòa nhập với đời sống, đến gần hơn với khán giả. Nghệ thuật tuồng vẫn mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương, nhân vật tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về cách ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc, chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ của nghệ thuật Tuồng cổ. 

Từ múa Tuồng, hát Tuồng, mặt nạ Tuồng, đặc biệt là âm nhạc trong nghệ thuật Tuồng cổ vẫn được sử dụng và biến tấu trên sân khấu biểu diễn cho khán giả. Hiện tại, nghệ thuật tuồng đang ngày càng phát triển và tiếp cận gần hơn với khách du lịch.