Là ông bà, cha mẹ, ai cũng muốn điều tốt đẹp nhất đến với con và nuôi dạy con bằng tình yêu thương vô bờ bến của mình. Không có ai muốn con mình bị vấp ngã, đau khóc nên khi con gặp sự cố sẽ luôn sẵn sàng ở bên để chở che, bảo vệ.
Diễn viên Lan Phương đã đưa ra một tình huống thường thấy ở trẻ con đó là nghịch ngợm vô tình va vào bàn ghế, giường tủ... rồi đau khóc váng cả nhà. Cha mẹ sẽ làm gì lúc này?
Lan Phương cho biết: "Đánh chừa" cái ghế vì đã làm em đau, "đánh chừa" nền nhà vì làm em ngã - là cách dỗ dành trẻ con rất quen thuộc với chúng ta.
Phương không muốn bàn tới chuyện sai đúng của cách giáo dục ấy, bởi mỗi người đều có góc nhìn của riêng mình. Nhưng có một câu chuyện khác, hoàn toàn trái ngược với những gì Phương vừa kể: Câu chuyện "xin lỗi cái bàn"!
Một cậu bé nức nở chạy ra mách bà, chỉ tay lên trán - nơi đang bị sưng đỏ - và mếu máo: Con vừa va phải cái bàn!
Người bà ôm lấy cậu, xoa chỗ đau rồi hỏi: Hình như bàn không biết đi, bạn ấy đâu thể tự va vào con được? Con bị đau là do con không cẩn thận hay cái bàn làm con bị đau?
Cậu bé nín khóc, ngẫm nghĩ một hồi rồi hỏi nhỏ: Liệu bàn có bị đau giống con không?
Bà mỉm cười trả lời: Bà cũng không biết nữa. Nhưng bà nghĩ con nên xin lỗi chiếc bàn vì đã không cẩn thận va vào. Lần sau, con sẽ phải chú ý hơn con nhé!
Cậu bé ngoan ngoãn đi ra phía chiếc bàn, khoanh tay xin lỗi. Câu chuyện kết lại bằng bài học: Chỉ khi biết xin lỗi vì sai lầm của mình, trẻ mới có thể tự chịu trách nhiệm cho những việc đã làm!
Chúng ta nên dạy con như thế nào cho đúng? Giữa hai phương án "đánh chừa chiếc bàn" và "xin lỗi chiếc bàn", phần lớn mọi người đều chọn vế thứ 2".
Diễn viên Lan Phương chia sẻ, cô không chọn phương án nào trong 2 phương án kể trên.
Lan Phương viết: "Tại sao nhất định lỗi phải thuộc về bé hay chiếc bàn? Trẻ con hiếu động, đúng, nhưng chiếc bàn để bất cẩn giữa khu vực vui chơi của bé thì đó lại là lỗi thuộc về người lớn. Trong nhà có trẻ con thì chuẩn bị những việc nhỏ như sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, lấy vải mềm bọc cạnh bàn, đó là trách nhiệm của người làm cha mẹ. Bởi trẻ con không thể làm điều đó, chiếc bàn lại càng không!
Ai cũng muốn con ngoan ngoãn và lễ phép, Phương cũng vậy. Nhưng thứ Phương còn mong muốn hơn là con hiểu được đúng, sai, tự phân biệt được điều gì nên làm và điều gì không nên. Chiếc bàn không biết đau nên con không cần lo lắng về điều không tồn tại, con không làm sai thì đừng phung phí lời xin lỗi. Điều con cần làm là cẩn thận hơn, chú ý hơn để không tự làm đau bản thân mình. Và chắc chắn, con sẽ nhận được lời xin lỗi từ Phương nếu chuyện chiếc bàn để sai chỗ là lỗi từ người lớn!
Hãy dạy con một cách công bằng và đừng bao giờ lấy đi sự tự tin của con về những điều đúng đắn. Phương không hi vọng Lina sẽ khoanh tay nói lời xin lỗi trong mọi tình huống mà con sẽ học được cách bảo vệ mình tốt hơn, ý thức về sự vật xung quanh tốt hơn và đa chiều hơn.
Phương muốn con chỉ nói xin lỗi khi nhận thức được điều mình làm là chưa đúng. Và con cũng biết yêu cầu lời xin lỗi từ người khác - nếu họ làm điều gì sai trái với mình".
Còn bạn, bạn sẽ chọn cách dạy con "xin lỗi chiếc bàn", "đánh chừa" những thứ đã làm tổn thương con hay chọn cách nào khác trong tình huống ấy?