Xưa nay nhiều người đàn ông luôn mặc định việc nhà và chăm sóc con cái là phận sự của phụ nữ. Nhưng căn cứ vào đâu để họ đưa ra nhận định như vậy thì dường như chẳng ai nói rõ được. Khi mà gia đình là của hai người, hôn nhân cũng phải mỗi người đóng góp một nửa.
Ánh (27 tuổi) chia sẻ cô và Long kết hôn được nửa năm nay nhưng hai người đã vừa trải qua một cuộc "cách mạng hôn nhân".
"Kết thúc chuyến du lịch trăng mật trở về, tôi lập tức bàn với chồng chuyện thuê người giúp việc. Anh bảo không muốn sống chung với người lạ trong nhà, sợ những phiền phức và rắc rối sẽ gặp phải khi thuê người giúp việc. Tôi thì kiên quyết thuê người vì công việc khá bận, hết giờ làm tôi muốn được nghỉ ngơi, dành thời gian cho bản thân", Ánh nói.
Long không thuyết phục được vợ, đành phải đồng ý. Nhưng chẳng người giúp việc nào trụ được quá 2 tháng vì Long vô cùng khó tính và bắt bẻ. Nhiều lần Ánh góp ý với chồng mà Long không thay đổi.
Cuối cùng quá mệt mỏi Long bảo Ánh không tìm người nữa mà tự làm việc nhà. Cô nghĩ một lúc lâu rồi chấp nhận đề nghị của chồng. Cô bắt tay vào phân chia việc nhà, ai ngờ chưa kịp nói hết câu thì Long đã giật mình sửng sốt:
"Ơ em buồn cười nhỉ. Việc nhà, nội trợ, bếp núc vốn là của phụ nữ. Anh rảnh anh giúp được chừng nào hay chừng đó, mà anh không giúp thì em cũng phải tự làm cho chu toàn chứ? Làm gì có chuyện chia chác, san đôi ở đây".
Lần này đến lượt Ánh ngạc nhiên. Long có thời gian tu nghiệp ở nước ngoài 2 năm, cô chưa bao giờ nghĩ anh còn giữ suy nghĩ và quan niệm cổ hủ đến thế. Cũng đến lúc này Ánh mới biết Long cố tình đuổi khéo người giúp việc. Khi trước mới cưới anh không muốn làm mất lòng vợ, đành cố chiều theo ý Ánh. Thực tâm trong lòng anh vẫn luôn cho rằng việc nhà và chăm sóc con cái là trách nhiệm của phụ nữ. Ánh đòi thuê người nghĩa là đang muốn lười biếng, trốn tránh trách nhiệm.
"Chẳng phải phụ nữ các em sẽ thấy hạnh phúc và vui vẻ khi được tự tay chăm sóc cho người mình yêu thương hay sao? Anh chỉ mong được ăn những bữa cơm vợ đích thân nấu, được ở trong ngôi nhà có bàn tay sắp xếp, lau chùi của vợ…", Long thuyết phục Ánh bằng những lý lẽ hoa mỹ và lãng mạn.
Hiểu thấu suy nghĩ thật sự trong lòng chồng, Ánh thẳng thắn đưa ra quan điểm:
"Thôi anh ạ, em không bị lừa bởi mấy lời đường mật ấy đâu. Điều gì cũng phải đến từ hai phía. Anh muốn được vợ chăm lo thì em cũng muốn được chồng săn sóc, quan tâm. Căn nhà này là của chung, trách nhiệm và tình cảm mà chúng ta đặt vào phải là ngang nhau. Em cũng muốn nấu cho chồng ăn, muốn tự tay trang trí nhà cửa, cắm bình hoa, làm mẻ bánh... Với điều kiện là em phải được yêu thương, san sẻ và tôn trọng.
Em nói lần này là lần cuối cùng nhé. Phận sự của phụ nữ, ngoài duy nhất chuyện mang thai, sinh con và cho con bú - đó là những việc mà trời sinh đàn ông không thể làm - còn lại mọi chuyện trong nhà đều thuộc trách nhiệm chung của hai vợ chồng không riêng một ai. Em và anh đều đi làm kiếm tiền, nửa đêm anh hoàn toàn có thể dậy pha sữa cho con, tan tầm về anh hoàn toàn có thể bò ra lau nhà, lao vào bếp nấu nướng nhễ nhại mồ hôi”.
Ánh chia sẻ có thể mọi người sẽ cho rằng cô quá gay gắt và quyết liệt. Nhưng cô tin rằng tìm ra cách thức chung sống với nhau ngay từ đầu sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn nhiều cho hôn nhân. Hiện tại cô nhân nhượng và nhún nhường chồng, chấp nhận làm việc nhà với hy vọng dần dần anh sẽ đổi khác, sợ rằng sau này mọi thứ sẽ càng rối ren hơn nữa.
Sau tuyên bố ấy Ánh tạm thời dọn đồ ra ngoài để cả cô và Long có thời gian yên tĩnh suy nghĩ, sắp xếp lại mọi thứ. Một tuần sau, Long chủ động đề nghị một cuộc nói chuyện nghiêm túc và thẳng thắn. Anh thừa nhận điều Ánh nói là đúng, đồng thời xin lỗi và mong cô trở về.
Thiết nghĩ sự gay gắt, cứng rắn ngay từ đầu của Ánh không hề sai. Có một sự thật là nhiều người phụ nữ vì tình yêu với chồng, họ nghĩ “chỉ chút chuyện nhà, vợ chồng cần gì phải so bì, tị nạnh với nhau”. Và những người vợ ấy luôn nhận hết phần việc về mình.
Một tháng, vài tháng không sao, qua một năm, vài năm, vừa đi làm vừa chăm sóc con nhỏ lại đủ thứ việc không tên dồn lên người, liệu ai còn có thể vui vẻ? Lúc này thì người chồng đã quen với cảnh tượng vợ cáng đáng tất cả. Cuộc sống lúc ấy đối với người vợ sẽ chỉ là tủi thân và nước mắt. Nội trợ, cơm nước, chăm con - đúng là những việc không lớn thật nhưng lại thực sự đủ sức nhấn chìm một người phụ nữ.
* Tít bài đã được Dân Việt đặt lại.