Dân Việt

Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TƯ I đề xuất mức kỷ luật khiển trách, liệu có thỏa đáng?

Việt Sáng 18/04/2021 12:04 GMT+7
Theo luật sư, việc Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư I đề xuất mức kỷ luật khiển trách là chưa thỏa đáng. Mức kỷ luật cũng chưa phải là trách nhiệm pháp lý cuối cùng theo quy định pháp luật trong vụ việc này.

Chiều 16/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và đại diện các Vụ Pháp chế, Tổ chức cán bộ đã họp kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Bệnh viện (BV) Tâm thần Trung ương I sau vụ bệnh nhân có tiền sử bệnh tâm thần "bay lắc", cầm đầu đường dây mua bán, sử dụng ma túy ngay trong bệnh viện này.

Tại cuộc họp, ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc BV Tâm thần Trung ương I đề xuất nhận mức kỷ luật là khiển trách.

tâm thần.jpeg

Ông Vương Văn Tịnh trong vòng vây của báo chí sau sự việc bệnh nhân lập phòng bay lắc. Ảnh: Thạch Thảo.

Liên quan đến việc này, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn LS TP Hà Nội cho biết, nếu chỉ kỷ luật khiển trách là chưa thỏa đáng và kỉ luật chưa phải là trách nhiệm pháp lý cuối cùng theo quy định pháp luật trong vụ việc này.

Có thể nói rằng hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Xuân Quý là đặc biệt nghiêm trọng, kéo dài xảy ra trong bệnh viện tâm thần này gây rúng động dư luận nên không thể không có trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện.

Thậm chí có thể xem xét đến hành vi thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng để xử lý theo quy định pháp luật.

"Đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy với số lượng lớn như vậy có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất là tử hình, các đồng phạm khác cũng sẽ có những mức hình phạt nghiêm khắc.

Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư I đề xuất mức kỷ luật khiển trách có thỏa đáng? - Ảnh 2.

Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn LS TP Hà Nội phân tích pháp lý xung quanh việc Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư I đề xuất mức kỷ luật khiển trách.

Những cán bộ bệnh viện thiếu trách nhiệm, tiếp tay, dung túng cho các đối tượng này vi phạm pháp luật thì cũng có thể xử lý hình sự với mức hình phạt nghiêm khắc liên quan đến nhóm tội phạm về chức vụ.

Với vai trò là người đứng đầu cơ sở y tế, quản lý về con người, bệnh nhân, trang thiết bị mà ông Giám đốc bệnh viện lại chỉ nhận hình thức kỷ luật là khiển trách thì tôi cho rằng vị lãnh đạo này chưa nhận thức được tính chất nghiêm trọng của vụ việc và chưa thấy vai trò trách nhiệm của mình đối với vụ án hình sự này", ông Cường phân tích.

Việc kỷ luật cán bộ, công chức được thực hiện theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Điều 7. Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức

1. Áp dụng đối với cán bộ: a) Khiển trách. b) Cảnh cáo. c) Cách chức. d) Bãi nhiệm.

2. Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý a) Khiển trách. b) Cảnh cáo. c) Hạ bậc lương. d) Buộc thôi việc.

3. Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: a) Khiển trách. b) Cảnh cáo. c) Giáng chức. d) Cách chức. đ) Buộc thôi việc.

Theo vị Luật sư, vị lãnh đạo bệnh viện đề nghị mình được áp dụng hình thức kỷ luật là khiển trách, tuy nhiên đây là đề nghị của người vi phạm còn việc quyết định áp dụng hình thức kỷ luật nào sẽ do Hội đồng kỷ luật quyết định trên cơ sở quy định của pháp luật.

"Căn cứ theo điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP về áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với cán bộ, công chức thì hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 điều 9 Nghị định này đã được quy định rõ.

Hội đồng kỷ luật sẽ căn cứ vào quy định nêu trên để xác định mức độ vi phạm của vị Giám đốc có thuộc trường hợp có thể khiển trách hay không.

Trong trường hợp, hội đồng kỷ luật có căn cứ cho thấy vị giám đốc này không nhận thức được sai phạm của mình, không có ý thức khắc phục và thành khẩn, đồng thời có căn cứ cho thấy hành vi có thể áp dụng điều 12, điều 13 của Nghị định 112/2020/NĐ-CP để xử lý với hình thức kỷ luật cao hơn thì sẽ căn cứ vào các quy định này để xử lý theo quy định", vị Luật sư nói.

Ông Cường cho biết, việc áp dụng hình thức kỷ luật nào cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật về mức độ, hình thức, căn cứ, trình tự thủ tục. Bởi vậy Hội đồng kỷ luật sẽ xem xét quyết định. Trường hợp Hội đồng kỷ luật đưa ra mức kỷ luật chưa thỏa đáng, chưa đủ sức răn đe thì Bộ Y tế, các cơ quan tổ chức có chức năng thanh tra, kiểm tra cũng có thể xem xét lại văn bản này.

“Điều 12. Áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức theo quy định tại điều 11 Nghị định này mà tái phạm hoặc cán bộ đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo theo quy định tại điều 9 Nghị định này mà tái phạm.

2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 điều 9 Nghị định này.

3. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều 8 Nghị định này nhưng chưa đến mức buộc thôi việc, người vi phạm có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

4. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ.

Điều 13. Áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức

Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà tái phạm.

2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều 8 Nghị định này.

3. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị.

4. Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có kết luận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền.

5. Ngoài quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 điều này, hình thức kỷ luật buộc thôi việc còn được áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này.