Dân Việt

Hai bộ SGK "biến mất": Bộ GD-ĐT cần có câu trả lời?

Mỹ Hà (thực hiện) 28/03/2021 06:36 GMT+7
"Từ việc chỉnh sửa lỗi 4 bộ SGK, đến quyết định "hợp nhất" chỉ còn 2 bộ của NXB Giáo dục Việt Nam…, Bộ GD-ĐT cần có câu trả lời với cử tri và dư luận, không thể "đá" quả bóng trách nhiệm".

Bà Phạm Thị Minh Hiền, đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Phú Yên: "Người làm giáo dục trước hết phải tôn trọng người học và người dạy"

Trao đổi về vụ hai bộ sách giáo khoa (SGK) "biến mất " của NXB Giáo dục Việt Nam, bà Phạm Thị Minh Hiền, đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Phú Yên cho biết, ở kì họp trước, bà đã tự mua và nghiên cứu tất cả các bộ SGK mới được áp dụng trong năm học 2020- 2021.

Theo đó bà thấy, không riêng bộ Cánh diều mà hầu hết các bộ SGK, thậm chí cả SGK của NXB Giáo dục Việt Nam cũng nhiều lỗi và có những hạn chế, đặc biệt "dính" tư duy ngược khi làm sách. Vậy tại sao dư luận lúc đó chỉ tập trung mỗi bộ SGK Cánh diều?

"Sau khi tìm hiểu kĩ tôi mới biết, chỉ có bộ SGK Cánh diều không thuộc NXB Giáo dục Việt Nam.

Lúc bấy giờ tôi đặt vấn đề, phải dừng lại và yêu cầu Bộ GD-ĐT rà soát toàn bộ 5 bộ sách, không riêng gì bộ nào, để tạo sự khách quan công bằng cả cho người học và cả người làm sách.

Tiếc là cho đến thời điểm này, việc làm rõ trách nhiệm liên quan đến SGK và chương trình phổ thông, việc sửa lỗi của các bộ sách… gần như chìm vào im lặng.

Đặc biệt, gần đây lại thêm quyết định nhập nhằng "hợp nhất" 2 bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam, tôi nghĩ cần phải lên tiếng, Bộ GD-ĐT cần có câu trả lời cụ thể với dư luận và giáo viên, phụ huynh học sinh", bà Hiền nói.

Hai bộ SGK "biến mất": Bộ GD-ĐT cần có câu trả lời? - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Minh Hiền, đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Phú Yên (Ảnh: V. Duẩn).

Cũng theo đại biểu Hiền, ở hai bộ SGK lớp 2 và lớp 6 của NXB Giáo dục Việt Nam sẽ sử dụng sắp tới đây, đang có ý kiến tranh luận về giá.

Theo đó, mặc dù đang là sách đưa cho giáo viên tham khảo nhưng NXB Giáo dục Việt Nam đã in sẵn giá- dù chỉ là "dự kiến". Giá "dự kiến" này rẻ hơn so với giá thực mà NXB đề xuất Bộ Tài chính phê duyệt. Điều này khiến nhiều người lo ngại chuyện mập mờ giá sách.

Bà Hiền cho rằng, việc lạm dụng từ ngữ kiểu "giá dự kiến" trên đây, nhiều khi rất nguy hại, thậm chí có thể là kẽ hở nẩy sinh các lợi ích nhóm mà các nhà quản lý chưa lường hết được.

Nội dung và hình thức SGK đã có vấn đề. Nếu tiếp tục lập lờ, không rõ ràng về giá SGK và cả chuyện tách/nhập 2 bộ sách chỉ trong khoảng thời gian sử dụng rất ngắn, rõ ràng là câu hỏi rất lớn mà dư luận và các cử tri đặt ra cho Bộ GD-ĐT.

Những điều này, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hàng triệu phụ huynh học sinh, tác động đến từng gia đình, cần Bộ GD-ĐT cần có câu trả lời và giải thích cụ thể.

"Bộ GD-ĐT không thể nói rằng, SGK là vấn đề thuộc NXB Giáo dục Việt Nam , như thế là vô trách nhiệm.

Đành rằng có thể giải thích dưới góc độ của doanh nghiệp về vấn đề sách và "hợp nhất" sách. Nhưng nhìn rộng vấn đề, người làm giáo dục trước hết phải tôn trọng người học và người dạy.

Bộ GD-ĐT đang quản lý Nhà nước, chắc chắn phải có sự can thiệp hoặc quản lý theo phân cấp, phân quyền về các vấn đề liên quan đến làm SGK, đừng đổ hết trách nhiệm cho nhà đầu tư hoặc gây áp lực giáo viên ngại đổi mới.

Tôi cho rằng, Bộ GD-ĐT cần có giải thích công khai minh bạch, nếu có sai sót thì nhận, không thể để vấn đề bức xúc trong dư luận, để các đơn vị đá trách nhiệm giống một trận bóng không có hồi kết như hiện nay", bà Hiền bức xúc nói.

Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII: "Bộ Giáo dục - Đào tạo cần lý giải tại sao?".

Quan điểm của tôi, riêng về xây dựng nội dung, chương trình và SGK, Bộ GD-ĐT phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Nhà nước, trước nhân dân.

Đặc biệt vừa qua có chuyện NXB Giáo dục Việt Nam đưa ra 4 bộ sách nhưng mới chỉ sau một năm đột ngột "hợp nhất" còn hai bộ. Quan điểm của tôi, Bộ GD-ĐT cần lý giải tại sao lại có chuyện này, hay trong quá trình lựa chọn, chất lượng không đảm bảo? Nếu như vậy, trách nhiệm lại thuộc về những người đứng ra thẩm định.

Hai bộ SGK "biến mất": Bộ GD-ĐT cần có câu trả lời? - Ảnh 2.

Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Một khi đã chọn lựa và sử dụng, nên dùng SGK ít nhất khoảng vài năm, sau đó rút ra cái hay cái dở ở đâu mới tính chuyện thay đổi. Cách làm như hiện nay rất lãng phí và không đúng với mục tiêu chung về giáo dục.

Tôi cho rằng, sau một thời gian sử dụng, cần lấy ý kiến của phụ huynh học sinh, của các nhà khoa học trước khi muốn quyết định số phận của bộ sách.

Sách giáo khoa liên quan đến hàng triệu học sinh, các nhà xuất bản không thể làm tùy tiện như hiện nay.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam: "Để NXB tự do "hô biến" SGK sẽ rất loạn".

Một khi SGK được NXB tự quyết định và tự do lưu thông trên thị trường, không có sự "cầm trịch" của Bộ GD-ĐT, đương nhiên họ muốn hô "biến" lúc nào cũng được, như thế sẽ rất loạn.

Hai bộ SGK "biến mất": Bộ GD-ĐT cần có câu trả lời? - Ảnh 3.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam.

Từ 4 bộ, sau một năm NXB Giáo dục Việt Nam "hợp nhất" còn 2 bộ. Tôi không dám chắc một ngày nào đó, hai bộ còn lại sẽ "hợp nhất" hoặc "liên minh kinh doanh" để chỉ còn một bộ.

Như vậy, cả nước sẽ chỉ có độc quyền một bộ SGK như trước đây. Tôi rất buồn và chờ đợi câu trả lời về vấn đề này từ Bộ GD-ĐT.