Dân Việt

Thu 100 nghìn đồng làm thẻ căn cước ở Hải Phòng: Thu phí sai quy định có thể bị xử lý thế nào?

Quang Minh 10/04/2021 14:41 GMT+7
Theo luật sư, nếu 2 công an viên ở Hải Phòng thu tiền vượt quá quy định của người dân mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể sẽ bị áp dụng các hình thức kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Trước đó ngày 9/4, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Công cho biết, UBND xã Tiên Minh đã đình chỉ công tác 15 ngày đối với 2 công an viên là ông Vũ Văn Bảo và Bùi Văn Thoại, để giải quyết việc người dân khiếu nại thu tiền làm thẻ căn cước công dân gắn chip sai quy định.

Theo báo cáo của xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, 2 công an viên nói trên đã "thu của hơn 10 người đến làm thủ tục cấp mới và cấp đổi từ chứng minh thư sang thẻ căn cước gắn chip, mỗi người 100.000 đồng".

Số tiền này được 2 công an viên giải trình là tiền lệ phí làm thẻ và tiền dịch vụ chuyển thẻ đến tận nhà. 

Tuy nhiên, sau khi người dân có ý kiến, ông Bảo, ông Thoại đã hoàn trả lại số tiền thừa và đưa ra lời xin lỗi.

2 công viên ở Hải Phòng thu phí thẻ căn cước sai quy định liệu có bị xử lý hình sự? - Ảnh 1.

Người dân đi làm căn cước công dân có gắn chíp.

Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng Luật sư Trung Hoà, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho cho biết, thời gian qua, công an trên cả nước thực hiện việc cấp, chuyển đổi sang căn cước công dân gắn chíp (gọi tắt là làm CCCD gắn chíp) diễn ra sôi động và hiệu quả. 

Lực lượng công an tại các địa phương thực hiện nhiệm vụ cấp CCCD gắn chíp nhiệt tình, có những giải pháp phù hợp và hướng dẫn người dân trong quá trình thực hiện. 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc vẫn có "con sâu làm rầu nồi canh" và điển hình là vụ việc 2 công an viên ở Hải Phòng thu tiền làm thẻ căn cước của người dân vượt mức quy định.

Theo thông tư của Bộ Tài chính, lệ phí chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, 12 số sang cấp thẻ căn cước là 30.000 đồng; đổi thẻ căn cước là 50.000 đồng mỗi thẻ; cấp lại thẻ khi bị mất, được trở lại quốc tịch Việt Nam là 70.000 đồng mỗi thẻ.

"Như vậy, việc thu 100.000 đồng/người là mức phí thu sai, không đúng quy định. Hành vi của 2 công an viên nêu trên đã vi phạm các quy định về thực hiện thu phí", luật sư Tùng nói.

2 công viên ở Hải Phòng thu phí thẻ căn cước sai quy định liệu có bị xử lý hình sự? - Ảnh 3.

Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng Luật sư Trung Hoà, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

Ngoài ra, theo luật sư Tùng, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ 2 công an viên nêu trên thuộc công an chính quy hay không để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp là công an viên chính quy, công an viên thường trực, nếu như chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể sẽ bị áp dụng các hình thức kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 2 công an viên theo Điều 8 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng.

Trường hợp số lượng người bị thu tiền vượt quy định với số lượng lớn, giá trị cao thì có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự. 

Cụ thể, cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hình sự về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 355 Bộ luật hình sự 2015. 

Với tội danh này, người vi phạm có thể bị phạt tù thấp nhất là 6 tháng tù, cao nhất là 20 năm tù.

Điều 355 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản cụ thể như sau:

1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

e) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

c) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động;

d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.