Sinh ra và lớn lên tại một làng quê yên bình thuộc tỉnh Thanh Hóa, ngay từ hồi nhỏ, anh Ứng đã thích nghề xây dựng.
Ước mơ dần thành hiện thực khi anh thi đỗ vào trường Cao đẳng Xây dựng ở Hà Nội. Năm 2007, sau khi ra trường, anh Ứng xin vào làm kĩ thuật cho một doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội.
Trong thời gian này, anh quen và đem lòng yêu thương một cô gái người Thái dịu dàng, nết na, quê ở bản Chợ, xã Lê Lợi (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu). Năm 2012, anh Ứng lập gia đình và quyết định lập nghiệp ngay tại quê hương của vợ.
Sau một năm làm việc tại UBND xã Lê Lợi theo diện hợp đồng, năm 2014, anh Ứng quyết định xin nghỉ việc, ra ngoài thành lập doanh nghiệp xây dựng tư nhân, thực hiện niềm đam mê từ nhỏ của mình.
Hơn 4 năm hoạt động, doanh nghiệp của anh trúng thầu thi công nhiều công trình ở huyện Nậm Nhùn. Đang làm doanh nghiệp xây dựng với mức thu nhập không hề nhỏ, đầu năm 2019 anh Ứng quyết định bỏ nghề, ở nhà làm nông dân.
Anh Ứng chọn khởi nghiệp từ chăn nuôi. Với suy nghĩ, không làm thì thôi, còn đã làm thì phải làm bài bản, anh Ứng mua 1ha đất nương của người dân bản địa để xây dựng chuồng trại, trồng cỏ nuôi trâu, nuôi bò.
Ban đầu, anh Ứng nuôi tổng cộng 11 con trâu, trong đó có 7 con anh mua về, còn 4 con là bố mẹ vợ cho. Vài tháng sau đó, anh Ứng mua 6 con bò cái về nuôi sinh sản.
Anh Ứng tự mày mò học hỏi cách làm chuồng trại và kĩ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho trâu, bò. Được anh tiêm phòng vắc xin theo định kỳ 6 tháng/lần nên đàn trâu, bò lúc nào cũng khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt.
"Vì nuôi nhiều nên để tránh rủi ro, tôi chọn mua trâu, bò giống địa phương về nuôi. Tôi không nuôi theo kiểu thả rông hay nuôi nhốt hoàn toàn, mà theo phương thức bán chăn thả. Khu chăn nuôi trâu, bò được tôi rào kín xung quanh....", anh Ứng nói.
Phía trước mỗi chuồng nuôi trâu, bò, anh dành một khoảng sân rộng rãi, để cho trâu, bò đi lại tự do ở đó. Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, ngô, anh lại đưa trâu, bò đi chăn thả, để cho chúng tự kiếm ăn.
Vào mùa Đông, anh quây bạt quanh chuồng, phòng tránh rét cho trâu, bò và cho chúng ăn cỏ voi, rơm dự trữ từ trước...
Theo anh Ứng, so với bò thì trâu đẻ chậm hơn. Nếu như bò đẻ mỗi năm 1 lứa, thì trâu phải mất hơn 15 tháng mới đẻ 1 lứa.
Đàn trâu mà anh mua về đã đẻ lứa đầu tiên, còn đàn bò thì đến nay đã đẻ được 2 lứa. Khi đàn trâu, bò sinh sản, nếu là nghé cái, bê cái khỏe mạnh thì anh giữ lại nuôi nhân đàn, còn là nghé đực, bê đực thì anh nuôi một thời gian rồi bán ra thị trường.
Năm 2020, anh Ứng bán 8 con cả trâu lẫn bò ra thị trường, thu về hơn 100 triệu đồng. Hiện tổng đàn trâu, bò của anh Ứng lên đến hơn 30 con.
Ngoài nuôi trâu, bò, anh Ứng còn xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thương phẩm. Anh cũng chọn mua giống lợn bản địa phương về nuôi, chứ không nuôi giống lợn khác.
Giữa năm 2020, anh Ứng mua 40 con lợn giống về nuôi theo kiểu bán công nghiệp. Ngoài cho đàn lợn ăn cám công nghiệp, anh Ứng cho chúng ăn thêm cám gạo và thân cây chuối.
Như đã lập trình từ trước, khi trồng cỏ voi làm thức ăn cho trâu, bò, anh Ứng dành 4000m2 đất trồng chuối. Theo anh Ứng, trồng chuối vừa có thể thu quả chuối, hoa chuối, vừa có thể tận dụng được thân cây chuối để làm thức ăn cho lợn.
Cũng giống như nuôi trâu, bò, anh Ứng chăm sóc đàn lợn rất cẩn thận. Anh tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh: E.coli, suyễn, dịch tả... cho đàn lợn, nhất là khi chúng còn nhỏ. K
hông chỉ chú ý đến việc cho ăn, tiêm phòng cho đàn lợn, anh Ứng thường xuyên dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, khử trùng. Ngày nào, anh cũng dậy từ rất sớm để quét dọn chuồng lợn, trước khi cho chúng ăn.
Mỗi lứa, anh Ứng nuôi khoảng 40 con lợn thương phẩm. Trong quá trình chăm sóc đàn lợn, anh Ứng để ý và lựa chọn giữ lại một vài con khỏe mạnh, béo tốt để nuôi sinh sản.
Hiện anh Ứng đã lựa chọn được 4 con lợn nái. Chỉ sau khoảng 3 tháng kể từ khi mua lợn giống về nuôi, anh Ứng đã có lợn thịt bán ra thị trường. Năm 2020, anh xuất chuồng 2 lứa lợn, bán với giá 70.000 đồng/kg, thu gần 300 triệu đồng.
"Cứ mỗi con lợn bán ra thị trường, tôi lãi từ 2,5 - 3 triệu đồng/con. Nuôi lợn cho hiệu quả kinh tế cao và nhanh hơn nuôi trâu, bò. Nếu sản xuất được con giống, thì chắc chắn sẽ có lãi hơn" - anh Ứng bảo vậy.
Theo anh Ứng, từ khi bỏ nghề xây dựng, chuyển sang chăn nuôi trâu, bò, lợn, anh thấy thoải mái hơn. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm, anh Ứng cũng lãi trên dưới 300 triệu đồng từ bán trâu, bò, lợn ra thị trường.