Hàng năm, cứ vào khoảng đầu tháng Giêng cho đến tháng 4 Âm lịch, ngư dân Thanh Hóa lại căng lưới ra khơi đánh bắt mùa sứa biển. Sáng sớm ở các bãi biển Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương, Nghi Sơn (Thanh Hóa), hàng trăm chiếc bè mảng tấp nập cập bến, trên bè đầy ắp sứa.
Mỗi chuyến thuyền, bè mảng đi đánh bắt sứa thường có 2 - 3 người, bình quân mỗi ngày, một bè mảng đánh bắt được khoảng 400-800 con sứa, có thuyền đánh được cả nghìn con.
Sứa phải được làm khi còn tươi nguyên thì mới đảm bảo giữ được độ ngon của miếng sứa thành phẩm. Việc sơ chế sứa được làm theo từng công đoạn tuần tự. Với phần thân sứa được cho vào máy cắt thành những miếng nhỏ tầm đốt ngón tay. Còn riêng phần chân sứa sẽ được làm thủ công theo đúng quy cách. Chân sứa mỗi con khác nhau, người làm phải biết lựa để không bị vụn.
Sau khoảng 1 tuần ngâm trong bể nước muối, khi các miếng sứa trở nên trong vắt chính là sứa đã chín. Lúc này, sứa sẽ được mang ra đóng thùng chuẩn bị xuất xưởng. Đặc biệt, quá trình chế biến sứa tươi không cần dùng bất cứ nguyên liệu nào ngoài nước sạch và muối biển. Chính độ mặn của muối sẽ giữ cho sứa thành phẩm bảo quản được lâu từ 1 - 2 năm.
Xã Hoằng Trường, Hoằng Hoá, là nơi thu mua, chế biến sứa biển xuất khẩu lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, hiện có tới gần 20 cơ sở chế biến sứa lớn nhỏ đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Ông Lê Phạm Thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tại địa phương, nghề đánh bắt và chế biến sứa đã có từ lâu đời và đang dần trở thành nghề truyền thống của bà con địa phương. Trước đây, khi chưa bị ảnh hưởng của dịch bệnh, mỗi vụ sứa, Hoằng Trường có 400 phương tiện chuyên đi đánh bắt gần bờ, trong đó chủ yếu là đánh bắt sứa và cá khoai. Trung bình, mỗi vụ sứa có thể mang về cho người dân xã Hoằng Trường khoảng 80 tỷ đồng từ khai thác và chế biến sứa.