Thế giới đang trải qua tình trạng thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn, cùng với các vấn đề sản xuất chip đình trệ làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của nhiều công ty. Những dấu hiệu sớm nhất của sự cố do thiếu chip đã xuất hiện vào mùa xuân năm 2020. Vào thời điểm đó, thế giới đang trong giai đoạn của làn sóng lây nhiễm lần thứ nhất, Covid-19 loại bỏ nhu cầu của người tiêu dùng.
Sau đó khi nền kinh tế của các quốc gia dần phục hồi đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Internet và công nghệ điện toán di động. Sự thay đổi lớn này được thực hiện trong vài tháng đã mở đường cho ngành công nghiệp bán dẫn, vốn là cốt lõi của mọi thứ từ máy tính, điện thoại thông minh đến ô tô và TV, tất cả rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhất. Mọi thứ còn trở nên tồi tệ hơn sau vụ cháy xưởng đúc chip Renesas vào tháng 3/2021, và hậu quả nó để lại đã và đang tác động đến nhiều ngành công nghiệp khác nhau.
Trong một ghi chú nghiên cứu từ Wedbush do AppleInsider cập nhật, dù mang lại nhiều bất lợi nhưng điều này có thể có lợi cho các nhà cung cấp trong dài hạn, mặc dù không phải là ở ngay thời điểm này.
Theo nhà phân tích Matt Bryson, cuộc khủng hoảng có thể diễn ra trong một thời gian dài do "nguồn cung ngày càng khan hiếm" và tình trạng thiếu "năng lực sản xuất" ngày càng mở rộng. Hai vấn đề này đang trở thành vấn đề lớn đối với nhiều nhà cung cấp điện thoại thông minh và thiết bị.
Xiaomi tin rằng, các vấn đề nguồn cung cấp chip đang "cản trở hoạt động kinh doanh của họ", giống như Samsung và nhiều nhà sản xuất điện thoại thông minh khác. Theo Wedbush, Xiaomi thừa nhận có vấn đề về nguồn cung, điều này cho thấy "tình trạng thiếu hụt chip đã lên một cấp độ mới".
Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa Apple và các ông lớn công nghệ sẽ phải thực hiện các biện pháp tìm nguồn dự trữ khẩn cấp, cần thiết mang tính lâu dài bằng mọi phương án. Đồng nghĩa, các hãng phải điều chỉnh giá linh kiện, thiết bị phát hành trong thời gian ngắn, và điều này có thể ảnh hưởng nặng nề đến túi tiền của người tiêu dùng.
Mặc dù đây là một vấn đề trong ngắn hạn, nhưng Wedbush tin rằng đó có thể là một tình huống có lợi cho các nhà sản xuất thiết bị, vì các đòn bẩy định giá kỳ hạn mang lại.
Sự thiếu hụt nguồn cung hiện tại đang kích hoạt các xưởng đúc phải hoạt động liên tục, nhưng lợi nhuận về giá linh kiện từ những xưởng đúc đó khiêm tốn hơn "do tính chất dài hạn của các khoản hợp đồng dài hạn đề ra trước đó, hoặc nếu có điều chỉnh thì chỉ ở mức giới hạn nào đó nếu thương lượng với xưởng đúc được xác lập lại. Tuy nhiên, việc tăng giá thiết bị sẽ mang lại một khoản lời không tưởng cho Apple và các thương hiệu có khả năng điều phối, dự trữ, khắc phục được tình trạng thiếu hụt này.
Gần đây nhất, Chủ tịch Xiaomi Wang Xiang cảnh báo cuộc khủng hoảng chip toàn cầu có thể khiến công ty tăng giá các sản phẩm của mình, vì sự thiếu hụt đang gây áp lực lên chi phí.
Theo PhoneArena, Xiaomi cho biết, "Chúng tôi sẽ tiếp tục tối ưu hóa chi phí cho các thiết bị phần cứng của mình, đó là điều chắc chắn. Thành thật mà nói, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đưa ra mức giá tốt nhất có thể cho người tiêu dùng. Nhưng đôi khi, chúng tôi có thể phải chuyển một phần chi phí tăng thêm cho người tiêu dùng trong những trường hợp khác nhau".