Dưới trướng của Tào Tháo có một nhân vật tài năng xuất chúng là Dương Tu, nhiều lúc đã thể hiện tài năng hơn cả Tào Tháo. Một lần ở nhà Thái Diễm thấy Thái Ấp viết 8 chữ lên mặt sau bia mộ Tào Nga: "Hoàng quyên ấu phụ, ngoại tôn tê cữu". Tất cả mọi người, kể cả Tào Tháo đều không hiểu, duy nhất Dương Tu chiết tự ra là: "Tuyệt diệu hảo từ" (Từ ngữ hay tuyệt diệu).
Một lần ngoài biên ải có người gửi cho Tào Tháo một hộp bơ, Tào Tháo viết lên đó mấy chữ "Nhất hợp tô" (Một hộp bơ) rồi để ở bàn. Dương Tu thấy thế liền lấy ra đem chia cho mỗi người một miếng. Khi bị tra hỏi, Dương Tu nói chiết tự "Nhất hợp tô" là "Nhất nhân nhất khẩu tô" (Mỗi người một miếng bơ).
Một lần Tào Tháo muốn đánh giá tài năng hai con trai, ông lệnh cho hai con ra khỏi Nghiệp thành, một mặt lại bí mật lệnh cho lính giữ cổng thành không cho ra. Kết quả Tào Phi bị chặn lại không ra được, còn Tào Thực giết lính giữ cổng thành để ra. Tào Tháo cho rằng Thào Thực có tài năng hơn. Nhưng thực ra đây là kế Dương Tu bày cho Tào Thực.
Có một lần Tào Tháo đem quân đi chinh phạt nhà Thục. Quân Thục chống trả quyết liệt và cố thủ vững chắc. Cuộc chiến kéo dài, quân Tào mệt mỏi, tiến thoái lưỡng nan. Thấy tình thế khó nuốt được Thục, Tào bèn ban mật khẩu "Kê lặc". Dương Tu nghe được, liền truyền lệnh cho quân sĩ thu xếp hành trang, chuẩn bị rút.
Thấy lạ, quân tả hữu liền hỏi: "Tại sao tướng quân lại cho quân rút sớm vậy?".
Dương Tu đáp: "Quan Thừa tướng đã ban mật khẩu "Kê lặc" (nghĩa là sườn gà) ý muốn nói, sườn gà không có thịt, ăn không được, vứt thì tiếc. Vậy việc rút quân chỉ nay mai thôi".
Tình thế lúc đó quả đúng như miếng sườn gà, tiến quân thì không tiến được, mà rút quân thì sợ mọi người chê cười. Phán đoán này rất chính xác. Nhưng Tào Tháo đã khép tội "Làm rối loạn nhân tâm" xử trảm.
Tại sao Tào Tháo giết Dương Tu? Tội danh "làm rối loạn nhân tâm" chỉ là giọt nước tràn ly, thực tế là do các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, Dương Tu cậy tài, khoe tài, luôn muốn thể hiện mình hơn người, giỏi giang, với mục đích muốn được ban quan tước cao hơn, vì nghĩ mình xứng được như thế. Ỷ tài khoe tài là đại kỵ trong thuật xử thế.
Thứ hai, Dương Tu có tài nhưng không dùng vào việc giúp thượng cấp giải quyết công việc quân sự, quân vụ chiến trường, quản lý bách tính, nội vụ… mà chuyên dùng để tỏ ra mình hơn người, hơn Tào Tháo, và bóc trần các mưu kế, ý tưởng của Tào Tháo, mà "kê lặc" chỉ là giọt nước tràn ly. Dùng tài để phá mưu kế thượng cấp là đại kỵ
Thứ ba, Dương Tu dùng tài của mình can thiệp vào kết quả đánh giá tài năng hai con trai của Tào Tháo, vốn là việc nội bộ gia đình, và là việc quan trọng để lựa chọn người kế nghiệp. Đây cũng là đại kỵ trong chốn quan trường.
Thứ tư, Dương Tu tuy có tài nhưng chưa lập được công tích gì, cũng chưa giúp thượng cấp được mưu kế hay gì để giành thắng lợi. Quân sỹ chiến đấu, chưa có lệnh của tổng chỉ huy, đã lệnh cho binh sỹ gói hành lý chuẩn bị rút quân, thì làm gì còn tinh thần chiến đấu? Nếu lúc đó quân địch đánh tới, ắt bại. Riêng tội danh làm mất sỹ khí quân đội cũng đủ xử trảm rồi.
Cậy tài, khoe tài, ngạo mạn sẽ tự đem đến tai họa cho bản thân, ngay cả người yêu quý trân trọng nhân tài, có tấm lòng khoan dung như Tào Tháo cũng không dung nhẫn nổi, huống hồ người thường.