Hậu chủ Lưu Thiện là vị Hoàng đế thứ hai của nhà Thục Hán thời Tam Quốc và đồng thời cũng là người con kế nghiệp của Tiên chủ Lưu Bị nổi danh một thời.
Mặc dù bị nhiều người đánh giá là nhu nhược, vô năng, thế nhưng Qulishi lại cho rằng, Lưu Thiện thực chất là người kế thừa có tiền đồ nhất trong ba thế lực Ngụy – Thục – Ngô thời bấy giờ.
Liệu rằng tại sao một người bị xem như "tội đồ" khiến Thục Hán diệt vong như vị Hoàng đế này lại được đánh giá như vậy?
Theo ghi chép của "Hán Tấn Xuân Thu", năm xưa sau khi Thục Hán bị diệt vong, Lưu Thiện đã tới Lạc Dương và sống dưới sự kìm kẹp của gia tộc Tư Mã.
Có lần, Tư Mã Chiêu vì muốn thử lòng ông nên đã cố ý an bài cho người múa điệu múa truyền thống của Thục Hán trong yến tiệc.
Khi nhìn xuống dưới, ông thấy các lão thần của nhà Thục đều ngậm ngùi che mặt, ánh mắt ngấn lệ, duy chỉ có Lưu Thiện là vẫn tươi tỉnh, vui vẻ.
Bấy giờ, Chiêu cố ý hỏi Lưu Thiện có còn nhớ đất Thục Hán không. Vị Hậu chủ ấy liền nhanh chóng trả lời:
"Ở đây rất vui, tôi không còn nhớ gì về đất Thục nữa".
Câu trả lời không có tiền đồ này khiến cho một kẻ đa nghi và lắm mưu nhiều kế như Tư Mã Chiêu cũng không thể bắt bẻ.
Thế nhưng những lời ấy khiến cho một viên quan cũ của nhà Thục tên Khước Chính cảm thấy bất bình. Sau lần ấy, Khước Chính có khuyên Hậu chủ lần sau nếu được hỏi, thì hãy trả lời rằng mồ mả tổ tiên vẫn còn ở Lũng Thục, không ngày nào không nhớ.
Quả nhiên sau đó Tư Mã Chiêu có hỏi lại câu cũ, Lưu Thiện đáp y như lời Khước Chính dạy.
Nghe xong, Chiêu liền cười và nói rằng:
"Sau lời này lại giống như của Khước Chính quá vậy".
Lưu Thiện lập tức tỏ vẻ kinh hãi và thừa nhận mình được viên quan họ Khước "mớm lời".
Câu chuyện nói trên khiến cho nhiều người cho rằng Lưu Thiện vô năng, nhu nhược. Thế nhưng nếu quả thực như vậy, liệu rằng vị Hậu chủ ấy có thể ngồi vững trên ngai vàng Thục Hán tới 41 năm được hay không?
Năm xưa sau khi Lưu Bị ủy thác ở Bạch Đế thành rồi qua đời, Lưu Thiện đã chính thức kế thừa ngai vàng với thời gian trị vì tổng cộng lên tới 41 năm.
Cho nên có thể nói rằng, trong ba nước thời Tam Quốc là Ngụy – Thục – Ngô, ông chính là người ở ngôi Hoàng đế lâu nhất. Đây cũng chính là phương diện hiếm hoi mà ông "vượt mặt" các đối thủ của mình thời bấy giờ.
Về điều này, có không ít người cho rằng đó đều là nhờ vào công lao phò tá của Gia Cát Lượng hoặc bắt nguồn từ địa thế dễ thủ khó công của đất Thục.
Tuy nhiên nhìn lại lịch sử phong kiến Trung Hoa, không khó để nhận thấy có không ít Hoàng đế bị cho là nhu nhược, bất tài. Trong số họ, có người chỉ ngồi trên ngai vị được vài năm, cũng có người gắng gượng giữ lấy đế vị được mười mấy năm.
Thế nhưng một vị quân chủ bị cho là nhu nhược, bất tài mà vẫn thể điều hành đất nước tới hơn 4 thập kỷ như Lưu Thiện thì quả thực vô cùng hiếm có.
Vì vậy, rất có thể vị Hậu chủ này thực chất là một người "đại trí giả ngu", dùng vẻ ngoài tưởng như vô năng, nhu nhược để che giấu đi con người thật của mình.
Khi mới lên ngôi, vì tuổi đời còn non trẻ, mọi việc đại sự Lưu Thiện đều để Thừa tướng Gia Cát Lượng làm chủ.
Dù vậy, ít ai có thể nhìn ra được rằng, ngay cả khi phải ngày đêm xông pha trên chiến trường vì sự nghiệp Bắc phạt, Khổng Minh vẫn hết sức an tâm vì hậu phương đã có Lưu Thiện trấn giữ.
Trong những năm tháng Hậu chủ tại vị, nhà Thục không có quyền thần làm loạn như Đông Ngô hay Tào Ngụy. Cục diện triều đình có thể xem là hết sức an ổn.
Sau này, mặc dù xuất hiện một nịnh thần Hoàng Hạo, tuy nhiên Qulishi cho rằng Lưu Thiện từ sớm đã nhìn thấu những mánh khóe tiểu xảo của hoạn quan này, chỉ có điều ông cho rằng những việc ấy là nhỏ nhặt và không cần phải để ý đến mà thôi.
Trong một vài bộ phim truyền hình, Lưu Thiện thường gắn liền với hình tượng của một "con nhà giàu" bất tài, vô dụng điển hình.
Thế nhưng trong thực tế lịch sử, dưới sự dạy dỗ và bồi dưỡng tận tâm của Lưu Bị, ông chẳng những tinh thông sách vở mà còn giỏi về cưỡi ngựa, bắn tên.
Nếu so sánh với những nhân vật cùng thế hệ khác vào thời ấy, Lưu Thiện có thể xem như một vị Hoàng đế văn võ song toàn.
Nhìn lại cuộc đời của Lưu Thiện, dấu ấn gây mất điểm nhất mà ông để lại cho hậu thế chính là hành động mở cổng thành đầu hàng khi nhánh quân Tào Ngụy do Đặng Ngải cầm đầu đánh tới Thành Đô.
Có nhiều ý kiến cho rằng, đây là một việc làm hèn nhát và dại dột. Bởi Đặng Ngải khi ấy dù đã lén qua Âm Bình để tới kinh thành, thế nhưng nhánh quân này cũng chỉ vẻn vẹn trên dưới vài nghìn người, mà trong kinh thành khi ấy vẫn còn mấy chục ngàn quân Thục coi giữ.
Tuy nhiên theo quan điểm của Qulishi, việc làm của Lưu Thiện cũng chỉ là bần cùng bất đắc dĩ. Bởi lẽ ở vào thời điểm ấy, vị Hoàng đế này hiểu rõ hơn ai hết tình trạng của Thục Hán.
Đất nước của ông trải qua nhiều năm chinh chiến, từ sớm đã trở thành một nước nghèo, dân chúng khốn khổ, chật vật. Cho nên, việc lựa chọn đầu hàng là một quyết định đã được Lưu Thiện cân nhắc kỹ lưỡng.
Bởi những trận đánh trước đó càng khiến ông thấy rõ được rằng, ngày tàn của Thục Hán đã tới. Nếu không muốn trăm họ trở thành vật hy sinh cho chiến tranh thì chỉ còn cách mở cổng thành để đầu hàng mà thôi.
Và sự thật là ngay cả khi đã lựa chọn đầu hàng, Lưu Thiện vẫn có được một cuộc sống hết sức an ổn ngay dưới tầm mắt của kẻ thù. Ông thậm chí còn được phong tước vị và yên ổn sống tới già.
Sở dĩ có thể làm được điều ngoạn mục này trong thời loạn thế là bởi Lưu Thiện biết mình, biết người. Câu nói "không nhớ đất Thục" của ông cũng đã gián tiếp thể hiện điều này.
Tựu chung lại, một vị Hoàng đế có thể ở ngôi tới 41 năm như Lưu Thiện ắt phải có điểm đặc biệt thì mới có thể điều hành Thục Hán trong một khoảng thời gian dài như vậy.
Và nếu so sánh với tuổi thọ ngắn ngủi của gia tộc Tào Ngụy hay cảnh tranh đấu nội bộ đẫm máu của gia tộc Đông Ngô thì vị quân chủ như Lưu Thiện quả thực vẫn "ăn đứt" các đối thủ của mình trên phương diện thời gian trị vì.