Dân Việt

Chàng trai sống "vô hình" suốt 30 năm đã được nhập khẩu Hà Nội

Gia Khiêm 09/04/2021 16:50 GMT+7
Cầm trên tay quyển sổ hộ khẩu ghi tên mình, anh L.Q.D không khỏi vui mừng. Từ nay, anh có thể đường đường chính chính có giấy tờ để lao động, học tập.

Được rời bỏ sống "vô hình" suốt 30 năm

Ngày 9/4, anh L.Q.D (SN 1991, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) có mặt tại nơi Tiếp nhận đăng ký thường trú thuộc Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an quận Long Biên) nhận kết quả giải quyết về việc nhập khẩu lần đầu. 

Theo Thiếu tá Lê Thị Anh Đào, Cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trước đó, Công an quận Long Biên đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị đăng ký thường trú của anh D (sinh năm 1991, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên).

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Công an quận Long Biên đã tiến hành xử lý hồ sơ theo đúng quy trình, quy định của Luật cư trú. Vì anh D mới được UBND phường Bồ Đề cấp giấy khai sinh lần đầu vào ngày 15/3 vừa qua nên Công an quận Long Biên đã có văn bản báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Công an thành phố Hà Nội. Hiện tại, anh D đã được đồng ý giải quyết đăng ký thường trú về phường Việt Hưng, quận Long Biên. 

Cầm trên tay cuốn sổ hộ khẩu mang tên mình, anh D bày tỏ niềm hạnh phúc vô bờ. Trước đó, anh từng nghĩ sẽ rất khó để được nhập khẩu vào một gia đình nào đó. Điều này đồng nghĩa với việc bản thân anh khó có thể được cấp căn cước công dân như những trường hợp bình thường khác.

Tuy nhiên, khi hiểu câu chuyện của anh D, anh Nguyễn Thái Bình (SN 1976, ở phường Việt Hưng) đã chủ động đề nghị sẽ cho anh D nhập khẩu vào gia đình mình. Được gia đình anh Bình chấp thuận, anh D đã hoàn tất hồ sơ nộp cho công an quận Long Biên. 

Chàng trai sống "vô hình" suốt 30 năm đã được nhập khẩu Hà Nội - Ảnh 3.

Có hộ khẩu Hà Nội, anh D sẽ được làm căn cước công dân, phục vụ cho học tập, làm việc sau này.

"Để có được kết quả như ngày hôm này, tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ từ Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; Công an quận Long Biên và gia đình anh Bình. Tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến mọi người vì đã nỗ lực tạo điều kiện để tôi được hoàn thiện đầy đủ giấy pháp lý phục vụ cho cuộc sống của mình", anh D trải lòng. 

Người cho nam thanh niên "vô hình" được nhập khẩu nói gì?

Chia sẻ về việc này, anh Nguyễn Thái Bình cho biết, vào năm 2017, sau khi biết đến hoàn cảnh vô cùng khó khăn của D, anh đã nhận người thanh niên này vào làm việc ở Ban Quản lý một chung cư ở quận Long Biên. Đến tháng 6/2020, D tiếp tục theo anh đi làm ở Ban quản lý một chung cư khác. 

 Trong quá trình làm việc, anh Bình luôn xem D như em trai mình và luôn nỗ lực phối hợp, giúp đỡ để nam thanh niên này được cấp các loại giấy tờ pháp lý. Sau khi anh D được cấp giấy khai sinh, anh Bình trao đổi và mong muốn anh nhập khẩu vào nhà mình. 

"Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong công việc và cũng là để D có nơi ăn chỗ ở hợp pháp. Ngoài ra khi có đầy đủ giấy tờ, D sẽ gặp thuận lợi hơn trong lao động, học tập và xây dựng gia đình sau này", anh Bình chia sẻ. 

Trước đó, trao đổi với PV Dân Việt, anh L.Q.D kể, suốt 30 năm qua sống như người "vô hình" vì không có bất kỳ giấy tờ tuỳ thân. Chính vì vậy, nam thanh niên sống cuộc sống tự ti, khép kín. 

Anh kể, khi mới chào đời bị bỏ rơi trên phố Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội, vào ngày 17/11/1991. Sau đó, anh được gia đình bà K.T.M. (trú tại phường Trúc Bạch, đã mất) nhận về nuôi. Tuy nhiên, anh không được làm giấy khai sinh.

Trong suốt mấy chục năm sống ở nhà bà M., anh chỉ được đi học dự thính hết lớp 5. Sau khi bà M. mất, năm 2014, anh rời đi và không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào.

Năm 20 tuổi, D bắt đầu hiểu giấy tờ tùy thân quan trọng như thế nào đối với cuộc sống của mình. Anh như người "vô hình" vì không được pháp luật thừa nhận, không ai thân thích. Không giấy khai sinh, không hộ khẩu, không chứng minh thư nhân dân…, chẳng có bất cứ công ty, tổ chức nào dám nhận D vào làm việc.

Mãi cho đến lúc đã 25 tuổi, một người đàn ông làm trưởng ban bảo vệ tòa chung cư thấy thương cảm cho hoàn cảnh bi đát của D đã nhận anh vào làm việc. Công việc này của anh cũng bấp bênh với mức thu nhập 3.000.000 đồng/tháng.

"Nhiều lúc tôi thấy cuộc sống cùng quẫn. Không có giấy tờ tùy thân khiến tôi cảm thấy mình như một người đang sống bên ngoài lề xã hội", D buồn bã nói.

Kể về hành trình tự khai sinh cho chính mình, D cho biết, trong 6 năm qua (từ năm 2014 - 2020), bản thân luôn tìm mọi cách, gặp nhiều cơ quan chức năng để xin cấp giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, mọi thứ đều không có kết quả.

Cơ quan chức năng không xác định được nguồn gốc sinh ra và lớn lên của D. Vì vậy, hồ sơ đề nghị đăng ký khai sinh của D không đủ điều kiện để giải quyết. 

Với khát khao được sống như một công dân bình thường, D không bỏ cuộc và đã làm đơn xin giúp đỡ được cấp giấy tờ tùy thân gửi Bộ Tư pháp; Sở Tư pháp và UBND thành phố Hà Nội.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) đã có văn bản hướng dẫn để chính quyền sở tại cấp Giấy khai sinh cho anh D. Đến ngày 16/3, sau khi nộp tiền phí và hoàn tất thủ tục, anh được cán bộ UBND phường Bồ Đề trao Giấy khai sinh, tờ giấy mà anh mong mỏi có được trong nhiều năm.