Chiều nay (1/4), Quốc hội thảo luận tại hội trường để cho ý kiến về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.
Phát biểu góp ý, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân đã đánh giá cao việc Chính phủ có tờ trình về số lượng đại biểu HĐND chuyên trách của TP. Hà Nội. Theo ông, đây là một tư duy rất mới, tích cực, coi trọng cơ quan dân cử.
Tuy nhiên theo ĐB Vân chúng ta còn nặng về quan niệm hành chính, khi xem xét đến địa vị pháp lý của đại biểu dân cử. Ông dẫn chứng việc lấy hệ số phụ cấp trách nhiệm để quy đổi sang chức vụ tương đương, như thế sẽ rất khó làm việc.
"Một đại biểu HĐND chuyên trách ở thành phố mà chỉ tương đương với Trưởng phòng, chưa bằng cấp phó của Giám đốc sở làm sao giám sát được hoạt động của Giám đốc Sở. Tôi muốn lưu ý Quốc hội ở chỗ là, ĐBQH, đại biểu HĐND là một nhân vật chính trị. Chính trị ở chỗ nào? Là tiếp nhận sự ủy thác quyền lực của nhân dân, thông qua bầu cử. Một ĐBQH hoặc một đại biểu HĐND có hàng trăm nghìn cử tri ủy thác quyền lực Nhà nước để họ đại diện.
Còn một cán bộ trưởng phòng chỉ cần một vài ông có chức vụ, giám đốc sở, phó giám đốc sở, chi ủy thông qua là được. Chúng ta phải hiểu được ý nghĩa chính trị của nhân vật pháp lý chính trị này. Cho nên, quá trình chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XV thì Trung ương có chỉ đạo chọn số ĐBQH chuyên trách, trong số những người đã được quy hoạch ít nhất là Vụ trưởng hoặc Thứ trưởng", ĐBQH Lê Thanh Vân nói.
Vẫn theo ĐB Vân, đối với đại biểu HĐND chuyên trách của TP. Hà Nội chế độ tối thiểu phải tương đương trưởng phòng hoặc phó giám đốc sở, nhưng ông cho rằng cách tư duy như thế cũng nên phải xem xét lại.
"Theo tôi, ĐBQH, tất cả những người được chọn vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất tại hội trường này thì có mức lương khởi điểm tối thiểu phải như Thứ trưởng, còn lại những phụ cấp gọi là phân công chứ Quốc hội không nên có một hệ thống chức danh có tính chất hành chính. Bởi suy cho cùng, Chủ tịch Quốc hội với các ĐBQH đều ngang bằng về quyền lực như nhau, đó là quyền phát biểu, quyền biểu quyết, HĐND cũng vậy. Chúng ta cần phải nghiên cứu một bảng lương riêng cho các cơ quan dân cử. Các đại biểu dân cử phải có một địa vị chính trị, pháp lý cụ thể, rõ ràng, thể hiện qua đãi ngộ của Nhà nước", ĐB Vân bày tỏ.
Ông Lê Thanh Vân nói thêm, một đại biểu trong nhiệm kỳ gánh vác trách nhiệm của nhân dân ủy thác thì được hưởng đãi ngộ theo bảng lương riêng. Còn một đại biểu sau khi hết nhiệm kỳ không tái cử trở lại đơn vị công tác thì trở lại mức lương cũ.
"Trong bảng lương hiện nay rất mâu thuẫn ở chỗ một số chức danh của Quốc hội thì hưởng lương bầu cử, nhiều chức danh khác lại hưởng lương theo hệ thống hành chính, tức là phụ cấp trách nhiệm. Tôi đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này. Cần một chính sách rõ ràng thể hiện đãi ngộ của nhà nước, của nhân dân đối với các đại biểu dân cử, có như vậy mới thu hút được nhân tài vào các cơ quan quyền lực nhà nước, từ Quốc hội đến HĐND các cấp", ĐBQH Lê Thanh Vân nhấn mạnh.
Khi giải trình về vấn đề phụ cấp của đại biểu hoạt động chuyên trách, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Hiện nay trong thang bảng lương và danh mục vị trí việc làm chưa có chức danh là đại biểu chuyên trách của các Ban của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thời gian qua Hà Nội đã tổ chức thí điểm đại biểu chuyên trách hưởng phụ cấp 0,6, bằng phụ cấp của trưởng phòng cấp Sở và TP.HCM hiện nay cũng thế. Như vậy, phụ cấp của đại biểu hoạt động chuyên trách của các Ban của HĐND không thể cao hơn hoặc bằng với phụ cấp của phó ban ĐBQH.
"Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội chúng tôi sẽ nghiên cứu để làm đồng bộ", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.