Dân Việt

Ghi nhận 14 ca Covid-19 mới, nguy cơ lớn dịch xâm nhập từ biên giới

Diệu Linh 16/04/2021 18:29 GMT+7
Chiều 16/4, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam ghi nhận 14 ca Covid-19 mới, đều là các ca nhập cảnh. Bộ Y tế cũng cảnh báo nguy cơ Covid-19 xâm nhập.

14 ca Covid-19 mắc mới (BN2759-2772) là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khánh Hòa (6), Đà Nẵng (1), Nghệ An (2), TP.Hồ Chí Minh (4) và Quảng Nam (1). 

14 ca Covid-19 mắc mới đều là người Việt Nam, trong đó có 6 nữ, 8 nam, từ 21-69 tuổi. Đây là những người nhập cảnh từ Nhật Bản và Nga.  

Như vậy, số ca Covid-19 từ người nhập cảnh vào Việt Nam mỗi ngày đều ghi nhận hàng chục ca. 

Tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh, thành diễn ra tại Hà Nội sáng 16/4, Bộ Y tế nhận định, tại Việt Nam đã có 22 ngày không có ca nhiễm tại cộng đồng và cuộc sống đã gần như trở lại bình thường. Đây là những nỗ lực rất lớn của bộ, ban, ngành và các địa phương trong triển khai biện pháp phòng, chống dịch.

Ghi nhận 14 ca Covid-19 mới, nguy cơ lớn dịch xâm nhập từ biên giới - Ảnh 1.

Nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập từ biên giới Tây Nam

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định nguy cơ xuất hiện dịch Covid-19 tại nước ta là rất lớn trong bối cảnh bùng phát dịch tại các nước láng giềng và trên thế giới. Trong khi đó, nước ta vẫn phải tổ chức các chuyến bay giải cứu. Vì thế, việc kiểm soát dịch trong thời gian tới là thách thức rất lớn. Do đó, Bộ Y tế liên tục nhắc nhở các địa phương không được lơ là, chủ quan, triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch.

Hiện nay khu vực nóng bỏng nhất là biên giới Tây Nam và các tỉnh Tây Nam Bộ. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cử các đoàn công tác đến vùng này. Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đặc biệt là lực lượng biên phòng bảo vệ vững chắc đường biên giới, ngăn chặn nhập cảnh trái phép và thực hiện cách ly đúng quy định. Đây là những vấn đề then chốt trong kiểm soát dịch giai đoạn tới đây.

"Nếu chúng ta lơ là, buông lỏng, để xảy ra ca bệnh nhập cảnh, từ đó lây nhiễm trong cộng đồng đặc biệt nếu là biến chủng của Anh và Nam Phi thì việc kiểm soát dịch trong cộng đồng rất khó khăn"- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ Y tế yêu cầu khi phát hiện trường hợp nhập cảnh trái phép, các địa phương phải báo ngay cho cơ quan chức năng để cách ly trường hợp này và xử lý nghiêm. Cần tăng cường xét nghiệm tầm soát tại khu vực và đối tượng có nguy cơ một cách thường xuyên, nhằm phát hiện sớm mầm bệnh trong cộng đồng. 

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương cập nhật bản đồ an toàn Covid-19. Đặc biệt các Sở Y tế phải triển khai thật nhanh việc cập nhật bản đồ an toàn Covid-19 tại các phòng khám tư nhân vì thực tế, việc này đang triển khai khá chậm trễ. 

6 bài học thành công chống dịch Covid-19 ở Hải Dương

Thứ nhất là kinh nghiệm cách ly và cách ly tập trung. Bộ Y tế khẳng định chỉ có cách ly tập trung mới có thể giải quyết vấn đề ngăn chặn nguồn bệnh trong cộng đồng. 

Thứ 2 là phong tỏa, khoanh vùng. Trong đợt dịch vừa rồi, chúng ta đã khoanh vùng, xét nghiệm trên diện rộng nhưng phong tỏa trên diện hẹp. 

Thứ 3 là về công tác truy vết. Ngay từ đầu Việt Nam đã tập trung cho công tác truy vết tại các địa phương với việc thành lập các tổ Covid-19 cộng đồng. 

Thứ 4 là xét nghiệm. Thực tế cho thấy, chúng ta phải chuẩn bị cơ sở vật chất, cơ chế, tài chính thật tốt, phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện trộn mẫu nếu số lượng mẫu xét nghiệm lớn. 

Thứ 5 là thành lập bệnh viện dã chiến rất nhanh. Chỉ trong hơn 15 giờ đồng hồ, với sự hỗ trợ của các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, Hải Dương đã thiết lập được bệnh viện dã chiến với đầy đủ trang thiết bị cấp cứu, đáp ứng tình hình dịch.

Thứ 6 là trong các đợt dịch, Bộ Y tế đã tổ chức triển khai cắm lực lượng tiền phương tại chỗ để vừa nắm bắt đánh giá tình hình trên thực tiễn, nắm chắc tình hình, trên cơ sở đó có những chỉ đạo phù hợp với thực tiễn, kiểm soát tốt tình hình, điều phối lực lượng y tế trên địa bàn chống dịch.

"Qua thực tiễn điều hành, qua thành công khống chế 3 đợt dịch, càng ngày chúng ta càng có đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn để điều hành chống dịch. Kinh nghiệm này rất quý báu với các địa phương, kể cả địa phương có nguy cơ thấp xảy ra dịch", lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh.