Như đã đề cập đến ở bài viết trước, những khám phá của khảo cổ học dưới lòng đất tại 18 Hoàng Diệu và Nhà Quốc hội vào năm 2002-2004 và 2008-2009 đã tìm thấy một quần thể gồm 53 dấu tích nền móng công trình kiến trúc, 7 móng tường bao, 6 giếng nước, 13 đường cống rãnh tiêu thoát nước minh chứng xác thực lịch sử xây dựng Kinh đô Thăng Long hoa lệ dưới vương triều Lý.
Nhưng theo PGS.TS Bùi Minh Trí – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành thì bằng chứng của khảo cổ học chủ yếu chỉ tìm thấy vết tích còn lại của các kiến trúc cung điện, lầu, gác của thời Lý qua hệ thống nền nhà, móng trụ, chân tảng và sân. Nói theo cách khác, đó là phần dưới của công trình.
Phần dưới của các công trình đó chủ yếu được nhận diện qua mặt bằng nền nhà bằng đất, có hệ thống móng trụ hình vuông được gia cố bằng sỏi, gạch ngói hoặc mảnh sành, được xếp thành hàng ngang dãy dọc khá quy chuẩn.
Mặt bằng có những móng trụ đó được xác định là mặt bằng của các cột trụ của kiến trúc. Đây là thành tựu và cũng là đặc điểm rất quan trọng trong kỹ thuật xây dựng kiến trúc gỗ thời Lý.
Hệ thống móng trụ được gia cố rất vững chắc để kê chân tảng đá đỡ các cột của bộ khung nhà bằng gỗ. Các móng trụ đó có nhiều kích thước khác nhau, trung bình mỗi chiều rộng từ 110cm đến 150cm, được đào sâu từ 150cm đến hơn 300cm xuống lòng đất và gia cố đầm chặt bằng các mảnh ngói, mảnh sành, phổ biến nhất là sỏi sông trộn với đất đồi nhằm chống lún chân cột.
"Trong các công trình nghiên cứu trước, chúng tôi đã đưa ra nhận xét rằng, kỹ thuật gia cố móng trụ là một thành tựu quan trọng của vương triều Lý. Nó được phát minh trong điều kiện xây dựng các kiến trúc có quy mô to lớn trên nền đất yếu của đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Kỹ thuật dùng sỏi pha cát để lót dưới đáy hố móng cột chôn đã thấy xuất hiện từ thời Đinh – Tiền Lê (thế kỷ 10), nhưng nó được xử lý khá đơn giản. Sang thời Lý, kỹ thuật này đã được xử lý rất hoàn hảo và phát triển trở thành hình mẫu về kỹ thuật xây dựng trong lịch sử kiến trúc cổ Việt Nam", PGS Bùi Minh Trí nhấn mạnh.
Bên cạnh móng trụ hình vuông, khu di tích còn tìm thấy nhiều móng trụ hình chữ nhật có chiều dài đủ đặt hai chân tảng kê cột, được gọi là móng trụ kép hay móng trụ cột đôi. Loại móng trụ này chỉ xuất hiện ở những công trình kiến trúc có quy mô nhỏ nhưng kết cấu bộ khung rất độc đáo.
Việc tìm thấy hệ thống móng trụ kê chân tảng đá và các loại chân tảng đá đã phản ánh rõ, các công trình kiến trúc cung điện thời Lý trong Hoàng cung Thăng Long xưa phổ biến là kiến trúc gỗ, thành phần chịu lực chủ yếu là các cột trụ. Do đó, các chân cột thường được chú ý kê đỡ và gia cố với hai thành phần chính là chân tảng và móng trụ.
Tại khu di tích đã tìm thấy nhiều cột gỗ đang còn đứng nguyên ở vị trí ban đầu cùng nhiều loại cấu kiện của kiến trúc gỗ. Bằng chứng này không những góp phần khẳng định về sự tồn tại của các công trình kiến trúc gỗ trong Hoàng cung Thăng Long xưa (đúng như sử cũ đã ghi chép) mà còn cung cấp nhiều thông tin quan trọng trong việc nghiên cứu về kiến trúc gỗ Việt Nam trong lịch sử.
Theo PGS.TS Bùi Minh Trí, thông qua các cuộc tái điều tra – khai quật khảo cổ học, các nhà khoa học đã phát hiện ra, bên cạnh kiến trúc cột dương (cột kê trên bệ đá trong lòng nhà), bằng chứng về sự tồn tại kéo dài của loại kiến trúc sử dụng cột âm (hay cột chôn) cũng được tìm thấy ở một số công trình kiến trúc thời Lý.
Tuy nhiên, điểm khác biệt quan trọng là các cột âm thời Lý thường được xây dựng kết hợp với hệ thống cột dương. Những cột âm này đều là hệ thống cột hiên, được chôn sâu xuống lòng đất, dưới chân kê đá tảng lớn và nằm đăng đối xung quang 4 mặt của tòa nhà, trong lòng nhà là hệ thống cột dương được dựng trên các chân tảng đá chạm cánh hoa sen rất khéo léo.
"Dựa vào dấu tích còn lại và sự phân bố quy luật của hệ thống móng trụ, chúng tôi đã xác định, mặt bằng kiến trúc cung điện thời Lý có rất nhiều loại gồm: hình chữ nhật, hình vuông, hình lục giác, hình bát giác... Trong đó, kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật là phổ biến nhất với diễn biến kết cấu vì kèo khá đa dạng: 2 hàng cột, 3 hàng cột, 4 hàng cột, 6 hàng cột, 8 hàng cột. Kiến trúc 8 hàng cột là công trình có quy mô to lớn nhất và kiên cố nhất.
Các công trình kiến trúc nói trên thường là kiến trúc kiểu nhà dài, có nhiều gian, trong đó kiến trúc có số gian chẵn 2 gian, 6 gian, 8 gian, 10 gian; nhiều và phổ biến nhất là kiến trúc có số gian lẻ 7 gian, 9 gian, 11 gian, 13 gian. Ngoài ra, tại khu di tích còn tìm thấy những kiến trúc hành lang kéo dài dọc tường bao hoặc bao quanh các công trình kiến trúc chính ở bên trong.
Số đo bước gian kiến trúc gỗ thời Lý phổ biến có chiều rộng rất lớn, trung bình là 5,7m, kiến trúc lớn thì bước gian rộng hơn 6,0m. Phát hiện năm 2008-2009 tại khu vực Tây Nam khu di tích đã tìm thấy 9 di tích kiến trúc kết cấu 2 hàng cột có bước gian rộng trung bình từ 6,0m đến 7,5m", PGS Bùi Minh Trí cho biết thêm.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, tất cả các kiến trúc cung điện thời Lý ở Hoàng cung Thăng Long xưa đều được xây dựng rất thống nhất, quy chuẩn về phương vị và thước đo. Các công trình đều nằm theo trục Bắc – Nam, Bắc lệch Đông khoảng 4-50 và đặc biệt là các số đo chiều dài, chiều rộng, bước gian, bước cột của tất cả các công trình đều có thể chia hết cho 3.
Điều này phản ánh chắc chắn rằng, kiến trúc thời Lý được xây dựng theo một chuẩn mực rất chặt chẽ và được quy hoạch rất bài bản khoa học khi xây dựng. Đây cũng là điều đã từng mang lại sự ngạc nhiên đối với các nhà khoa học trong và ngoài nước khi tiếp cận nghiên cứu về kiến trúc cung điện thời Lý tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long trong nhiều năm qua.
"Cùng những phát hiện về hệ thống móng trụ, chân tảng và cột gỗ nêu trên, vết tích nền nhà của các kiến trúc cung điện thời Lý cũng được xác định rất rõ ràng. Nền được đắp bằng đất, nhiều chỗ được đắp cùng với phế thải đồ gốm hoặc gạch ngói vỡ.
Xung quanh nền bó gạch hình chữ nhật, trên nền lát gạch vuông được làm từ loại đất sét vàng có độ nung rất cao. Nghiên cứu cấu trúc đất đắp nền nhà cho thấy, nền được đắp bằng nhiều loại đất sét và được đem từ nhiều nơi khác đến", PGS.TS Bùi Minh Trí nhận định.
"Theo các nhà địa chất, các loại đất đắp nền nhà có nhiều khả năng được chuyên chở từ vùng đồi núi thuộc châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, nằm khá xa kinh đô Thăng Long. Người xưa đã khai thác và chuyên chở bằng thuyền, đem về tôn tạo xây dựng các công trình trong kinh đô trong nhiều năm. Kỹ thuật tôn đắp và bó nền cho thấy rõ, các kiến trúc ở đây được xây dựng rất công phu và vững chắc.
Xung quanh nhiều kiến trúc còn có hành lang, tường bao, cống nước, giếng nước, đường đi được xây dựng rất quy chuẩn, minh chứng trình độ cao của vương triều Lý trong qui hoạch đô thị. Điều này cũng gợi ý rằng, để làm được như vậy, vương triều Lý đã phải huy động rất nhiều sức người, sức của khi tiến hành xây dựng và tôn tạo các công trình kiến trúc trong Hoàng cung sau khi dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long", PGS Bùi Minh Trí kết luận
(còn tiếp)