Một nét đặc sắc nữa của chợ rằm tháng Ba Minh Hóa là nơi đây nam thanh nữ tú gặp gỡ, tìm hiểu nhau mà nên vợ nên chồng…
Thà rằng đau ốm mà nằm…
Đến hẹn lại lên, hàng năm cứ vào dịp rằm tháng Ba âm lịch, du khách và người dân từ nhiều miền quê lại háo hức tìm về huyện Minh Hóa để hoà mình vào không khí tưng bừng của lễ hội và tham gia phiên chợ rằm. Đến với chợ rằm tháng Ba, du khách không chỉ được mua bán hàng hóa thổ sản mà còn là dịp để tìm về những nét đẹp văn hóa dân dã từ xa xưa của các dân tộc anh em sống trên địa bàn huyện Minh Hóa.
Những năm gần đây, huyện Minh Hóa đã quyết định tổ chức Hội rằm tháng Ba với quy mô lớn và nhiều hoạt động đặc sắc hơn. Mục đích của việc này là nhằm quảng bá hình ảnh quê hương, con người, cảnh quan thiên nhiên và những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của vùng đất Minh Hóa đến đông đảo bạn bè trong cả nước; tạo ấn tượng và điểm nhấn để kích cầu cho phát triển du lịch trên địa bàn huyện.
Những bậc cao niên ở huyện Minh Hóa kể lại, xưa có 2 anh em nhà nọ lên lèn ông Ngoi ở phía bắc thị trấn Quy Đạt để tìm mật ong. Lên đến đỉnh, họ gặp một giếng nước trong vắt, cạnh giếng có một cây quýt trĩu quả. Dưới bóng cây râm mát có 12 hòn đá giống hình ông Bụt. Bên cạnh có bàn đá bằng phẳng như bàn cờ tướng và trên đó có những quân cờ cũng bằng đá. Hai anh em nghỉ ngơi, ăn quýt và ngắm nhìn những tượng đá. Thấy lạ, người anh dùng dây rừng buộc lấy một hòn đá và mang xuống núi, đến thác Cúi họ đặt tượng đá xuống để tắm rửa. Nhưng lạ thay khi tắm xong, người anh đến nhấc tượng đá lên để mang về thì không sao nhấc nổi… Từ đó đến nay, thác Cúi nơi hai anh em nhà nọ đặt bức tượng được gọi là thác Bụt. Và hàng năm cứ đến rằm tháng Ba, người dân lại đến đây cúng Bụt cầu tự, cầu tài, cầu lộc và tham gia lễ hội chợ rằm.
Từ tờ mờ sáng ngày rằm tháng ba, đại diện các làng, xã trong huyện đã đến thác Bụt dâng hương cầu cho mưa thuận gió hòa, xóm làng bình yên. Sau khi cúng Bụt, người dân tìm về thị trấn Quy Đạt, trung tâm huyện Minh Hóa để tham gia chợ rằm - phiên chợ may mắn nhất trong năm của người dân Minh Hóa.
Ông Đinh Long (ở xã Xuân Hóa) cho biết, theo quan niệm của người dân Minh Hóa, vào ngày này ai cũng tranh thủ đến chợ rằm, nếu không xem như cả năm đó kém may mắn. Tại phiên chợ rằm, người dân và du khách được mua bán các mặt hàng nông sản, hàng hóa của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Minh Hóa, thưởng thức nhiều món ăn truyền thống đặc trưng của người dân Minh Hóa như ốc suối luộc, bồi ngô chấm mật ong rừng, khoai môn...
Đến hội rằm tìm duyên
Không chỉ mua bán hàng hóa thổ sản, chợ rằm tháng ba còn là nơi gặp gỡ, hò hẹn của các chàng trai, cô gái ở huyện vùng cao này. Đêm trước diễn ra phiên chợ rằm, nam thanh nữ tú khắp nơi đổ về Quy Đạt để gặp gỡ, hẹn họ, mong muốn tìm được cho mình một mối duyên lành. Họ vui chơi suốt đêm, thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương, hát múa giao duyên dưới ánh trăng rằm. Qua phiên chợ này, nhiều đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng.
Theo ông Đinh Xuân Đình - Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam huyện Minh Hóa, đã là người dân Minh Hoá, dù đi đâu, ở đâu cũng không thể bỏ qua chợ rằm tháng Ba, "Thà rằng đau ốm mà nằm/Không ai nỡ bỏ chợ rằm tháng Ba...". "Chợ rằm tháng Ba ngày xưa thực chất là chợ giao lưu vật phẩm, giao lưu trai gái bằng các làn điệu cổ, chủ yếu là điệu hò thuốc, hát đúm, ví... Vì là nơi tìm hiểu để mà thành lứa, thành đôi nên người ta cũng thường gọi là chợ tình" - ông Đình cho biết.
Anh Đặng Sĩ Bằng (40 tuổi, quê ở xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) kể lại kỷ niệm đi chợ tình và nên duyên vợ chồng: "Hồi trước tôi có thời gian làm việc ở Quảng Bình. Nơi tôi làm việc có rất nhiều đồng nghiệp người Minh Hóa, và cứ đến ngày rằm tháng ra, họ lại về đi chơi hội rằm. Có một lần tôi theo bạn bè đi dự hội rằm tháng Ba, tại đây tôi quen cô giáo dạy mầm non ở xã Trọng Hóa cũng về tham gia lễ hội. Từ đó, chúng tôi giữ liên lạc qua lại, rồi yêu nhau... Tính đến nay, chúng tôi đã lấy nhau được 10 năm rồi, và năm nào vợ chồng tôi cũng về với hội rằm Minh Hóa để ôn lại kỷ niệm những ngày đầu mới quen nhau".
Ông Đinh Văn Lĩnh - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban tổ chức Hội rằm tháng Ba huyện Minh Hóa cho biết, từ ngày tái lập huyện Minh Hoá (1/7/1990) đến nay, lễ hội rằm tháng Ba đã được tổ chức khá bài bản, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống cũng như phản đời sống tinh thần phong phú của người trong toàn huyện. Đến 2004, Hội rằm tháng Ba truyền thống của Minh Hoá đã được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là lễ hội văn hoá truyền thống cấp tỉnh và được tổ chức thành tuần lễ.