Trong 2 ngày từ 22-23/4, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến tới 611 điểm cầu, với tổng số hơn 35.000 cán bộ, đảng viên các cấp tham dự học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội quán triệt 10 nội dung liên quan đến chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII.
Truyền đạt nội dung Chương trình số 01, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, đây là tích hợp của hai Chương trình số 01 và 08 của khóa XVI.
Theo bà Tuyến, trong nhiệm kỳ trước, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nhiều đổi mới, sáng tạo, đạt kết quả toàn diện và quan trọng. Phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy Đảng được đổi mới.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền Thành phố được tăng cường.
Ngoài ra, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt nhiều kết quả, tạo được sự thống nhất, đồng thuận, đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên rõ rệt.
Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, khắc phục cơ bản những hạn chế, tồn tại trong nhiều năm. Hoạt động của HĐND các cấp và Đoàn đại biểu Quốc hội TP được đánh giá là điểm sáng trong cả nước...
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế, khuyết điểm như: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở còn thấp.
"Cá biệt, có cấp ủy mất vai trò lãnh đạo, để xảy ra những vụ việc nổi cộm, phức tạp, trở thành điểm nóng; tính chiến đấu, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình ở một số nơi còn hạn chế", bà Tuyến cho hay.
Hạn chế khuyết điểm nữa được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ ra là: Đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có nơi còn hụt hẫng. Ý thức, thái độ, trách nhiệm của một bộ phận chưa tốt, gây bức xúc trong dư luận.
Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ chốt có biểu hiện suy thoái, cá biệt có đảng viên "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", bị kỷ luật và xử lý hình sự.
Ngoài ra, hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở một số cơ sở còn hạn chế; nội dung, hình thức vận động chưa phong phú, chưa sát đối tượng, hiệu quả thấp…
Trước thực tế nêu trên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, mục tiêu của Chương trình số 01 giai đoạn 2021 – 2025 là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, xây dựng các cấp ủy và tổ chức cơ sở Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, gương mẫu về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức;
Ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Xây dựng hệ thống chính trị các cấp từ TP đến cơ sở thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu chính quyền đô thị.
"Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện tốt phương châm "gần dân, sát dân", "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng"; quán triệt quan điểm "dân là gốc"; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu…", bà Tuyến nhấn mạnh.
Về nội dung Chương trình số 10-CTr/TU, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho hay, Chương trình được xây dựng và kế thừa từ những kết quả của Chương trình số 07-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy (khóa XVI) về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020".
Theo bà Tuyến, thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy khóa XVI, công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản và đạt được kết quả quan trọng, toàn diện.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã trực tiếp chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật được chú trọng bằng nhiều hình thức.
TP.Hà Nội cũng đã đổi mới đánh giá công tác cán bộ bằng nhiều giải pháp; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử được chú trọng, góp phần phòng ngừa, phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, lãng phí.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các tố cáo liên quan đến tham nhũng, tiêu cực đã được thành phố tập trung chỉ đạo, giải quyết, đạt được kết quả tích cực.
Cùng đó, TP.Hà Nội đã kiên trì thực hiện mục tiêu "Kiềm chế, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí", góp phần quan trọng giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng chỉ rõ những hạn chế khuyết điểm còn tồn tại, như: Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng hiệu quả chưa cao; chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động và đạo đức liêm chính của cán bộ, đảng viên và người dân về phòng, chống tham nhũng;
Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; công tác thi hành án dân sự, nhất là việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt tỷ lệ thấp…,
Trước thực tế trên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nêu rõ, mục tiêu được đề ra trong Chương trình số 10-CTr/TU là: Phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, vai trò, xác định trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong công tác phòng, chống tham nhũng;
"Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện tốt quan điểm "không thể", "không dám", "không muốn" và "không cần" tham nhũng, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội…".