Theo đơn khiếu nại, ông Hùng cho biết có mua một miếng đất nông nghiệp với diện tích 75m2 tại tổ 13, khu phố Tân Phước, phường Tân Bình, TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BB 102099 do UBND huyện Dĩ An (nay là thành phố) cấp cho ông Đào Hồng Khánh ngày 10/02/2010.
Ngày 15/12/2020, vợ chồng ông Hùng thực hiện việc dựng công trình tạm bằng tôn để ở với kết cấu: cột sắt, tường tôn, mái tôn, nền xi măng và đến ngày 15/1/2021 thì hoàn thành công trình.
Trong quá trình thi công dựng nhà tạm bằng tôn và cột sắt, vợ chồng ông Hùng không hề nhận được bất kỳ sự nhắc nhở hay thông báo gì từ chính quyền địa phương về việc xây dựng không phép công trình tạm trên đất nông nghiệp.
Sau khi công trình tạm hoàn thành xong, vợ chồng ông dọn đồ về nhà tạm bằng tôn để ở thì vào ngày 15/3/2021, lúc này gia đình ông Hùng đi vắng thì bất ngờ có 2 cán bộ của Đội Quản lý trật tự đô thị phường Tân Bình (TP.Dĩ An) cùng một số bảo vệ dân phố, dân phòng đã xông vào nhà phá khoá, dùng máy cắt và máy hàn để tháo dỡ toàn bộ công trình nhà của ông Hùng mà không hề có thông báo hay quyết định cưỡng chế nào được đưa ra.
Lúc này, hàng xóm phát hiện sự việc đã vội báo cho vợ chồng ông Hùng. Khi về đến nhà, ông Hùng bàng hoàng khi thấy căn nhà tạm của mình đã bị "san phẳng". Bức xúc, ông Hùng yêu cầu nhóm cán bộ phường xuất trình các biên bản, giấy tờ hoặc quyết định cưỡng chế, tháo dỡ nhà thì không được đáp ứng.
Thậm chí, một cán bộ Đội Quản lý trật tự đô thị xây dựng tên Bình có nói với ông Hùng rằng "đừng làm lớn chuyện, họ sẽ cho lại toàn bộ những gì đã tháo dỡ".
Sau đó, nhóm cán bộ này gọi một chiếc xe tải ở bên ngoài vào và cho người bốc toàn bộ cột sắt, tôn đã tháo dỡ xuống và chở đi. Hiện trường chỉ còn sót lại vài cột sắt bị cắt gọt và những miếng tôn nhỏ nằm chỏng chơ, gây nguy hiểm cho các hộ dân ở gần đó.
Sau khi kiểm tra, ông Hùng phát hiện toàn bộ đồ đạc trong nhà bị hư hỏng nặng, không còn sử dụng được. Mức độ thiệt hại khoảng 120 triệu đồng, ngoài ra ông Hùng còn cho biết bị mất một số tài sản để trong nhà như tiền mặt, vàng…
Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Văn Yêm – Chủ tịch UBND phường Tân Bình cho biết đã nhận được đơn khiếu nại của ông Trần Ngọc Hùng và hiện đang cho xác minh, làm rõ ai đúng ai sai để xử lý trong vòng 30 ngày.
Theo ông Yêm, quan điểm của phường là không bao che nếu như cán bộ thực hiện sai quy trình.
"Hiện chúng tôi đang tiến hành mời các bên lên để làm rõ, đồng thời sẽ cho xác minh xem ai đúng ai sai. Công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp là sai rõ ràng rồi, tuy nhiên việc cưỡng chế tháo dỡ công trình này cũng cần phải có trình tự chứ không thể thực hiện mà không thông báo trước cho người vi phạm được", Chủ tịch UBND phường Tân Bình khẳng định.
Nói về quy trình xử lý vi phạm về trật tự xây dựng, Chủ tịch UBND phường Tân Bình cho biết, theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ban hành ngày 27/11/2017, khi phát hiện công trình nào vi phạm về trật tự xây dựng, đặc biệt là công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp thì bước đầu tiên chính quyền phải lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm dừng thi công (Thông tư 03/2018/TT-BXD) và trình hồ sơ xử phạt trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày lập biên bản.
Đối với trường hợp các công trình xây dựng cố tình không chấp hành, tiếp tục xây dựng khi đã có thông báo của chính quyền địa phương thì phải lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm.
Tiếp đến sẽ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (7 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính), trong đó có phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tháo dỡ công trình và bàn giao quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 2 ngày làm việc.
Cuối cùng, chính quyền địa phương sẽ tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế, buộc tháo dỡ công trình nếu đối tượng vi phạm không chịu tự tháo dỡ, khắc phục hậu quả trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính.