Dân Việt

Bệnh nhân Covid-19 đầu tiên được ghép phổi từ người hiến tặng còn sống

Hải Yến 10/04/2021 13:16 GMT+7
Các bác sĩ ở Nhật Bản cho biết, đã thực hiện thành công ca ghép mô phổi đầu tiên trên thế giới từ những người hiến tặng còn sống cho một bệnh nhân bị tổn thương phổi nặng do COVID-19.

Người nhận phổi hiến tặng  là một nữ bệnh nhân dương tính với COVID-19 ở vùng Kansai, phía tây của Nhật Bản. Sau ca ghép phổi kéo dài gần 11 tiếng đồng hồ, bệnh nhân  đang hồi phục, Bệnh viện Đại học Kyoto cho biết trong một tuyên bố.

Người hiến phổi là chồng và con trai của bệnh nhân, hiện những người này đang trong tình trạng ổn định và hồi phục sau phẫu thuật.

Bệnh viện Đại học Kyoto cho biết đây là ca ghép mô phổi đầu tiên trên thế giới từ những người hiến tặng còn sống cho một người bị tổn thương phổi do COVID-19.  Tại Nhật Bản, các ca ghép tạng từ người cho chết não còn rất hiếm, nên việc ghép tạng mà người hiến tặng còn sống được coi là một lựa chọn thực tế hơn.

Tiến sĩ Hiroshi Date, bác sĩ phẫu thuật lồng ngực của bệnh viện, người chỉ đạo ca phẫu thuật, cho biết tại cuộc họp báo: “Chúng tôi đã chứng minh rằng giờ đây chúng tôi có thêm một lựa chọn nữa là ghép phổi  từ những người hiến tặng còn sống  cho những bệnh nhân bị tổn thương phổi nặng do COVID-19”.

Bệnh nhân Covid-19 đầu tiên được ghép phổi từ người hiến tặng còn sống - Ảnh 1.

Phổi của bệnh nhân trước (ảnh trái) và sau khi phẫu thuật (ảnh phải)

Bệnh viện Đại học Kyoto cho biết, trước đây, đã có hàng chục ca ghép phổi lấy từ người cho chết não cho bệnh nhân bị tổn thương phổi liên quan đến COVID-19 đã được thực hiện ở Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc. Tuy nhiên, những ca đó đều là ghép phổi của những người bị chết não chứ không phải của người khỏe mạnh bình thường như trường hợp phẫu thuật ở Bệnh viện Đại học Kyoto.

Bệnh nhân may mắn được ghép phổi là người đã bị nhiễm COVID-19 vào cuối năm ngoái và tình trạng khó thở của bệnh nhân ngày càng trầm trọng hơn. Bệnh nhân đã được đặt một máy thở trong suốt 3 tháng tại một bệnh viện khác.

Mọi hô hấp của bệnh nhân đều phụ thuộc vào máy thở. Ngay cả khi cơ thể người bệnh không còn virus SARS-CoV-2 sau đó, phổi vẫn tiếp tục co lại và xơ cứng dần.  Các bác sĩ nhận định, phổi của bệnh nhân mọi chức năng đều không còn hoặc có thể điều trị được, lựa chọn duy nhất để cứu sống bệnh nhân là ghép phổi.

Chồng và con trai của bệnh nhân đã tình nguyện hiến một phần phổi của họ, và cuộc phẫu thuật được tiến hành tại Bệnh viện Đại học Kyoto do một nhóm gồm 30 thành viên do Tiến sĩ  Hiroshi Date đứng đầu. Chồng của bệnh nhân đã hiến một phần phổi trái, và con trai hiến một phần phổi phải để ghép cho người bệnh.

Dự kiến, bệnh nhân có thể xuất viện trong khoảng 2 tháng và trở lại cuộc sống bình thường trong khoảng 3 tháng nữa, Bệnh viện Đại học Kyoto cho biết.