... "Dặn dò con cháu chuyện mai sau - Hàng năm ăn đâu làm đâu - Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ...". Những dòng thơ trong bài thơ "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chính là sự gói gọn một truyền giống, giá trị văn hóa hết sức tốt đẹp của người Việt ta. Dù ở nơi đâu, trong nước hay nước ngoài, dù làm gì, dù giàu hay còn khó..., người Việt cứ đến mùng 10/3 âm lịch hàng năm lại thành kính hướng lòng mình về đất nước, quê hương, tổ tiên, cội nguồn...
Hành hương về đất Tổ Phú Thọ dịp mùng 10/3 (âm lịch), trước khi thắp hương tri ân công đức các Vua Hùng, người dân, du khách sẽ thăm viếng đền Đức Quốc tổ Lạc Long Quân và đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ. Thế nhưng, không phải ai cũng biết đền Nội (thôn Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) mới là ngôi đền gốc thờ Quốc tổ Lạc Long Quân.
Ngôi đền gốc thờ Quốc tổ
Truyền thuyết kể, khi Lạc Long Quân trên đường mang 50 người con ra biển, đến vùng đất Bảo Cựu (nay là làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai), ngài cùng các con dừng chân nghỉ ngơi. Thấy nơi đây đất đai màu mỡ, thế đất mang dáng rồng chầu, hổ phục, ngài quyết định ở lại gây dựng cơ nghiệp. Sau khi đức Quốc tổ Lạc Long Quân về trời, ngài được các vua Hùng và dân làng an táng tại gò Tam Thai (Ba Gò) thuộc đất Bảo Đà (Bình Đà ngày nay). Để tri ân công đức của Quốc tổ Lạc Long Quân, dân làng Bảo Đà lập ngôi đền Nội cùng bức đại tự "Vi Bách Việt Tổ" (Tổ Dân Bách Việt) và quanh năm thờ phụng.
Đền Nội tọa lạc trong khuôn viên rộng 10.000m2, nằm trên thế đất "Lục long triều hội, lưỡng phượng giao phi", cửa đền nhìn về hướng tây, nơi có núi Tam Thai (nay là khu Ba Gò) mang dáng hình hổ phục. Đền Nội không rõ được xây dựng năm nào, chỉ biết rằng, thời nhà Hán đô hộ nước ta chúng đã tàn phá đền Nội, đến khi Đinh Tiên Hoàng giành lại được độc lập đã cho trùng tu lại đền Nội. Từ đó, đền Nội trải qua tất cả 5 lần trùng tu, lần thứ 2 năm 1430 dưới triều Lê sơ, lần thứ 3 năm 1918 dưới triều Vua Khải Định, lần thứ 4 năm 1986. Và lần thứ 5 vào năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nhà nước đã đầu tư phục dựng đền Nội với quy mô hoàn chỉnh.
Từ xưa đến nay, vào dịp lễ hội đều có đoàn Thủ từ của đền Hùng - Phú Thọ về dâng hương Quốc tổ và xin rước chân nhang ở hương án Đệ Nhất của đền Nội về thờ, với ý nghĩa cung kính đón Quốc tổ về dự hội đền Hùng vào ngày 10/3 âm lịch.
Cụ Nguyễn Chính Chinh - thủ từ đền Nội nhiều năm cho biết: Đền Nội được xây dựng theo kiểu chữ Đinh. Ngoài cùng là ao sen rộng 500m2, được ví như lẵng hoa khổng lồ đặt trước cửa đền. Tiếp đến là tòa đại đình gồm hậu cung, tiền tế, đại bái, thiêu hương, tiền môn cùng hai dãy tả mạc, hữu mạc. Đặc sắc nhất trong hậu cung phải kể đến bức phù điêu quý hiếm, được làm từ thời Vua Đinh Tiên Hoàng (924 - 979), chạm khắc tinh xảo hình ảnh Lạc Long Quân đội mũ bình thiên, mặc áo hoàng bào cùng các lạc hầu, lạc tướng của triều đình Lạc Việt dự hội đua thuyền trên dòng Đỗ Động Giang. Bức phù điêu đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015…
Trong đền Nội hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật quý như: Thần phả, sắc phong, bia ký, chuông đồng, đồ tế tự, hoành phi, câu đối... Với những giá trị đặc biệt, đền Nội đã được xếp hạng di tích lịch sử nghệ thuật cấp quốc gia (năm 1985) và di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (năm 1990). Bia ở đền Nội năm Kỷ Mùi (1919) khắc dòng chữ "Dân thì có tổ tiên, mà có tổ tiên tất có miếu thờ... Đền làng ta thờ Quốc tổ Lạc Long Quân đã có từ lâu đời...".
Còn trong Cổ lôi ngọc phả hiện lưu giữ ở Đền Hùng (niên hiệu Thái Bình thứ hai - 971) có ghi "Mộ (Lạc Long Quân) táng tại Ba Đống (Ba Gò) đồng thượng Bảo Cựu, hậu cải Bảo Đà". Đó là dữ liệu duy nhất bằng văn bản mà hậu thế tin rằng nơi đó là nơi có mộ của Lạc Long Quân.
Nô nức trẩy hội
Những ngày này, người dân Bình Đà ai ai cũng hướng về lễ hội làng Bình Đà - lễ hội đầu tiên trên địa bàn thủ đô Hà Nội được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi, lễ hội truyền thống làng Bình Đà gắn với quần thể di tích đền Nội, đền Ngoại, giếng Ngọc... đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014. Lễ hội chính thức bắt đầu từ mùng 4-6/3 âm lịch, bao gồm lễ rước sắc và lễ tế ở đền Nội, trong đó đặc sắc nhất là lễ trào diễn ra vào đêm mùng 5.
Bà Nguyễn Thị Bích Phượng - Phó Trưởng phòng Quản lý di tích văn hoá lễ hội, Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Ngày giỗ Quốc tổ Lạc Long Quân tại Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân (Khu di tích lịch sử Đền Hùng) được kế thừa từ truyền thống, tục lệ của làng Bình Đà, tuy nhiên đã được nâng tầm trở thành ngày hội mang tính Quốc lễ, mở đầu các hoạt động phần lễ trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.
Ngoài lễ trào, lễ hội làng Bình Đà còn có tục thả bánh thánh vô cùng độc đáo. Cụ thủ từ Nguyễn Chính Chinh chia sẻ: "Hàng trăm năm nay, bí quyết làm bánh thánh dâng nhà ngài chỉ do một gia đình duy nhất ở thôn Chua nắm giữ và trao truyền từ đời này sang đời khác. Không ai biết bánh được làm từ nguyên liệu gì. Trong ngày hội làng, chỉ có cụ tế chủ mới được thực hiện nghi thức thả bánh thánh xuống giếng Ngọc với mong ước một năm mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình an, sung túc. Những phong tục này cho đến nay vẫn được giữ gìn và là niềm tự hào của dân làng...".
Cụ Nguyễn Chính Chinh cho biết: "Theo truyền thuyết, đây là nơi hóa thân của Đức Quốc tổ Lạc Long Quân. Để tưởng nhớ công lao với đất nước, dân tộc của bậc tiền nhân khai thiên và noi gương bao thế hệ cha ông thực hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", nền nếp thờ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân đã được nhân dân duy trì".
Sử sách cũng ghi rõ, suốt sáu thế kỷ, 16 vị vua của các triều đại đích thân về Bình Đà dâng lễ Quốc tổ và đã có 16 Hiến sắc, suy tôn Lạc Long Quân là "Khai Quốc Thần". Các Hiến sắc này đều được lưu giữ tại đình Nội - Bình Đà và Viện Bảo tàng lịch sử quốc gia. Từ xưa đến nay, vào dịp lễ hội đều có đoàn thủ từ của đền Hùng - Phú Thọ về dâng hương Quốc tổ và xin rước chân nhang ở hương án Đệ Nhất của đền Nội về thờ, với ý nghĩa cung kính đón Quốc tổ về dự hội đền Hùng vào ngày 10/3 âm lịch.