Đền đá Phú Đa: Nét kiến trúc độc đáo tồn tại hơn 300 năm lịch sử
Ngôi đền nằm tại xã Phú Đa – Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc. Bao quanh ngôi đền 3 mặt là hồ nước mênh mông. Đền được xây dựng ngay sát chân đê, giữa vùng trũng nước. Trong lịch sử, thậm chí nơi này đã từng xảy ra lũ lụt, nhưng ngôi đền vẫn đứng vững trước thiên tai.
Đền Phú Đa vốn là một ngôi tư gia, biệt phủ và đảm nhiệm chức năng một ngôi sinh từ (lập đền thờ khi còn đang sống) của Lãng Phương Hầu Nguyễn Danh Thường, thế kỷ XVIII.
Theo sử sách, Nguyễn Danh Thường xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo (xưa thuộc xã Phú Hoa, tổng Tang Trác, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây - nay thuộc xứ Đồng Giếng, xã Phú Đa), nhờ dung mạo khôi ngô, thông minh, có tư chất hơn người, từ nhỏ, cậu bé Thường đã được một vị quan Thượng thư nhận về làm con nuôi.
Khi trưởng thành, cậu được đưa về kinh thành Thăng Long học văn, võ và thi đỗ đạt được Triều đình Lê - Trịnh cử đi dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân. Nguyễn Danh Thường đã trấn áp thành công các cuộc khởi nghĩa, lập nhiều công trạng. Ông được phong là Lãng Phương Hầu, tham mưu quân Đô đốc phủ, Khâm sai kiểm sát thất thành, trấn thủ cả một vùng rộng lớn từ Sơn Tây đến Thái Nguyên.
Theo các cụ trong làng kể lại, ngôi đền được xây dựng trong 40 năm, từ năm 1646 đến năm 1686, cách đây gần 400 năm, khi đó cụ Nguyễn Danh Thưởng còn sống và đang làm quan trong triều Lê. Ngôi đền chỉ qua vài lần tu sửa nhỏ. Điều đó cho thấy độ bền của các chất liệu, vật liệu để xây dựng nên ngôi đền.
Người dân địa phương thường so sánh, ví von rằng: "Bắt đền ra đền Phú Đa. Bao giờ đền đổ ta ra ta đền". Với dụng ý, ngôi đền rất chắc chắn, bền vững. Trải qua mấy thế kỷ, công trình vẫn minh chứng được giá trị của mình.
Ông Nguyễn Danh Nhân là hậu duệ thứ 13 của cụ Nguyễn Danh Thường. Ông cho biết: "Ngôi đền được xây dựng thời Vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786), được cụ Thường trực tiếp mua đá và cho vận chuyển từ Thanh Hóa ra.
Với bàn tay tài hoa của thợ từ khắp các nơi hội tụ đã kết hợp loại vật liệu bền vững nhất - khi đó là đá, gỗ lim để làm các kết cấu chịu lực và dùng gạch đá ong xây tường bao. Nhiều năm nay, trông coi tại đây, tôi cũng như con cháu dòng họ luôn tự hào, giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên để lại, góp phần cùng xây dựng quê hương".
Với ý nghĩa lịch sử - văn hóa trên, từ bao đời nay, đền Phú Đa luôn được hậu duệ của Lãng Phương Hầu Nguyễn Danh Thường truyền đời gìn giữ, hương hỏa, để di tích lịch sử - văn hóa này mãi là nơi gắn kết cộng đồng.