Tại buổi lễ khánh thành nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao Bel Gà Tây Ninh mới đây, ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, là địa phương nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, Tây Ninh có vị trí thuận lợi để kết nối giao thương trong nước và quốc tế. Ngành chăn nuôi gia cầm của tỉnh đã có những bước tiến đáng kể từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn.
Tuy nhiên, sau khi dịch tả lợn châu Phi lây lan rộng, nhiều hộ, trang trại đã chuyển hướng sang chăn nuôi gia cầm. Những biến động liên tiếp của thị trường chưa giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất. Hết Covid-19 hạn chế việc tiêu thụ, rồi mới đây là giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao.
Do đó, ông Ngọc cho rằng ngành chăn nuôi cần những chiến lược mới trong liên kết chuỗi; tạo động lực cho người chăn nuôi trong tỉnh hướng đến chăn nuôi hiện đại, bền vững. Nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao Bel Gà Tây Ninh - BDH Vietnam LLC - mới đây là minh chứng cho nỗ lực tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh.
Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, đối tác chiến lược của BDH Vietnam LLC cho biết, nhà máy ấp trứng là viên gạch đầu tiên trong tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh.
Sau khi hoàn thành, tổ hợp sẽ trở thành trung tâm ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi gà thịt theo chuỗi liên kết khép kín, gồm: Cung cấp gà giống, nuôi gà thịt, giết mổ và thương mại sản phẩm thịt gà chất lượng hàng đầu Việt Nam.
Các mắt xích trong tổ hợp khi đi vào hoạt động không chỉ tạo thêm nguồn sản phẩm chất lượng, mà còn tăng thu cho ngân sách tỉnh; tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.
"Người chăn nuôi ở Tây Ninh chắc chắn sẽ được ưu tiên tham gia vào chuỗi kết nối này" - ông Hùng khẳng định.
Ông Kris Van Daele - Tổng Giám đốc Bel Gà Việt Nam và Campuchia cũng thừa nhận, đặt nhà máy ấp trứng gia cầm thứ 2 ở Tây Ninh là quyết định đúng. Vị trí đặt nhà máy cũng góp phần nâng cao chất lượng gà giống.
Theo đó, thời gian vận chuyển gà giống từ Tây Ninh đến khu vực ĐBSCL chỉ còn khoảng 4-5 giờ; sang Campuchia chỉ tốn 1 giờ. Điều này giúp gà giảm bớt căng thẳng (stress) khi di chuyển đường dài.
"Việc kết hợp công nghệ cao của doanh nghiệp với địa thế thuận lợi của địa phương là hướng đi đúng, phù hợp với chủ trương phát triển ngành để phục vụ cho lợi ích cộng đồng và hướng tới xuất khẩu".
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến
Cũng từ Tây Ninh, gà giống được vận chuyển ra miền Bắc nhanh chóng vì ở gần sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Điều kiện thuận lợi này sẽ giúp Bel Gà phát triển kinh doanh và đảm bảo cung ứng nguồn gà giống tốt trong các chuỗi liên kết ra khu vực phía Bắc.
... đến tham vọng xuất khẩu
Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc De Heus châu Á đánh giá, sự ra đời của nhà máy ấp trứng thứ 2 tại Tây Ninh có ý nghĩa rất lớn, vì không có đủ con giống thì không thể phát triển tiếp được. Hiện tại, chuỗi liên kết Bel Gà - De Heus - Hùng Nhơn và các chủ trại chăn nuôi đang cung cấp hơn 30 triệu con gà giống cho thị trường Việt Nam và Campuchia.
"Trước mắt, các đối tác chiến lược của chúng tôi vẫn tập trung vào phục vụ thị trường trong nước. Nhưng tương lai sẽ định hướng xuất khẩu đi châu Âu. Hiệp định thương mại tự do EVFTA đang mở ra rất nhiều cơ hội" - ông Gabor Fluit nói.
Ông Gabor Fluit phân tích, để xuất khẩu đi châu Âu, chất lượng sản phẩm phải hoàn toàn sạch, truy xuất được nguồn gốc. Chuỗi liên kết đã thực hiện thành công khâu này từ các chuyến hàng xuất khẩu sang Nhật. Giá thành là khâu quan trọng tiếp theo để sản phẩm cạnh tranh được với mặt hàng nhập khẩu, tiến tới bước quan trọng hơn là xuất khẩu.
Theo ông Gabor Fluit, so với 15 năm về trước, giá thành chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam đã giảm khoảng 20-30%. Mức giảm này bao hàm rất nhiều yếu tố tham gia bên trong, như thay đổi phương thức nuôi từ trại hở sang trại lạnh; cải thiện chất lượng con giống để giảm tỷ lệ chết, nâng cao sức tăng trưởng; và công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Ông Gabor đánh giá, 15 năm trước, giá thành sản xuất 1kg thịt gà ở Thái Lan thấp hơn Việt Nam khoảng 20%. Đến nay, mức chênh lệch này đã rút ngắn đáng kể, thậm chí một số trại nuôi trong nước đã có giá thành thấp hơn.
Đây là tiền đề để Việt Nam cạnh tranh được với các quốc gia xuất khẩu gia cầm lớn trên thế giới. Tất nhiên, châu Âu là một thị trường khó tính- ông Gabor thừa nhận.
"Các dự án của chúng tôi ở Lâm Đồng và Tây Ninh mới đây nhằm định hướng hoàn thành các tiêu chuẩn khắt khe nhất để xuất khẩu thịt gia cầm đi châu Âu" - ông Gabor Fluit nói.
Theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NNPTNT, mục tiêu đến năm 2030, sản lượng thịt xẻ các loại sẽ đạt 6-6,5 triệu tấn, trong đó thịt gia cầm chiếm 30-35%, và trứng gia cầm 22-23 tỷ quả. Chăn nuôi gia cầm sẽ được thúc đẩy theo 2 hướng: chuyên thịt và chuyên trứng. Giai đoạn 2021-2030 cần tiếp tục chuyên nghiệp hóa trong sản xuất để tạo ra sản phẩm có giá thành thấp nhưng giá trị cao.
Thứ trưởng Tiến đánh giá, từ tổ hợp công nghệ cao ở Tây Ninh sẽ kéo theo những phản ứng dây chuyền khác. Đặc biệt là chính sách thu hút đầu tư vào tỉnh Tây Ninh cũng góp phần phát triển kinh tế xã hội trong toàn vùng.