Hoạn Thư trong truyện Kiều đánh ghen tình địch như thế nào?
Trong thế giới Truyện Kiều, nhân vật Hoạn Thư là một biểu tượng đặc biệt. Từ trang thơ Hoạn Thư đi thẳng vào đời sống với câu nói “ghen như Hoạn Thư”. Hoạn Thư đã đánh ghen như thế nào?.
Trong "Truyện Kiều", nhân vật Hoạn Thư được nhắc đến lần đầu tại câu thơ thứ 1529 và 1530: “Vốn dòng họ Hoạn danh gia/Con quan Lại bộ tên là Hoạn thư”.
Qua ngòi bút của Nguyễn Du, Hoạn Thư là người phụ nữ xinh đẹp, thông minh, sắc sảo hơn người “ở ăn thì nết cũng hay, nói điều ràng buộc thì tay cũng già”. Đặc biệt, Hoạn Thư nổi bật với những màn đánh ghen thuộc loại xưa nay hiếm.
Khi biết chồng trăng hoa, Hoạn Thư kín như bưng, nhưng sau đó sai người bắt cóc Kiều, biến Kiều thành kẻ ở, người hầu trong nhà.
Khi biết chồng trăng hoa, Hoạn Thư kín như bưng, nhưng sau đó sai người bắt cóc Kiều, biến Kiều thành kẻ ở, người hầu trong nhà.
Đặc sắc nhất trong suốt cuộc đánh ghen là khi Hoạn Thư bắt Thúy Kiều đàn hát, hầu rượu cho Thúc Sinh. "Bắt khoan bắt nhặt đến lời/Bắt quỳ tận mặt bắt mời tận tay".
Khi bắt được Thúc Sinh trốn đến gặp Kiều ở Quan âm các, Hoạn Thư vui vẻ chào hỏi hai người, khen tài hoa Thúy Kiều rồi khoác tay chồng cùng về nhà như không hề biết chuyện gì. Đây cũng một trong những phân đoạn thể hiện rõ nhất phương thức đánh ghen độc đáo của Hoạn Thư.
Cũng chính bởi những màn đánh ghen “có một không hai” mà Hoạn Thư trở thành nhân vật gây tranh cãi nhất trong Truyện Kiều. Nhiều nhà nghiên cứu nhìn Hoạn Thư là một nhân vật phản diện, là biểu tượng của cái ghen khủng khiếp, một con người lắm mưu, nhiều kế, một kẻ ác độc đến tàn nhẫn, sẵn sàng chà đạp lên phẩm giá con người để trả mối tư thù.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu nhìn Hoạn Thư theo hướng tích cực, Hoạn Thư cũng chỉ là một nạn nhân, một nhân vật bi kịch của chế độ đa thê trong xã hội phong kiến đương thời.
Theo các nhà nghiên cứu, Hoạn Thư chính là một nhân vật đa diện, đời thường nhất bởi chứa đựng các tính cách của một con người. Hoạn Thư ghen tuông và trả thù, nhưng cũng luôn tỉnh táo biết dừng thậm chí còn thương cảm cho Kiều.
Vì thế, Hoạn thư đã đi thẳng vào đời sống, trở thành một danh từ chung bất hủ mà Nguyễn Du đã đóng góp vào vốn từ vựng Việt Nam. Người đời nhắc tới Hoạn Thư không còn nhắc tới sự ác cảm, Hoạn Thư chỉ dùng để miêu tả về những người hay ghen. Máu Hoạn Thư, ghen như Hoạn Thư… là những từ rất phổ biến.