Sáng nay, CTCP Tập đoàn Hoà Phát tổ chức đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021. Theo tiết lộ của Chủ tịch Trần Đình Long, Hòa Phát đã thực hiện 39% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Cụ thể, doanh thu ước đạt 31.000 tỷ đồng doanh thu, bằng 26% kế hoạch năm (Năm 2021, Hòa Phát đặt mục tiêu 120.000 tỷ doanh thu).
Lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát quý I/2021 ước đạt 7.000 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long lãi sau thuế 2.300 tỷ.
Như vậy, mỗi ngày tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long thu về trên 340 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 78 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lãi từ hoạt động kinh doanh là 6.500 tỷ, lãi từ thoái vốn công ty nội thất Hòa Phát 500 tỷ.
Trong ba tháng đầu năm 2021, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long tiếp tục dẫn đầu thị trường thép xây dựng với thị phần tăng từ 32,5% của năm 2020 lên 33,8%. Ở mảng ống thép, thị phần của Hòa Phát giảm từ 31,7% trong năm ngoái xuống còn 30,2% trong quý I năm nay nhưng vẫn cao nhất cả nước.
Mảng tôn mạ ghi nhận tăng trưởng đột biến với sản lượng tiêu thụ 73.700 tấn, cao gấp ba lần cùng kỳ và chiếm 5,9% thị phần toàn ngành.
Quý này, Hòa Phát đã tiêu thụ hơn 665.000 tấn HRC, chiếm 36% thị phần, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long chưa có sản phẩm này.
Đáng chú ý, do chính sách cắt giảm sản lượng thép ở Trung Quốc, nguồn cung HRC trên toàn cầu đang thiếu hụt và giá bán tăng mạnh lên mức cao nhất 13 năm gần đây.
Đi sâu hơn về tác động của giá thép tới hoạt động kinh doanh của tập đoàn, lãnh đạo Hòa Phát thừa nhận, kết quả kinh doanh quý I/2021 "tốt như vậy" là do giá thép tăng.
Tuy nhiên, nếu sắp tới nếu giá thép giảm thì "Hoà Phát sẽ là người chịu thiệt hại cuối cùng". "Ngày nào tôi, anh Dương (Trần Tuấn Dương - Phó Chủ tịch HĐQT) và anh Tuấn (Nguyễn Mạnh Tuấn - Thành viên HĐQT) ngồi đây thì sẽ không hưng phấn quá. Không thể nhân 4 kết quả quý I ra 28.000 tỷ đồng cả năm 2021", tỷ phú Trần Đình Long chia sẻ.
Trước đó, theo dự báo của Công ty chứng khoán SSI, giá thép sẽ vẫn ổn định trong những tháng tới do nhu cầu thế giới phục hồi và gián đoạn nguồn cung, nhưng có thể đạt đỉnh vào một thời điểm nào đó trong năm 2021 khi nguồn cung dần ổn định (sản lượng thép của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng khoảng 2% trong năm 2021, sau khi tăng khoảng 5% trong năm 2020).
SSI cho rằng, sự đảo ngược của xu hướng giá thép hiện tại có thể dẫn đến việc tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất thép sẽ về mức bình thường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép còn chịu áp lực rủi ro như giá nguyên liệu tăng, điều này sẽ gây áp lực lên các công ty thép.
Liên quan đến động thái nâng sở hữu tại Hòa Phát của gia đình tỷ phú Trần Đình Long, tại tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2021, Ban lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát dự kiến trình cổ đông thông qua việc cho phép Chủ tịch Trần Đình Long và con trai là ông Trần Vũ Minh có thể nhận chuyển nhượng cổ phiếu HPG mà không cần thực hiện thủ tục chào mua công khai.
Theo các báo cáo giao dịch mới nhất được công bố, Chủ tịch Trần Đình Long đang sở hữu trên 26% cổ phần tại hãng thép lớn nhất nước, trong khi con trai ông nắm giữ hơn 1,2% cổ phần. Với mức thị giá hiện tại trên 57.000 đồng/cp, khối tài sản chứng khoán của ông Long xấp xỉ 50.000 tỷ đồng.
Theo xếp hạng của Forbes, tính đến thời điểm hiện tại giá trị tài sản ròng của tỷ phú Trần Đình Long lên tới 2,8 tỷ USD, vượt tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành tỷ phú USD Việt Nam giàu có thứ 2 sau Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.
Liên quan đến vấn đề này, tại ĐHĐCĐ, tỷ phú Trần Đình Long bày tỏ mong muốn cổ đông sẽ ủng hộ việc ông mua cổ phiếu để tăng sở hữu và cam kết không bán cổ phiếu.
"Năm ngoái tôi muốn mua thêm cổ phiếu nhưng các bạn nói rằng phải nộp hồ sơ mất cơ hội, cổ đông đa phần rất sợ ông chủ bán đi nên tôi mong cổ đông ủng hộ việc tôi mua vào cổ phiếu", ông Long đề cập.