Ngày 26/3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Trong phát biểu góp ý, ĐBQH Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) đã đề cập tới việc liên quan đến một số ĐBQH chuyên trách được biệt phái từ các cơ quan của Chính phủ sang cơ quan của Quốc hội.
"Tôi cho rằng, tình trạng này đang có tác động, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Ông cha ta có câu "ăn cây nào rào cây ấy" nhưng có một số ĐBQH chuyên trách làm việc cho Quốc hội nhưng không "ăn cơm" Quốc hội. Việc họ được đề bạt, cất nhắc vẫn do cơ quan Chính phủ trực tiếp quyết định thì làm sao họ có thể toàn tâm, toàn ý hoạt động cho Quốc hội, toàn tâm, toàn ý vì lợi ích của nhân dân", ĐB Hùng nói.
ĐBQH Phùng Văn Hùng đề nghị, những trường hợp nhân sự được chuyển về hoạt động ĐBQH chuyên trách thì toàn bộ chế độ, chính sách của họ sẽ được áp dụng như mọi ĐBQH chuyên trách khác để phòng ngừa tình trạng "làm việc cho cây táo nhưng lại rào cây sung".
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đánh giá, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV hoàn thành trọn vẹn trên nhiều lĩnh vực, lập pháp, giám sát, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có công tác đối ngoại.
ĐB Ngân khẳng định sự thành công của Quốc hội có sự tham gia của nhiều ĐBQH, của các Đoàn Quốc hội. Ông cho biết, khi phát biểu trước Quốc hội, thường phải suy nghĩ thâu đêm, trăn trở những vấn đề. Khi ra nghị trường nghe nhiều phát biểu của các ĐB thấy rất xúc động. Ông dẫn chứng trường hợp ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), kỳ họp nào cũng phát biểu cùng về một vấn đề thể hiện sự "theo đuổi" quyết liệt tới cùng. Đó chính là sự truyền lửa cho các ĐBQH khóa sau.
Ở khía cạnh khác, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (An Giang) khi phát biểu đã bày tỏ sự trăn trở về liêm chính trong xây dựng pháp luật.
Vị ĐBQH Đoàn An Giang này cho rằng Quốc hội khoá XIV đã làm tròn "vai" trước nhân dân, với những quyết sách và kết quả đã được thể hiện trong các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ. Tuy nhiên, vấn đề liêm chính trong xây dựng pháp luật là vấn đề cần đề cập.
Theo ông, nếu thiếu và không có liêm chính trong soạn thảo, thẩm tra, sẽ tạo ra những văn bản rất nhiều "khuyết tật". Sự "khuyết tật" đó là sự mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản cũ.
"Trong nhiệm kỳ này, đa số các văn bản đã được ban hành là có liêm chính. Chính sự liêm chính đó nên Quốc hội đã thông qua rất nhiều văn bản, là một phần của thể chế tốt đẹp để thúc đẩy xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế", ĐBQH Nguyễn Mai Bộ nói và cho biết mặc dù rất ít", thì vẫn còn sự thiếu liêm chính, đặc biệt là "sự thiếu liêm chính có chủ ý".
Có những hồ sơ dự án luật chất lượng rất thấp được trình ra Quốc hội, làm Quốc hội rất mất thời gian để thảo luận.
Trước thực tế này, ĐB Bộ đề nghị cần có giải pháp để thực thi tính liêm chính trong xây dựng luật. Ông cũng đề nghị ĐBQH luôn nghĩ đến sự liêm chính khi cho ý kiến về các dự án luật.