Tận dụng lợi thế vườn rộng, nhà nhiều cây ăn quả lại gần khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, nguồn mật hoa nhiều, ông Nguyễn Công Sơn, thôn Mỹ Đông, Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã nuôi thử nghiệm vài đàn ong để lấy mật.
Clip: Ông Nguyễn Công Sơn trú tại thôn Mỹ Đông, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) nuôi ong mật, lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Lúc mới nuôi ong, ông Sơn gặp rất nhiều khó khăn do kinh nghiệm chưa có, ong bay đi mất. Vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước nên sau một thời gian mô hình nuôi ong lấy mật đã mang lại hiệu quả.
Ông Sơn chia sẻ: "Năm nay thời tiết thuận lợi, nhiều cây rừng phát triển tốt cho hoa nhiều, nguồn thức ăn dồi dào nên cho chất lượng mật tốt, năng suất cao. Vừa rồi, tôi đã thu hoạch được 6 lít mật ong nguyên chất.
Mỗi năm đàn ong cho thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 8 (al), trung bình mỗi đàn ong sẽ lấy được từ 1,5-2,5 lít. Mùa Xuân, đàn ong phát triển tốt nhất, số lượng quân trong đàn đông, nguồn thức ăn phong phú, phù hợp với tách đàn".
Hiện tại, gia đình ông Sơn nuôi 36 đàn ong, khoảng 10 ngày, gia đình ông lại thu hoạch một vụ mật. Để mật đạt được chất lượng tốt nhất ông Sơn không dùng máy quay ly tâm lấy mật, mà ông Sơn lấy mật bằng phương pháp thủ công dùng muỗng cạo, lọc mật bằng vải phên, mặc dù với phương pháp thủ công này sẽ cho lượng mật ít hơn, nhưng lại đảm bảo mật nguyên chất không bị lẫn với nước lạnh.
Với 36 đàn ong, mỗi năm gia đình ông Sơn thu hoạch được 250-300 lít mật, giá bán dao động từ 400.000-500.000 đồng/1lít.
Ngoài ra, ông còn nhân giống ong để bán cho các hộ dân vùng lân cận, mỗi năm gia đình ông bán được 40-50 đàn ong, giá 1 triệu đồng/đàn. Trừ hết chi phí mỗi năm nghề nuôi ong lấy mật mang lại cho gia đình hàng trăm triệu đồng.
Theo ông Sơn, nghề nuôi ong vừa dễ lại vừa khó. Dễ bởi nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không vất vả như các công việc chân tay khác, ai cũng có thể nuôi được.
Mỗi ngày người nuôi chỉ cần bỏ ra khoảng 2-3 giờ đồng hồ để chăm sóc, vệ sinh thùng ong. Nhưng quá trình chăm sóc lại đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ, nắm rõ đặc tính của ong như di chuyển, ăn, xây tổ, chia đàn...
"Nuôi ong phải biết cách nhân chúa, tạo đàn ong vào thời điểm thích hợp, mùa đông cần chống rét cho đàn ong bằng cách quây rơm rạ, che phủ nilon, nhất là khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 10 độ C không nên thả đàn ong ra ngoài để tránh tình trạng ong bị chết"- ông Sơn bật mí.
Mật ong của gia đình ông Sơn có vị thơm, ngon, ngọt tự nhiên do ong lấy mật chủ yếu là hoa rừng và các loại cây ăn quả, ngoài ra ông không cho ăn thêm thức ăn nào khác nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Trao đổi với PV Dân Việt, Chị Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Hội Nông dân Cẩm Mỹ, cho biết: "Trong đợt lũ lụt tháng 10 năm ngoái, toàn xã bị cuốn trôi hơn 360 đàn ong. Đến nay, xã Cẩm Mỹ có 42 hộ đã gây dựng lại được mô hình nuôi ong lấy mật với hơn 265 đàn ong. Để đảm bảo cho người dân phát triển mô hình nuôi ong, chính quyền xã đã ban hành chính sách hỗ trợ 400.000 đồng/đàn với tổng 200 đàn".
"Mô hình nuôi ong của gia đình ông Nguyễn Công Sơn là mô hình tiêu biểu của xã, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ bán mật ong, ông Sơn còn cung cấp con giống, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cho bà con. Hội nông dân xã đang tích cực xây dựng thương hiệu mật ong địa phương để giúp mật ong của bà con đến tay người tiêu dùng rộng rãi hơn" – chị Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Hội Nông dân Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên.