Ngày 9/4, TAND tỉnh Đắk Nông tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử đại gia Trịnh Sướng cùng 38 bị cáo khác trong vụ án "Sản xuất, mua bán hàng giả".
Trong phần xét hỏi, nhiều bị cáo đã mua bán dung môi cho bị cáo Trịnh Sướng khai họ không biết mục đích việc mua dung môi của Trịnh Sướng. Bị cáo Mai Trung Hậu khai nhận đã quen biết với bị cáo Trịnh Sướng vào năm 2014 và bắt đầu mua bán dung môi với Trịnh Sướng từ năm 2017. Tuy nhiên, bị cáo này không thừa nhận việc mình biết Trịnh Sướng mua dung môi để làm xăng giả như cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đắk Nông.
"Bị cáo thấy việc truy tố của Viện KSND tỉnh Đắk Nông đối với bị cáo là nặng. Trước tháng 6/2018, việc kinh doanh dung môi thì nhà nước không hạn chế. Bị cáo không biết Trịnh Sướng mua dung môi để làm gì"- Bị cáo Mai Trung Hậu nói.
Bị cáo Hồ Xuân Cường (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần TMDV Petro Tấn Phúc, TP.HCM) cũng cho rằng không biết Trịnh Sướng mua dung môi để làm gì.
Hồ Xuân Cường khai: "Sau khi giám đốc chi nhánh báo giá, bị cáo chỉ đạo bán cho bên Trịnh Sướng. Việc mua bán này không có hóa đơn. Việc truy tố của Viện KSND tỉnh Đắk Nông đối với bị cáo là quá nặng. Bị cáo chỉ biết bán dung môi cho Trịnh Sướng chứ không biết để làm gì".
Tương tự, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Thủy cũng cho rằng mình không hề biết việc Trịnh Sướng mua dung môi để sản xuất xăng giả.
Trong buổi chiều, HĐXX đã xét hỏi bị cáo Trịnh Sướng. Bị cáo Trịnh Sướng cho biết mình thành lập công ty khoảng 1996 để kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng. Năm 2017, Trịnh Sướng mua hóa chất qua Mai Trung Hậu. Tuy nhiên, bị cáo Trịnh Sướng cho rằng việc mình pha trộn xăng dầu giả bị cáo Hậu không biết. Và Trịnh Sướng cũng không quan tâm Hậu mua dung môi của ai.
Theo bị cáo Trịnh Sướng, việc pha trộn xăng giả theo tỉ lệ 40% xăng nền và 60% là dung môi, hóa chất, phụ màu. "Tôi pha trộn là sai, nhưng chất lượng là 90%"- Trịnh Sướng nói.
Cũng theo bị cáo Trịnh Sướng, đối với xăng A92 giả, bị cáo lời lời 400 đồng/lít, còn xăng A95 giả thì lời 800 đồng/lít. Trong đó, xăng A95 chỉ sản xuất 30%. "Do nhu cầu của người tiêu dùng muốn giá thấp, giảm chi phí. Việc thu lợi 102 tỷ đồng như cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đắk Nông là quá cao".
Bị cáo Trịnh Sướng đề nghị chuyển số tiền của mình bị cơ quan chức năng tạm giữ, phong tỏa vào kho bạc để trừ số tiền thu lợi bất chính. Tất cả các dung môi, xăng giả hiện còn, Trịnh Sướng đề nghị sau khi thanh lý thì trừ vào số tiền thu lợi bất chính.
Phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 12/4.
Theo cáo trạng, từ đầu năm 2019, Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tiến hành triệt phá nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả tại Đắk Nông, Sóc Trăng, Cần Thơ, TP.HCM… Vụ án có tổng cộng 39 bị cáo ở 11 tỉnh, thành phố cùng bị truy tố về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.
Các bị cáo trong vụ án trên đã pha chế, bán ra thị trường 167 triệu lít xăng giả, thu lợi bất chính hơn 136 tỷ đồng. Riêng Trịnh Sướng được xác định tổ chức sản xuất hơn 137 triệu lít xăng giả các loại, thu lợi bất chính hơn 102 tỷ đồng.