Dân Việt

Nhà văn Hoàng Anh Tú: "Nhiều cách cha mẹ dạy con ngày xưa sai be bét, giờ chúng ta lại lặp lại"

Tào Nga 27/04/2021 18:40 GMT+7
"Bố mẹ ngày xưa rất hay dạy con bằng đòn roi và cả những lời nhục mạ kinh khủng, nào là "con nhà lính tính nhà quan", "cá không ăn muối cá ươn"... Nhưng khi nghĩ lại, nhiều khi thấy thương hơn là giận".

Bố mẹ ngày xưa - Bố mẹ ngày nay dạy con

Khi nhìn thấy những ông bố, bà mẹ đèo con ngủ gật trên xe máy, trên vai nặng trĩu chiếc ba lô, nhà văn Hoàng Anh Tú chợt nhớ về ngày xưa và so sánh cách dạy con của 2 thế hệ.

Bài viết đáng suy nghĩ của nhà văn Hoàng Anh Tú có nội dung như sau:

"Ngày xưa, tôi cũng từng như những đứa trẻ này, nằm lúc lỉu trên ghế sau xe bố. Cơn ngủ gật khiến tôi từng ngã lăn xuống đường nhiều phen. Nên khi gặp những bức ảnh này, thứ khiến tôi nghĩ đầu tiên không phải là sợ thót tim mà là những ký ức ngọt ngào thời thơ ấu. Nhưng đúng là khi trở lại với thực tại, thót tim là có thật. Khi mà ngày xưa thứ tôi ngã ra khỏi là những chiếc xe đạp với vận tốc chậm chạp của bố. 

Còn bây giờ, trên những bức ảnh này là những chiếc xe máy, tất nhiên, dù chậm đến mấy cũng nhanh hơn xe đạp của bố tôi. Khi mà ngày xưa ngã xuống đường cùng lắm là rơi phải những bãi phân trâu, phân bò. Còn bây giờ, xung quanh là rất nhiều xe cộ. Có bao nhiêu tài xế vừa lái xe vừa xem điện thoại (đặc biệt là các anh chạy Grab hoặc ship đồ).

img
img
img
img

"Ngày xưa, tôi cũng từng như những đứa trẻ này, nằm lúc lỉu trên ghế sau xe bố. Cơn ngủ gật khiến tôi từng ngã lăn xuống đường nhiều phen" - nhà văn Hoàng Anh Tú. (Ảnh: IT)

Tôi nhớ những người cha, người mẹ của tôi và của bạn bè mình. Ngày xưa ấy, họ rất hay quát con, mắng con khi đang đèo con đi trên đường. Họ rất hay giáo dục con bằng đòn roi và cả những lời nhục mạ kinh khủng. Nào là "cái loại mắt trắng dã môi thâm xì", nào là "con nhà lính tính nhà quan", nào là "há to cái miệng ra, có muốn tao tọng vào mồm mày không"… Có cả kho những câu cha mẹ chửi con cái như thể tất cả các cha mẹ đều học ở cùng một nơi, cùng một sách vở giáo trình vậy. Giống đến mức mà tôi chắc rằng nhiều bạn xác nhận mình cũng từng nghe câu đó dù chúng ta không cùng cha mẹ.

Ngày xưa, chúng ta đổ lỗi cho việc đất nước gian khó, cha mẹ nào cũng bạc mặt mưu sinh. Nhiều khi còn vờ là không thích ăn món này món nọ để dành lại cho con ăn. Cha mẹ mắng chửi con đấy nhưng đứa nào thử đụng vào con bà xem, "bà có mà xé xác chúng mày ra ngay". 

Cha mẹ ngày xưa nghĩ lại mà nhiều khi thấy thương hơn là giận. Dù đúng là cách cha mẹ thương con ngày xưa sai be bét. Dù đúng là nhiều đứa trẻ ngày ấy giờ lớn lên vẫn mang đầy thương tổn trong sâu kín đáy lòng. Tôi đã chứng kiến bao đứa bạn 7X và 8X ngày xưa, đã đọc biết bao tâm sự của lũ học trò những năm 1998-2012… thời làm anh Chánh Văn. Nhưng giờ đây, khi những đứa bạn 7X, 8X của tôi ngày xưa và cả chính những cô bé cậu bé học trò 1998-2012 giờ đã làm cha mẹ thì dường như chúng ta đang lặp lại chính cách mà cha mẹ đã từng đối xử với chúng ta vậy. 

Chúng ta quên mất lũ trẻ của 2021 này khác lắm lũ trẻ chúng ta hồi ấy. Chúng ta chỉ rập khuôn bố mẹ muôn đời vẫn là bố mẹ- trẻ con muôn kiếp vẫn là trẻ con. Như chính cái cách để con ngủ lúc lỉu sau yên xe thế này…

Học làm cha mẹ. Đó thực sự là thứ mà tôi ấp ủ nhiều năm, kể từ khi tôi có cậu cả Pi Bách. Làm cha, tôi thực sự không khác gì một đứa trẻ lần đầu đến trường, ngơ ngác lắm. Tôi cố gắng tìm kiếm thông tin, học mót chỗ này chỗ nọ rồi viết lại chúng. 15 năm qua, những thứ tôi cóp nhặt có thể đã giúp tôi trở thành chuyên gia con cái, giúp tôi xuất bản nhiều cuốn sách, giúp tôi trở thành khách mời trên rất nhiều chương trình phát thanh, truyền hình, báo chí… 

Nhưng hơn ai hết, tôi hiểu rằng, trước 3 đứa trẻ nhà mình, tôi vẫn đang học làm cha mẹ mỗi ngày. Tôi sẽ không bao giờ tốt nghiệp được cho đến cả khi chúng cũng thành cha, thành mẹ. Bởi con cái, nói vui thì đúng là "oan gia trái chủ" là "nghiệp phải trả" như nhiều chuyên gia tâm linh vẫn nói nhưng nói thật thì đúng là chúng ta phải đi theo con cả đời, suốt đời và không bao giờ có được sự tự do đâu... Nhưng sướng. Nhưng hạnh phúc. Nhưng vui. Với tôi là thế. Thế nên, học làm cha mẹ là học suốt đời. Như học làm chồng, học làm vợ vậy. Là suốt đời cho đến khi chúng ta chết. Vậy thì sao vẫn nhiều người nói yêu con nhưng ngại học làm cha mẹ?

Nhà văn Hoàng Anh Tú bài viết đáng suy ngẫm: Bố mẹ ngày xưa - Bố mẹ ngày nay - Ảnh 2.

Nhà văn Hoàng Anh Tú và con gái.

Tôi biết nhiều người yêu con còn hơn cả tôi. Nhưng học làm cha mẹ thì nhiều người không thấy nó cần thiết. Họ rập khuôn theo chính cách bố mẹ họ ngày xưa đã dạy họ thế nào, làm cha mẹ của họ ra sao. 

Bất kể đứa con họ sinh ra đang sống ở năm 2021 này chứ không phải như họ, sống ở những năm một ngàn chín trăm hồi đó. Họ có thể học đâu đó cách làm cha mẹ của người này người nọ. Bất kể con họ không giống con của người mà họ học. Bởi mỗi đứa trẻ là một bản thể khác nhau, có cách tiếp thu khác nhau và có cả những suy nghĩ khác nhau. Nên học làm cha mẹ không phải theo giáo trình dạy con kiểu Mỹ hay dạy con kiểu Nhật, kiểu Do Thái. Mà là học làm cha mẹ kiểu Make in myself, Make in Me. 

Tức là học hiểu chính con mình để làm cha mẹ của chúng. Không khó lắm đâu. Nó chỉ giản đơn như là hãy nhìn con khi con nói chuyện. Như là lắng nghe con, cố gắng hiểu xem con mình muốn nói điều gì. Như là yêu con bắt đầu từ việc tôn trọng con mình, đặt lòng tin, niềm tin vào con mình. Như giao quyền- trao quyền cho con nhiều hơn. Như cho con những lựa chọn thay vì áp đặt, ép buộc, chỉ định. Như là đừng làm những điều mà ngày xưa mình không thích bố mẹ mình làm vậy với mình.

Cuối cùng, học làm cha mẹ chính là trở thành người cha, người mẹ như con mình mong muốn đã rồi hãy nói đến chuyện mong muốn con mình mai này thành người thế nào. Vậy mới công bằng chứ, đúng không?".