Chiều ngày 1/4, Học viện Múa Việt Nam đã có buổi làm việc với báo chí về vụ việc hơn 300 học sinh của trường không được cấp văn bằng.
Ông Trần Văn Hải - Quyền giám đốc Học viện Múa Việt Nam cho biết, việc này tồn đọng từ năm 2012 tới năm 2016. Vấn đề đang mắc hiện nay là 273 học sinh không có 3 bằng: Bằng THCS; THPT; trung học chuyên nghiệp.
Ông Hải cho rằng trường không có chức năng phải cấp bằng THCS hay THPT cho các em. Lý do là bởi từ lâu trường Học viện Múa Việt Nam đã được hai bộ là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Bộ GDĐT cho cơ chế tuyển sinh đào tạo đặc thù.
Trường được hai bộ đồng ý cho dạy hệ cao đẳng liên thông. Với hệ này, học sinh phải học hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là học trung cấp, giai đoạn 2 là cao đẳng. Học sinh tốt nghiệp chỉ được cấp bằng cao nhất là cao đẳng.
"Thông thường học sinh tốt nghiệp THCS mới được thi trung cấp. Riêng trường được tuyển các em học trung cấp từ lớp 6-7 để đào tạo do là ngành đặc thù. Tuy nhiên, trường không có trách nhiệm phải cấp bằng THCS hay THPT cho các em. Trước đây, các em học hệ trung cấp sẽ được cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp và bằng này đã bao gồm tích hợp bằng THCS và bằng THPT", ông Hải nói.
Bắt đầu từ năm 2020, trường sẽ đăng ký với Sở GDĐT để tìm đối tác liên kết dạy văn hóa. Việc này sẽ áp dụng với khóa học từ năm 2019. Các con sẽ được học văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) để có thể tham gia kỳ thi THPT quốc gia".
Ông Trần Văn Hải - Quyền giám đốc Học viện Múa Việt Nam
"Đây là lỗi kỹ thuật. Trường múa Việt Nam quên không đăng ký đầu vào hệ trung cấp chuyên nghiệp với Bộ GDĐT, chỉ đăng ký tuyển lớp cao đẳng diễn viên. Vì thế các em tốt nghiệp chỉ cấp bằng cao nhất là bằng cao đẳng mà không có bằng trung cấp chuyên nghiệp", ông Hải nói.
Ông Hải lý giải thêm, vì không có bằng trung cấp chuyên nghiệp nên một số học sinh dù có bằng cao đẳng khi đậu đại học, các trường ĐH vẫn không tiếp nhận hồ sơ của các em.
Ông Hải cho biết, sau nhiều phiên làm việc giữa các bộ, ban ngành, trường đã thống nhất hướng giải quyết.
"Phương án tối ưu là cấp bù bằng trung cấp chuyên nghiệp, bởi bằng này đã tích hợp cả chương trình văn hóa, các trường ĐH sẽ công nhận bằng trung cấp chuyên nghiệp để các em có thể học lên ĐH và cấp cao hơn", ông Hải nói.
Tuy nhiên bằng trung cấp chuyên nghiệp này chỉ có giá trị để các em học trong ngành dọc, tức là các trường thuộc khối văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Ông Hải cho rằng, nếu làm được như vậy thì mấu chốt của vấn đề sẽ được giải quyết. Ông Hải cam kết: "Chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm của mình, vấn đề giờ là giải quyết hậu quả, mang lại quyền lợi tốt nhất cho các em".
Cùng ngày, trong buổi gặp gỡ báo chí, nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa thấy thuyết phục trước lý giải của lãnh đạo nhà trường. Phụ huynh đề nghị nhà trường phải cho một lịch cụ thể, bao giờ sẽ cấp được bằng cho các con.