Như Dân Việt đã đưa, mới đây, TP.Hà Nội tổ chức hội nghị công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị tỉ lệ 1/2.000 tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Các đồ án này có quy mô nghiên cứu trên 2.700ha với yêu cầu chính là kiểm soát dân số và cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội, kỹ thuật. Để đạt được mục tiêu giảm dân số theo quy hoạch, lãnh đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho hay, thành phố sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ, bao gồm việc di dân ra bên ngoài khu vực nội đô, triển khai đồng bộ chủ trương di dời trường đại học, bệnh viện, trụ sở bộ ngành...
Tuy nhiên, không chờ đến bây giờ, người dân phố cổ, phố cũ nói riêng và khu vực nội đô lịch sử nói chung mới biết đến việc giãn dân. Thực tế, cách đây hơn hai thập kỷ, vào năm 1998, Hà Nội đã bắt đầu thực hiện đề án giãn dân phố cổ với mục tiêu giãn khoảng 27.000 dân ra khỏi nội đô, dự kiến hoàn thành năm 2020. Tuy nhiên, đến tháng 1/2013, đề án giãn dân phố cổ mới được phê duyệt.
Cụ thể, đề án giãn dân phố cổ được thực hiện thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 trên khu đất có diện tích 11,12ha tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên để nghiên cứu di dời khoảng 1.153 hộ dân bắt đầu từ quý IV/2013 và hoàn thành vào quý IV/2016.
Giai đoạn 2 đề nghị thành phố bố trí khoảng 30ha để di dời 5.020 hộ dân sau khi dự án giai đoạn 1 kết thúc. Việc thực hiện đề án giãn dân phố cổ dự kiến kết thúc vào năm 2020. Đến giữa năm 2019, đề án giãn dân phố cổ được tái khởi động lại sau nhiều năm "im lặng".
Về vấn đề giãn dân phố cổ, ông Đặng Đình Bằng - Phó trưởng ban thường trực Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết, đến nay, dự án nhà ở giãn dân phố cổ vẫn trong quá trình thực hiện giai đoạn 1. Một số hạng mục như nhà trẻ mẫu giáo, di chuyển trạm biến áp N19 đã hoàn thành xong.
Tuy nhiên, theo ông Bằng, dự án nhà ở giãn dân phố cổ vẫn chưa xây dựng nên việc di dời người dân sang KĐT Việt Hưng (Long Biên) chưa thực hiện được. Dự án này do BQL đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm thực hiện.
"Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội chịu trách nhiệm tổ chức di chuyển các hộ dân ra khỏi phố cổ. Có 2 đối tượng thuộc diện di dời, gồm đối tượng bắt buộc là cư dân sống ở khu vực di tích, trường học... Đối tượng thứ hai là thực hiện giãn dân tự nguyện, cư dân sống tại các nhà cũ xuống cấp, có diện tích dưới 5m2", ông Bằng cho hay.
Phó trưởng ban thường trực Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội nhấn mạnh, đến nay, cả 2 đối tượng trên đều có những khó khăn trong rà soát, thực hiện. Cụ thể, đối với diện bắt buộc nằm trong các di tích, quản lý công sản thì việc xác định ranh giới rất khó.
Bởi số lượng di tích trong quận Hoàn Kiếm tương đối nhiều (190 di tích) nhưng việc xác định khoanh vùng, bảo vệ di tích hiện nay số lượng lại rất ít. Cần phải xác định rõ phạm vi bảo vệ di tích đến đâu mới có thể thống kê được số hộ dân di dời.
Bên cạnh đó, có những di tích có tên trong danh mục quản lý nhưng khi kiểm tra thực tế lại không còn dấu tích, nên việc giải quyết cũng gặp khó khăn. Do đó, cần phải xác định rõ ranh giới tồn tại hiện hữu của di tích để áp dụng.
Đối với diện tự nguyện, các phường đều cơ bản đã có thống kê nhưng có nhiều lý do khiến người dân chưa mặn mà với di dời. Chính sách tái định cư, trước đây thành phố áp dụng chính sách như nhà ở xã hội nhưng gần đây lại là nhà ở thương mại phục vụ tái định cư. Do đó, không khuyến khích được người dân tham gia, thứ 2 là kế sinh nhai.
Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã phối hợp với phường có liên quan rà soát, thống kê số lượng. Cho đến thời điểm hiện nay, có khoảng hơn 470 hộ dân bắt buộc, còn gần 4.000 hộ dân tự nguyện. Song song với việc triển khai thực hiện đề án giãn dân phố cổ, quận triển khai dự án, tu bổ, tôn tạo di tích, cải tạo, xây dựng trường học…
Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khẳng định TP.Hà Nội đã có quyết định phê duyệt chỉ có KĐT Việt Hưng, quận Long Biên là nơi tái định cư của người dân sau khi di dời khỏi phố cổ và dự án này chưa xây dựng. Còn khu chung cư ở phường Thượng Thanh không phải là khu nhà thuộc đề án giãn dân phố cổ.
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, từ năm 2013, TP.Hà Nội đã phê duyệt chủ trương thực hiện đồ án giãn dân phố cổ nhưng trải qua quá trình triển khai, theo dõi, phát triển thì đến ngày nay dự án mới chính thức được phê duyệt.
Theo ông Long, UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã dành nguồn lực rất lớn cho việc giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân sống trong khu di tích, trường học, công sở…
"Số lượng dân cư ở quận Hoàn Kiếm hiện nay giảm hơn trước. Nhiều người đã chọn nơi ở mới để đảm bảo nhu cầu cuộc sống, còn lại cơ sở cũ phục vụ mục tiêu phát triển du lịch, thương mại dịch vụ", ông Long nói.
Khu phố cổ, phố cũ Hà Nội hiện có khoảng hơn 4.300 biển số nhà, mỗi số nhà lại có rất nhiều gia đình sinh sống, chen chúc nhiều thế hệ. Có số nhà có tới 53 hộ gia đình với 200 khẩu.
Theo các chuyên gia, việc giãn dân khu vực này hơn hai thập kỷ vẫn giậm chân tại chỗ bởi việc giãn dân không chỉ là thay đổi chỗ ở mà còn là bài toán an sinh xã hội, bài toán sinh kế và văn hóa. Do đó, việc phải giải quyết bài toán an cư cho 215.000 người dân nội đô lịch sử trong 10 năm tới là không dễ dàng, nhất là với cộng đồng dân cư gắn với nét văn hóa đặc trưng lâu đời của Hà Nội.