Bắn súng luôn là môn thể thao thế mạnh của Thể thao Việt Nam trên đấu trường SEA Games, ASIAD, Olympic.
Đỉnh cao chính là việc xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã tỏa sáng để giành 1 HCV, 1 HCB Olympic 2016. Đó là một mốc son để các xạ thủ Việt Nam có thêm niềm tin, quyết tâm rèn luyện và mong một ngày nào đó có thể mang vinh quang về cho Tổ quốc như xạ thủ "đàn anh".
Tín hiệu đáng mừng là sau hơn 1 tuần tranh tài tính từ ngày 14/4 vừa qua tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội, đã có tổng cộng 17 kỷ lục trẻ quốc gia được phá, trong đó 13 kỷ lục trẻ quốc gia mới được công nhận thuộc về:
Nguyễn Khánh Duy (Quân đội, nội dung 50m súng ngắn nam, 532 điểm); Bùi Thúy Thu Thủy (Hà Nội, 25m súng ngắn thể thao nữ, 576 điểm); Nguyễn Thùy Trang (Công An nhân dân, 25m súng ngắn thể thao nữ, 558 điểm); Lê Thị Mộng Tuyền (TP.HCM, 10m súng trường hơi nữ với 617,2 điểm); Phí Thanh Thảo (Quân đội, 10m súng trường hơi nữ với 625,9 điểm); Phí Thanh Thảo-Nguyễn Quốc Hào Kiệt (Quân đội, 10m súng trường hơi hỗn hợp đồng đội với 607,2 điểm); Nguyễn Thị Minh Huyền-Lê Thảo Ngọc-Nguyễn Học Hà (Hà Nội, 10m súng trường hơi di động hỗn hợp nữ-đồng đội với 1.022 điểm); Nguyễn Ngọc Vũ (TP.HCM, 10m súng ngắn hơi nam, 566 điểm); Đinh Tuấn Kiệt (TP.HCM, 10m súng ngắn hơi nam, 561 điểm); Nguyễn Thành Trung-Vũ Quốc Triệu-Ngô Vi Hiếu (Quân đội, 10m súng trường hơi di động hỗn hợp nam-đồng đội, 1056 điểm); Phí Thanh Thảo (Quân đội, 50m súng trường 3 tư thế nữ, 1.159 điểm)….
Dõi theo rất sát những bước tiến của các VĐV trẻ, coi đó như nơi để phát hiện những "hạt ngọc thô" tiếp bước xạ thủ Hoàng Xuân Vinh trong tương lai, HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam khẳng định: "Chúng tôi luôn nhắc nhở các VĐV trẻ hãy nhìn vào tấm gương của Hoàng Xuân Vinh với tấm HCV Olympic để tự tin hơn nữa mỗi khi thi đấu.
Với VĐV trẻ, điều tôi cần rèn nhất cho các em trước hết chính là sự tự tin".
Tham dự Giải vô địch bắn súng trẻ quốc gia 2021 có 200 xạ thủ đến từ 13 đơn vị trên cả nước.
Số lượng này tưởng là khá đông nhưng theo HLV Nguyễn Thị Nhung vẫn chưa thấm vào đâu so với các nước phát triển, ví dụ như Hàn Quốc:
"200 VĐV tranh tài ở 20 nội dung cá nhân, đồng đội nam nữ, nghĩa là trung bình chúng ta có khoảng 10 VĐV thi đấu một nội dung.
Con số này kém xa Hàn Quốc. Giải trẻ của họ theo tôi được biết, có nội dung thi đấu có tới hơn 100 VĐV, thậm chí là 200 VĐV.
Muốn phát triển, chúng ta phải có lực lượng VĐV trẻ, "cái nền" rộng hơn nữa".
Nhìn nhận chung về giải, HLV Nguyễn Thị Nhung cho biết: "Tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực của các địa phương khi đã cử nhiều VĐV tham dự.
Trong một thời gian dài bắn súng Việt Nam gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đạn tập luyện nhưng các địa phương vẫn chú trọng công tác đào tạo trẻ.
Giải năm nay có rất nhiều kỷ lục nhưng có một kỷ lục tôi cho là xứng đáng nhất thuộc về VĐV Phí Thanh Thảo của Quân đội ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ với 625,9 điểm.
Kỷ lục này của Thảo nằm trong tốp đầu của Đông Nam Á. Nhìn chung các VĐV có nhiều cố gắng, nhưng để được đi thi đấu quốc tế và có thứ hạng thì các VĐV cần phải tiếp tục rèn luyện, phấn đấu nhiều".
Hướng tới tương lai, HLV Nguyễn Thị Nhung chốt lại: "Vừa qua, chúng tôi cũng tuyển chọn nhiều VĐV trẻ lên đội tuyển và hiện nay đội tuyển bắn súng quốc gia có tới 60% lực lượng là VĐV trẻ.
Những VĐV trẻ nằm trong tốp 3 ở các nội dung giải này sẽ được chúng tôi triệu tập lên đội tuyển quốc gia ở các đợt sau nhằm giúp cho các em có dịp cọ xát, tích lũy kinh nghiệm.
Với VĐV trẻ, muốn đạt được thành tích ở tầm Đông Nam Á thì cần phải rèn luyện thêm từ 4 đến 6 năm nữa".