Iran sẽ có vũ khí hạt nhân sau 2 năm nữa, nguy hiểm tới mức nào?
PV
25/04/2021 16:33 GMT+7
Tướng Amos Yadlin - cựu lãnh đạo tình báo quân đội Israel mới đây đã đưa ra nhận định của mình về khoảng thời gian dự kiến Iran sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân.
Hiện tại căng thẳng giữa Mỹ - Israel và Iran bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là chương trình hạt nhân của quốc gia Trung Đông này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Sau khi máy bay không người lái của Mỹ ám sát tướng Qassem Suleimani - Tư lệnh đặc nhiệm Quds của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran thì Tehran đã tuyên bố bắt đầu làm giàu Uranium không giới hạn.
Đây là bước đi theo đánh giá là cực kỳ nguy hiểm, bởi các chuyên gia quốc tế nhận định rằng Iran gần như đã có đủ tiềm lực để làm giàu Uranium tới cấp độ vũ khí.
Nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân thì các đối thủ của họ bao gồm Israel hay Saudi Arabia sẽ cần phải cảnh giác cao độ, nhất là đối với Tel Aviv khi Tehran nhiều lần dọa xóa sổ họ khỏi bản đồ thế giới.
Vấn đề được quan tâm hiện nay đó là theo phán đoán của giới chuyên môn thì Iran sẽ phải mất khoảng thời gian bao lâu nữa để hoàn thiện vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Tờ báo tiếng Do Thái Maariv hôm 16/1 đã có cuộc phỏng vấn Tướng Amos Yadlin - cựu lãnh đạo tình báo quân đội Israel, ông ta đã đưa ra một dự đoán rất đáng ngại.
Theo Tướng Yadlin, những phân tích, đánh giá của tình báo Israel cho rằng nếu quyết tâm thực hiện tiến trình làm giàu Uranium thì chỉ sau 2 năm nữa là Iran sẽ có vũ khí hạt nhân.
Vị quan chức tình báo Israel chưa nói thêm chủng loại vũ khí hạt nhân của Iran là gì, đó là một quả bom cỡ lớn phải được máy bay mang đi hay thu nhỏ dưới dạng đầu đạn để gắn vào tên lửa.
Nhưng theo nhận định của hầu hết các nhà phân tích thì khoảng thời gian để Iran có thể thu nhỏ vũ khí hạt nhân của mình và gắn vào đầu đạn tên lửa sẽ không thể diễn ra trong 2 năm tới mà phải lâu hơn.
Nhưng dù sao đi nữa thì viễn cảnh Iran sở hữu vũ khí hạt nhân chắc chắn sẽ khiến Israel không thể ngồi yên, bởi Tel Aviv nhiều lần tuyên bố rằng không chấp nhận việc Tehran nắm trong tay thứ vũ khí này.
Chính vì vậy, không loại trừ khả năng trong tương lai không xa, Israel sẽ tiếp tục tiến hành một trận oanh kích để phá hủy cơ sở hạt nhân của Iran như họ đã từng làm tại Iraq và Syria vào các năm 1981 và 2007.
Cơ sở để Israel tự tin đã có, khi vào đầu năm 2018, tiêm kích tàng hình F-35I Adir của họ đã qua mặt hệ thống phòng không S-300PMU-2 và lượn nhiều vòng trinh sát các địa điểm làm giàu Uranium của Iran mà không bị phát hiện.
Khó khăn nhất đối với Israel hiện nay chính là phải làm sao để xuyên thủng lớp bê tông dày hàng chục mét bao phủ lên cơ sở hạt nhân nằm sâu dưới lòng đất.
Khi vũ khí thông thường khó phát huy tác dụng, không loại trừ khả năng Israel sẽ sử dụng bom hạt nhân chiến thuật tương tự B61-12 của Mỹ, kịch bản trên có lẽ sẽ khiến nhiều người phải "giật mình" và mong rằng nó đừng bao giờ xảy ra.