Ngày 19/4, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trên cơ sở 56.250 liều vaccine được phân bổ từ Bộ Y tế, TP.HCM sẽ tiêm đợt 2 cho 3 nhóm đối tượng ưu tiên gồm: 45.190 liều vaccine cho nhân viên y tế làm công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập và bệnh viện thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn thành phố (những người chưa được tiêm mũi 1 trong đợt 1);
2.000 liều vaccine ưu tiên cho nhân viên làm việc có tiếp xúc với người nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất và 9.050 liều vaccine tiêm mũi thứ 2 dành cho nhân viên y tế đã được tiêm mũi 1.
Theo Sở Y tế TP.HCM, toàn ngành y tế thành phố hiện có trên 60.000 nhân viên. Do số lượng vaccine hạn chế nên trong chiến dịch tiêm chủng lần này, các nhân viên làm công tác chuyên môn sẽ được ưu tiên. Thời gian tiêm vaccine đợt 2 từ ngày 19/4 đến ngày 30/4 và hoàn thành tiêm vét trước ngày 15/5.
"Cơ sở y tế là nơi có nhiều nguy cơ cũng như là tuyến phòng thủ không được để lây nhiễm Covid-19 nên tiêm chủng cho nhân viên y tế là ưu tiên số một. Do nguồn cung vaccine khan hiếm, liều vaccine để tiêm cho nhân viên y tế là rất quý, các đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện tiêm chủng đúng tiến độ, không để vaccine hết hạn sử dụng mà nhân viên không được tiêm", ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhấn mạnh.
Nhằm đảm bảo an toàn khi thực hiện tiêm chủng, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả các điểm tiêm chủng cần chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu. Các điểm tiêm chủng tại Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố cần lập phương án phối hợp với bệnh viện gần nhất để đảm bảo xử trí cấp cứu cho các trường hợp có sự cố bất lợi sau tiêm trong buổi tiêm chủng.
Riêng đối với điểm tiêm chủng lưu động tại sân bay Tân Sơn Nhất, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện quận Tân Bình bố trí đội cấp cứu thường trực tại sân bay, sẵn sàng xử trí tại chỗ và vận chuyển người có sự cố bất lợi sau tiêm chủng đến bệnh viện nếu cần.
Được biết, Việt Nam cần khoảng 150 triệu liều vaccine để tiêm chủng cho 75% dân số. Trong chiến dịch tiêm đợt 1, hệ thống giám sát ghi nhận gần 33% người được tiêm có phản ứng nhẹ thông thường sau khi tiêm và tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế.