Đục gốc cây mục, khoét hầm trên vách đá, dụ 2 nghìn đàn ong tự nhiên về làm tổ, hàng năm thu về 20 tấn mật. Nhờ vậy người dân vùng cao xã Chiềng Lao, huyện Mường La (Sơn La) có thu nhập ổn định, mua được xe máy, ti vi... Không chỉ vậy, nghề này còn góp phần bảo vệ rừng, hạn chế người dân phá rừng làm nương.
Người dân tộc Mông: Tạo ra mật ngọt từ những hốc đá trên núi cao
Tạo ra mật ngọt từ những hốc đá trên núi cao
Tại các xã, bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường có đặc thù khí hậu mát mẻ, trong điều kiện sống ven các khu rừng tự nhiên cùng với thảm thực vật rừng đa dạng, nhất là vào mùa xuân, trăm hoa trên các cánh rừng đua nở, đây là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển nghề nuôi ong rừng lấy mật. Mặt khác, mặc dù kinh nghiệm nuôi ong rừng lấy mật trong đồng bào dân tộc được cha ông truyền lại từ rất lâu đời, tuy nhiên việc nuôi ong chủ yếu vẫn thực hiện đơn lẻ, chứ chưa hình thành các vùng sản xuất hàng hóa. Những năm trở lại đây, nắm bắt được thị hiếu cũng như giá trị kinh tế của mật ong rừng nguyên chất, tại một số bản vùng cao, người dân đã bắt đầu hình thành và phát triển nghề nuôi ong rừng, nhưng theo một cách rất riêng và độc đáo.