Clip cảnh hai thiếu niên bị đánh tàn bạo trong phòng giám thị trường cấp 2 vì bị nghi trộm cắp
Mới đây, Công an quận 10 (TP.HCM) phối hợp cùng các lực lượng chức năng địa phương đang làm rõ việc một bảo vệ khu phố đánh 2 thiếu niên tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố.
Thông tin với báo chí, ông Vũ Anh Khoa, Chủ tịch UBND quận 10, cho biết đã nắm thông tin vụ việc và yêu cầu các bên liên quan báo cáo đầy đủ, đồng thời UBND quận 10 đã yêu cầu đình chỉ công tác đối với bảo vệ dân phố này để chờ xử lý.
Trước đó, sáng 1/4, một đoạn clip hơn 1 phút đăng tải lên mạng xã hội ghi lại cảnh 2 thiếu niên bị người mặc đồ dân phòng đánh trong phòng được cho là của 1 ngôi trường.
Nội dung đoạn clip thể hiện 1 thiếu niên bị 1 người mặc quần áo dân phòng dùng chân đá vào mặt. Thiếu niên không chống trả mà hứng chịu những cú đá thẳng vào mặt.
Sau một lúc, người mặc quần áo dân phòng tiến lại gần dùng tay đấm thẳng vào mặt.
Chưa dừng lại, người này còn dùng tay, chân đánh đá tới tấp vào thiếu niên ngồi phía sau. Đáng nói, sự việc diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều người lớn.
Liên quan đến việc này, luật sư Bùi Quốc Tuấn - Trưởng văn phòng LS Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, hành động của các cháu có thể chưa đúng, nhưng hành vi đánh các cháu như thế là sai, vi phạm pháp luật.
Nếu các cháu có vi phạm pháp luật, cần thông báo cho chính quyền địa phương can thiệp giải quyết.
Còn lực lượng tổ dân phố chỉ là bảo vệ dân cư, khu phố, nếu có phát hiện hành vi của ai đó, có vi phạm pháp luật, thì cần dẫn giải lên cơ quan Công an địa phương giải quyết, nếu trẻ vị thành niên, cần người giám hộ, gia đình... để giải quyết sự việc.
Lực lượng bảo vệ dùng quyền của mình để đánh đập trẻ em là vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất và mực độ gây thương tính theo tỉ lệ Cơ quan điều tra sẽ xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.
"Bảo vệ khu phố và bảo vệ nhà trường không được đánh các cháu.
Đồng thời trước khi nhờ bảo vệ địa phương can thiệp, chính Hiệu trưởng cũng phải cảnh báo những sự việc như vậy, mới có tính giáo dục cao, hơn nữa đây là trường điểm của Quận 10.
Chúng ta biết, bất cứ trẻ em nào trẻ vị thành niên cũng được pháp luật bảo vệ, vì trẻ em là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần.
Kể cả khi xét xử nào đối với người chưa thành niên phạm tội phải luôn xem xét hoàn cảnh của người phạm tội cũng như hoàn cảnh dẫn đến hành vi phạm tội", luật sư Tuấn nói.
Điều 12 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định về tuổi chịu TNHS của trẻ em như sau:
Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.
Khoản 2 điều 12 đã liệt kê cụ thể những tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 phải chịu TNHS nhằm đảm bảo tính minh bạch, nhân đạo trong xử lý đối với đối tượng này theo tinh thần của Hiếp pháp năm 2013 và Công ước của LHQ về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Theo vị Luật sư, luật chỉ rõ 14 hành vi vi phạm quyền trẻ em bị nghiêm cấm, như: nghiêm cấm hành vi tước đoạt quyền sống của trẻ em; nghiêm cấm hành vi bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em...
Từ những quy định trên, hành vi đánh các em là trái pháp luật, cần xử lý để làm gương cho xã hội hiện nay, họ dùng quyền hạn của mình để tự giải quyết các quan hệ xã hội?
Chúng ta cần nhận thức được quyền của trẻ em và cần có hướng xữ lý đúng, có cơ quan có chức năng giải quyết sự việc như trên, nhằm bảo vệ trẻ em phát triển toàn diện hơn.
Những người xem mà không can ngăn cũng là hành vi xem thường tính mạng của người khác, họ biết hay không biết việc đó là vi phạm pháp luật, cần can ngăn, nhưng để mặc nhiên xảy ra.
Trong quá trình xem xét, Cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét trường hợp này, để xử lý theo quy định, cũng có thể là khởi tố vụ án và khởi tố bị can nếu đủ cơ sở.
Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:..
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;...
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;...
i) Có tính chất côn đồ...
Trường hợp gây thương tích dưới 11% thì nạn nhân có đơn yêu cầu khởi tố hình sự thì Cơ quan có thẩm quyền vẫn tiến hành khởi tố theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định tại Điều 155 về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại.