Có phát triển nhiệt điện nữa hay không?
Hôm nay, ngày 8/4, Quốc hội đã bỏ phiếu và công bố kết quả phê chuẩn việc bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ và 12 Bộ trưởng, Trưởng ngành. Theo đó, ông Nguyễn Hồng Diên được bầu giữ chức Bộ trưởng Bộ Công Thương. Tuy được thừa hưởng từ thành quả của trưởng ngành trước đó, nhưng còn một vài vấn đề cần quyết sách lớn của tân Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.
Mới đây, liên quan đến nhiệt điện, ba liên minh gồm: Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã đóng góp ý kiến vào Dự thảo Quy hoạch điện VIII.
Cụ thể, các liên minh đồng loạt kiến nghị "không phát triển thêm các dự án điện than mới trong giai đoạn 10 năm tới". Thay vào đó, các liên minh đề xuất ngành chức năng có các giải pháp để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió.
Nội dung dự thảo Quy hoạch điện VIII đã cho thấy xu hướng giảm dần tốc độ phát triển điện than và tăng dần tốc độ phát triển năng lượng tái tạo theo các giai đoạn.
Tuy nhiên, cũng theo nội dung dự thảo, trong vòng 10 năm tới (2021-2030) nhiệt điện than vẫn được ưu tiên tăng mạnh. Cụ thể, khoảng 17 GW điện than mới sẽ được bổ sung vào hệ thống.
Cũng theo các liên minh nhận định, bài học phát triển nhiệt điện than ở giai đoạn trước (2016-2020) cho thấy loại hình này gặp rất nhiều khó khăn về huy động vốn.
Nguyên nhân là do người dân và chính quyền địa phương không ủng hộ nên huy động chỉ đạt được khoảng 57,6% kế hoạch theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, khoảng 7 GW điện than vào vận hành. Trong đó, riêng năm 2020, chỉ 1 tổ máy (0,6 GW) vào vận hành. Bên cạnh đó, 86% công suất nguồn than mới phải sử dụng nhiên liệu nhập khẩu cho thấy sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung bên ngoài. Trong khi đó, khả năng nhập khẩu từ các nguồn đang được xác định trong dự thảo dự báo gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia.
Ngoài ra, theo Thỏa thuận Paris về thực hiện mục tiêu khí hậu, việc tiếp tục phát triển điện than mới sẽ đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế của thế giới. Cụ thể, mục tiêu chậm nhất đến năm 2040, tất cả nhà máy điện than toàn cầu phải đóng cửa. Nhưng với nội dung dự thảo hiện nay, các nhà máy điện than sẽ tiếp tục vận hành ít nhất đến năm 2050, thậm chí 2070.
Cũng theo kịch bản chọn trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, với cơ cấu nguồn điện đề xuất thì tổng lượng phát thải bụi ô nhiễm tăng liên tục từ 9.500 tấn vào năm 2020 tới trên 42.000 tấn năm 2035 (tăng khoảng 4 lần).
Lượng phát thải này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm không khí, tác động đến môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), 16 dự án điện than mới (với tổng công suất khoảng 22GW) nếu được xây dựng và vận hành theo dự thảo Quy hoạch điện VIII sẽ gây ra gần 1.000 ca tử vong sớm ở Việt Nam.
Cụ thể, CREA chỉ ra, tổn thất kinh tế cho xã hội do chi phí y tế, giảm năng suất lao động và tuổi thọ ước tính là khoảng 270 triệu USD hàng năm. Tính theo vòng đời 30 năm của những dự án trên, tổng số ca tử vong sớm ước tính khoảng 46.000. Tổn thất kinh tế cộng dồn sau 30 năm lên tới 8 tỷ USD.
Theo thông tin từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), sau thời gian lấy ý kiến, Quy hoạch điện VIII đã được kết luận đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Ngày 18/3, Hội đồng đã họp lần 2 để bỏ phiếu thông qua báo cáo thẩm định Đề án Quy hoạch điện VIII và nội dung Đề án, Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII.
Kết quả, Đề án đã được thông qua với số phiếu tuyệt đối 26/26. Trong đó, có 4 phiếu đồng ý thông qua nội dung không chỉnh sửa. Nhưng có tới 22 phiếu đồng ý thông qua với điều kiện bổ sung, chỉnh sửa của Đề án.
Đáng chú ý, trong dự thảo, các nguồn điện gió và năng lượng mặt trời sẽ phát triển mạnh, như 2045 tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo gồm cả thủy điện lớn đạt 53%.
Góp ý về nội dung trên, nhiều đơn vị như: Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Công ty truyền tải điện, Tổng công ty Điện lực miền Trung đều cho rằng, nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió có tính ổn định không cao, phụ thuộc lớn vào tình hình thời tiết.
Bên cạnh đó, thời gian qua, các nguồn điện nói trên phát triển nhanh gây ra các vấn đề liên quan đến giá điện, quá tải hệ thống, việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia,…
Do đó, các đơn vị nói trên, đề xuất ngành chức năng rà soát tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể, tỷ lệ này phải phù hợp với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị đã quy định "Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045".
Theo số liệu Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan (Tổng cục Hải quan), thời gian qua, số lượng và giá trị kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng pin mặt trời nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh. Đặc biệt, trong năm 2020, mặt hàng này ghi nhận mức tăng rất mạnh.
Cụ thể, năm 2020, số lượng pin mặt trời nhập khẩu vào nước ta đã tăng vọt lên 114,6 triệu tấm, giá trị nhập khẩu cũng lên tới 2.409,5 triệu USD. Giá trị nhập khẩu này của năm 2020 tăng 1.067,3% so với năm 2018 và tăng 185,2% so với năm 2019.
Đáng chú ý, với dòng pin mặt trời giá rẻ được tuồn vào Việt Nam, có những mẫu pin khi kiểm định không đạt yêu cầu, nhà sản xuất lại tìm cách bán ra thị trường với giá rẻ. Tuổi thọ của sản phẩm xuống rất nhanh, thực tế tại Việt Nam, đã có những dự án 3-5 năm đã hỏng. Hệ lụy rõ nhất là khi vòng đời pin càng ngắn thì lượng đào thải ra môi trường sẽ càng lớn.
Về điện gió, thông tin từ EVN cho thấy, đến nay đơn vị này đã ký hợp đồng mua bán điện với 113 dự án, tổng công suất là 6.038MW. Tuy nhiên, trong đó, mới có 12 dự án được đưa vào vận hành thương mại, tổng công suất là 582MW.
Còn dự kiến, có tới 87 dự án, với tổng công suất là 4.432MW sẽ được đưa vào vào vận hành thương mại trước 31/10/2021. Số các dự án không thể vận hành thương mại trước 31/10/2021 là 14 dự án với tổng công suất là 1.024MW.
Hiện tại, nền kinh tế Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu hơn vào trao đổi thương mại toàn cầu. Trong đó, Nhiều Hiệp định Thương mại tự do quan trọng có mức độ cam kết cao như EVFTA, RCEP, CPTPP,… đã được thực thi.
Do đó, sự va chạm với lợi ích của các ngành sản xuất trong nước của các thị trường nhập khẩu là không thể tránh khỏi. Vì vậy, những vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng.
Ở chiều ngược lại, ngành chức năng, doanh nghiệp cũng cần nâng tinh thần chủ động phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành sản xuất, thị trường trong nước.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, hiện tại, với lĩnh vực phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có sự quan tâm đến mức. Theo đó, chỉ khi các doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến vụ việc mới tìm hiểu về biện pháp ứng phó.
Điển hình về việc doanh nghiệp cần có nhận thức tốt hơn về lĩnh vực phòng vệ thương mại, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã được Mỹ hủy bỏ quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm nhập vào thị trường này.
Ngoài ra, Tập đoàn Hòa Phát, một ông lớn ngành thép thoát kiện chống bán phá giá từ Mỹ năm 2018 là một ví dụ. Mới đây nhất, thép Hòa Phát còn thoát kiện điều tra chống bán phá giá tại thị trường Canada, tiếp đó không bị áp thuế khi xuất khẩu sang EU.
Ngoài ra, các ngành sản xuất trong nước như mía đường, phân bón,… cũng đang trong giai đoạn cần chủ động phòng vệ thương mại. Việc Bộ Công Thương áp dụng thuế chống bán phá giá, biện pháp phòng vệ với các mặt hàng nói trên nhập khẩu đã tạo môi trường kinh doanh bình đẳng.
Tuy nhiên, hiện tại, sau khi áp dụng các biện pháp phòng vệ, hình thức gian lận thương mại đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tinh vi hơn. Do đó, công tác điều hành, sử dụng công cụ phòng vệ đúng đắn, phù hợp cam kết quốc tế sẽ là nhiệm vụ quan trọng của vị Tư lệnh ngành Công Thương thời gian tới.
Theo nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khoảng 60% doanh nghiệp cho rằng, CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và các FTA (Hiệp định thương mại tự do) tương đối hoặc rất hữu ích
Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 10% số doanh nghiệp cho rằng, CPTPP và các FTA hầu như không có ý nghĩa gì với họ. Ngoài ra, 29% số doanh nghiệp không chắc chắn CPTPP hay các FTA có tác động tiêu cực hay tích cực.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thừa nhận rằng, sự thua kém về năng lực cạnh tranh sẽ là trở ngại trong việc hiện thực hóa các cơ hội kỳ vọng từ CPTPP và các FTA trong tương lai.
Cùng với đó, khó khăn trong việc tận dụng lợi ích từ các FTA còn nằm ở những biến động bất định của thị trường; thiếu thông tin về các cam kết, cách hiểu và vận dụng các cam kết; sự chậm chạp, vướng mắc, thiếu linh hoạt cũng như các hạn chế khác trong tổ chức thực thi CPTPP và các FTA của các cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, các tiêu chuẩn kỹ thuật như quy tắc xuất xứ còn quá khó cũng sẽ là những trở ngại trong việc tận dụng, khai thác các cơ hội để kinh doanh. Cũng theo thông tin từ VCCI, khoảng 1/4 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, không có kế hoạch điều chỉnh gì cho tương lai hội nhập CPTPP và các FTA (đa số là doanh nghiệp dân doanh nhỏ và siêu nhỏ).
Lý do là vì các doanh nghiệp nói trên không có đủ năng lực, nguồn lực để làm hoặc không biết phải điều chỉnh thế nào dù biết điều chỉnh là cần thiết. Theo nhận định của giới chuyên môn, đây là nhóm cần được quan tâm hơn trong các chính sách hỗ trợ cải thiện năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt, kể từ cuối tháng 3/2021, sự cố kênh đào Suez đã khiến tình hình thuê container căng thẳng trở lại. Hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang bất an bởi mọi chi phí từ giá thành đầu vào, logistics, thuê container đóng hàng xuất khẩu đều ở mức cao ngất ngưởng.
Những "nút thắt" nói trên, nếu được giải quyết có thể trở thành bệ phóng của cả nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh, Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5 tới đây.