Tại cuộc phỏng vấn, ông Đinh Công Sơn- Giám đốc Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và PTNT (trực thuộc Sở NNPTNT TP Hà Nội) cho biết: Dự án chậm tiến độ là do có rất nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân do vướng mắc do giải phóng mặt bằng (GPMB).
Ông có thể cho biết, vì sao một dự án lớn như dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích, lẽ ra theo mục tiêu thiết kế phải hoàn thành vào năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành (tức chậm tiến độ 6 năm)?
- Dự án cải tạo sông Tích bắt đầu được hình thành ý tưởng từ năm 1997 do Bộ NNPTNT đề xuất. Sau đó Bộ chuyển về cho tỉnh Hà Tây cũ nghiên cứu từ năm 2007, tuy nhiên không có vốn nên dự án đã dừng lại. Sau khi hợp nhất Hà Tây vào Hà Nội, đến năm 2009, thành phố đã cho khởi động lại dự án này.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là chính với khối lượng đào bới lòng sông xấp xỉ 12km và làm cống dẫn nước từ sông Đà tiếp nước vào sông Tích, tổng diện tích mặt bằng cần thu hồi là 310ha. Trong giai đoạn từ 2013-2016 ,2017 đã cơ bản GPMB được hơn 200ha và đã đào được phần kênh mới, còn vướng mắc ở xã Cẩm Lĩnh (Ba Vì) do địa phương để người dân xây dựng trên các công trình thủy lợi nhiều quá, rồi đất đai không có sổ sách quản lý, dẫn đến công tác GPMB bị tắc.
Thành phố cũng rất nhiều lần họp với huyện Ba Vì yêu cầu đẩy nhanh tiến độ GPMB, vì đây là dự án trọng điểm của TP và cũng đã cho thanh tra vào cuộc để xem vì sao dự án chậm tiến độ như thế và đã có một số sai phạm của cán bộ ở địa phương đã được Công an huyện Ba Vì đã xử lý.
Cơ bản phần trên từ xã Sơn Đà đã thi công xong, còn lại là phần nạo vét phía dưới, nhưng hiện mặt bằng chỉ được bàn giao lỗ chỗ. không có đường vào để thi công, nên từ 2017 đến giờ rất vướng và không thi công được.
Mục tiêu của dự án là tiếp nước, tức phục vụ nước tưới cho nông nghiệp. Song theo Tổng cục Thủy lợi, hiện cống Lương Phú là điểm nóng về lấy nước đổ ải vụ xuân hàng năm, dẫn đến nhiều diện tích lúc cần thì hạn không có nước, lúc lại bị ngập lụt?
- Trong quá trình triển khai dự án, đã nảy sinh một số bất cập, nên Ban Duy tu chúng tôi cùng với huyện, xã phải đặt các trạm bơm dã chiến để thứ nhất phục vụ tiêu và thứ hai đảm bảo tưới. Trong quá trình triển khai thi công từ 2013 đến giờ, chúng tôi đều lắp đặt các trạm bơm dã chiến để phục vụ công tác tiêu úng và tưới nước.
Tất cả các công trình trên đó, chúng tôi đều rà soát và phối hợp với chính quyền địa phương và Công ty thủy lợi Sông Tích rất kỹ để đảm bảo tưới- tiêu cho bà con nông dân. Đây cũng là trách nhiệm trong dự án của chúng tôi.
Một hạng mục thi công quan trọng là gói thầu 12a về thi công cống đầu mối Lương Phú nhưng đến giờ vẫn chưa làm để lấy nước từ sông Đà vào?
- Hiện toàn bộ công trình chính, đã cơ bản hoàn thành và bây giờ chỉ còn 150m kênh phía thượng lưu sông Đà, song do trong sông chưa làm được hết, chưa đảm bảo hệ thống phòng chống lũ, nếu lấy nước vào sẽ không đảm bảo thi công phần nạo vét được.
Do đó, về cơ bản nếu cần lấy nước tưới, chúng tôi sẽ sử dụng các trạm bơm dã chiến để bơm vào ruộng cho bà con. Đây là hạng mục cuối cùng, bao giờ nạo vét xong toàn bộ 27km lòng sông đến Sơn Tây, chúng tôi sẽ cho thi công hạng mục mở cửa cống đầu mối Lương Phú.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, hiện có rất nhiều hạng mục công trình của dự án thi công dở dang và đang bị bỏ hoang, xuống cấp. Ban Duy tu có nắm được?
- Thực ra, chúng tôi cho thi công đồng bộ. Nhưng về phần các công trình bị bỏ hoang, xuống cấp như Báo Dân Việt phản ánh, chúng tôi cũng phải nhận khuyết điểm là phần giám sát, đôn đốc đơn vị thi công có các phương án bảo vệ chưa sát. Về nguyên tắc, chúng tôi đã giao mặt bằng cho đơn vị thi công là Công ty CP tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh, thì đơn vị thi công phải có trách nhiệm rào chắn, bảo vệ công trình.
Thời gian vừa rồi, do Bình Minh đưa toàn bộ hệ thống máy móc, công nhân về nên họ chỉ thuê hai bảo vệ tại đó. Sau khi có thông tin của Báo điện tử Dân Việt, chúng tôi đã đôn đốc Bình Minh tổ chức rào chắn, bảo vệ công trình, bởi khi công trình chưa bàn giao, thì trách nhiệm vẫn thuộc về đơn vị thi công.
Tại phần mái sông, suốt dọc từ các xã Sơn Đà, Cẩm Lĩnh tới Vật Lại của huyện Ba Vì, hiện người dân tự ý vào trồng cỏ trong đó, ông đã nắm được?
- Về thiết kế, các ô bê tông chống sạt trượt đó được trồng cỏ.
Nhưng cũng phải có chủng loại cỏ theo thiết kế để đảm bảo chất lượng công trình?
- Là cỏ mái đê bình thường thôi, nhưng do bà con thấy có đất trống thì cứ ra trồng cỏ để nuôi bò. Lần trước, chúng tôi đã nhắc nhở công ty Bình Minh chỗ anh Hệ (ông Phùng Văn Hệ- Tổng Giám đốc Công ty Bình Minh) phải lưu ý chỗ đó, chúng tôi cũng có nhiều văn bản xuống xã để xã nhắc nhở bà con không vào đó. Còn khi đi vào bàn giao sử dụng, thì các đoạn đó phải hoàn thiện hết. Còn bây giờ vẫn được coi là đang trong quá trình thi công.
Với một dự án lớn như sông Tích, riêng phần thi công đã có mức vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng, năng lực của đơn vị thi công là Công ty Bình Minh ra sao?
- Về năng lực tài chính, thi công thì Bình Minh đã thi công nhiều công trình thủy lợi rồi.
Theo Quyết định 4927 ngày 6/10/2010 của UBND TP Hà Nôi có nêu rõ trong phần lựa chọn nhà thầu là, phải thực hiện theo các quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Đấu thầu 2005, cũng các văn bản pháp quy khác. Dự án cũng có nguồn vốn thi công tới 2.400 tỉ đồng, tại sao lại chỉ định thầu?
- Tại sao lại chỉ định thầu?, bởi vì Bình Minh đã ứng vốn để thi công trước. Tức nhà nước bố trí được bao nhiêu, thì họ thi công bấy nhiêu. Lúc đó, Chính phủ cũng có văn bản đồng ý cho chỉ định thầu đối với dự án này để kịp thời phục vụ công tác phòng chống lụt bão. Sau đó, căn cứ vào năng lực tài chính, năng lực thi công, chủ đầu tư đã tiến hành chỉ định thầu.
Cũng phải nói thêm, lúc đó chưa bố trí được vốn, cả giai đoạn 2011-2015, thành phố chỉ bố trí nhỏ giọt. Đến giai đoạn 2015-2020, mới tập trung nguồn lực vào dự án.
Cho đến nay, khối lượng thi công đã đạt được bao nhiêu, được biết, Công ty Bình Minh đã được giải ngân hơn 1.600 tỷ đồng trong quá trình thi công?
- Trên thực tế khối lượng thi công giờ nhiều hơn 1.600 tỷ đồng, ước đạt khoảng 2.000 tỉ đồng. Song do một số công trình đã thi công rồi nhưng chưa hoàn thiện nên chưa thể nghiệm thu được.
Ngoài 1.600 tỉ đồng đã giải ngân cho Công ty Bình Minh, đến nay đã có bao nhiêu tiền được đưa vào dự án này?
- Riêng GPMB đã giải ngân 1.100 tỉ đồng, cộng với thi công và các chi phí khác là 2.800 tỉ đồng trên tổng mức đầu tư của giai đoạn 1 là hơn 4.200 tỉ đồng.
Nhà thầu thi công chính của dự án là Công ty Bình Minh hiện đang có nhiều dự án khác cũng bị vi phạm, chậm tiến độ, Ban Duy tu có nắm được?
- Đây là dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước nên khác với các dự án mà Bình Minh đầu tư, sử dụng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp. Về mặt thi công, khối lượng không còn nhiều, họ cũng chỉ ứng vốn giai đoạn đầu, vốn cho dự án, thành phố đã đưa vào trung hạn, nên vẫn đảm bảo được.
Trong trường hợp mình cấp vốn tiếp mà Bình Minh không đủ năng lực thi công, thì sẽ xử lý thế nào?
- Bây giờ không có chuyện cấp vốn trước, mà thi công đến đâu sẽ nghiệm thu, thanh toán đến đó.
Nhưng trong trường hợp nhà thầu khó khăn quá, kể cả bàn giao mặt bằng rồi nhưng vẫn không thi công được thì sao?
- Cái đó, chúng tôi sẽ phải báo cáo thành phố cho thay nhà thầu thôi, đó là đương nhiên. Nếu bàn giao mặt bằng rồi, mà nhà thầu vẫn không đảm bảo tiến độ, thì buộc phải thay, lúc đó sẽ chốt lại khối lượng, chứ không thể kéo dài được hơn. Bây giờ, họ vẫn còn lý do khách quan là vướng mặt bằng.
Ngoài Bình Minh, còn nhà thầu nào khác thi công dự án này?
- Bình Minh thi công là chính, ngoài ra còn có các đơn vị thi công lắp đặt trạm biến áp và phần cơ khí.
Một dự án kéo dài quá nhiều năm như vậy và theo kế hoạch nếu có mặt bằng, phải đến 31/12/2022 mới hoàn thành. Vậy có điều chỉnh mục tiêu của dự án?
- Mục tiêu chính vẫn là cấp nước tưới cho nông nghiệp thôi, chứ không có điều chỉnh gì. Trên tinh thần chỉ đạo của Thành ủy, UBNTD TP, các mục tiêu cơ bản của dự án vẫn phải giữ lại nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư, mà chỉ điều chỉnh lại một số hạng mục của giai đoạn 2. Còn về giá trị thay đổi chủ yếu là về chính sách GPMB và đơn giá thi công.
Nếu GPMB được, chúng tôi đặt mục tiêu đến 2022 sẽ hoàn thành. Thực tế khối lượng không nhiều. Chỉ còn phần nạo vét và đặt cống đầu mối.
Sau thông tin phản ánh của Báo điện tử Dân Việt, Ban Duy tu đã có động thái gì để tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại của dự án này?
- Về thông tin Báo điện tử Dân Việt đã đăng tải, chúng tôi đã tiếp nhận thông tin và sẽ chấn chỉnh, phối hợp với địa phương, báo cáo thành phố để tập trung giải phóng mặt bằng. Chúng tôi cũng rất cảm ơn Báo đã có thông tin phản ánh kịp thời để chúng tôi điều chỉnh, trong quá trình triển khai có những sơ suất có cả lý do chủ quan và khách quan. Chúng tôi sẽ sớm chấn chỉnh, đôn đốc.
Một số xã hiện vẫn đang phản ánh, họ đã nhiều lần có công văn đề nghị Sở NNPNT, Ban Duy tu tiến hành bồi thường phần diện tích lúa bị thiệt hại do dự án thi công gây ngập lụt. Vì sao, đến nay việc bồi thường vẫn chưa được thực hiện?
- Phần ngập úng là do các xã khi làm nông thôn mới đã chặn hết kênh tiêu nước, sau đó chúng tôi đã cho khơi thông nước từ nội đồng. Về phần bồi thường, chúng tôi đã đi từng thửa ruộng để ký xác nhận diện tích bị thiệt hại, nhưng đến khi có văn bản của xã lên thì lại ra một diện tích khác. Chúng tôi đã mời xã lên làm việc nhưng xã không lên. Bây giờ phải xác định đúng, diện tích nào bị thiệt hại do tác động của dự án sẽ bồi thường, chứ không phải thiệt hại một đằng, lại thống kê một nẻo.
Được biết, mới đây UBND TP Hà Nội đã có cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền đã để nghe báo cáo và đề xuất nhằm triển khai thi công dự án này. Đến nay, TP đã có chỉ đạo gì chưa?
- Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền đã họp và nghe báo cáo về dự án. Sau đó, UBND TP có ra văn bản yêu cầu Sở NNPTNT Hà Nội rà soát lại toàn bộ dự án và phối hợp với huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây để từ nay đến 30/6/2021, phải bàn giao được mặt bằng thi công. Bây giờ chỉ tập trung vào thi công giai đoạn 1.
Gần 7.000 tỉ đồng cho dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích
Ngày 6/10/2010, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định 4927/QĐ- UBND về việc phê duyệt dự án "Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích" từ Lương Phú xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, TP Hà Nội (gọi tắt là dự án cải tạo sông Tích) với số vốn hơn 6.914 tỉ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, ngân sách TP, nguồn vốn ODA…, với thời gian thực hiện từ năm 2010- 2015.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn và 3 đoạn thi công, trong đó Công ty CP tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh được chỉ định thầu thi công đoạn 1 của giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 2.400 tỉ đồng, cho đến nay đơn vị này đã được chủ đầu tư giải ngân hơn 1.600 tỉ đồng.
Dự án được giao cho Sở NNPTNT Hà Nội và UBND Thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư. Theo đó, Sở NNPTNT Hà Nội sẽ làm chủ đầu tư đoạn 1, giai đoạn I và cả giai đoạn 2; còn lại đoạn 2 giai đoạn I gồm toàn bộ các công việc, hạng mục công trình của dự án thuộc đoạn tuyến sông Tích qua địa bàn thị xã Sơn Tây, đoạn từ cầu Trắng xã Đường Lâm đến cầu Ó dài 13,50km được giao cho UBND Thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư với quy trình quản lý như một dự án độc lập. Đoạn này được bố trí hơn 1.670 tỉ đồng.
Do không đạt tiến độ đề ra ban đầu, ngày 4/3/3016, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 1054/QĐ-UBND để gia hạn thi công dự án. Theo đó, giai đoạn I của dự án Tiếp nước cải tạo, khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án này vẫn chưa rõ ngày hoàn thành, hàng nghìn tỉ đồng của nhà nước đã đổ vào dự án này đang bị lãng phí, gây bức xúc cho nhân dân.