Dân Việt

"Moi ruột" Vườn quốc gia Hoàng Liên (Bài 2): "Lâm tặc" kể mánh phá rừng pơ mu ngay giữa lõi Vườn quốc gia

Lam Anh – Chiên Hoàng 28/04/2021 06:36 GMT+7
Để hiểu rõ những gì đang diễn ra trong vùng lõi Vườn quốc gia Hoàng Liên, chúng tôi tìm cách đón đầu những người vừa phá rừng pơ mu ngay tại bờ suối.


Cảnh vác gỗ pơ mu từ Vườn quốc gia Hoàng Liên

Bày tiệc ven suối "ngã tư đường" đón đầu "dòng" người vác gỗ

Bấm định vị, về xem lại, chúng tôi đã đi rất xa, cắt qua nhiều con suối, vào lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên, nơi có nhiều loài động, thực vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, nơi được bảo vệ nghiêm ngặt với khẩu hiệu "vào rừng, bạn không để lại gì ngoài dấu chân, không mang ra khỏi rừng cái gì ngoài các bức ảnh đẹp". 

Trong Luật đã quy định đã cấm cả việc tự ý vào rừng, cấm cả việc lấy măng, lấy nấm ra khỏi khu vực rừng được bảo tồn.

Phá Vườn quốc gia Hoàng Liên (Bài 2): “Chén chú, chén anh” với lâm tặc ở vùng lõi Vườn quốc gia - Ảnh 1.

Khu vực nhóm phóng viên ghi nhận tình trạng phá rừng và "lâm tặc" vận chuyển gỗ ra nhiều nhất. Ảnh chụp Google Map. Hoàng Chiên

Vậy mà, sự thật, những gì chúng tôi phải đau lòng chứng kiến, cứ như là ở một nơi không có luật pháp. 

Các vị Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Cục Kiểm lâm Việt Nam hay Bộ TNMT xem, nghe được những video chúng tôi quay lén cảnh phá rừng, vác gỗ, rồi các tâm sự của dòng người đang đi tàn sát vựa pơ mu danh tiếng bậc nhất của Việt Nam này, may ra tình hình mới được cải thiện.

Có cây tươi bị chặt phá, vết cưa xẻ còn óng ả, mới tinh. 

Gỗ bị lấy đi, rất nhiều gốc, cành lá vẫn tươi nguyên và các khúc gỗ rỗng ruột bị bỏ lại to như cột chống trời. Nhiều cây pơ mu lớn bị cưa đổ đã lâu, nay lâm tặc đem ra xẻ tiếp khiêng về.

Phá Vườn quốc gia Hoàng Liên (Bài 2): “Chén chú, chén anh” với lâm tặc ở vùng lõi Vườn quốc gia - Ảnh 2.

Gốc pơ mu này từng bị chặt hạ cách đây nhiều năm, gần đây chúng tiếp tục bị cưa xẻ để vận chuyển ra khỏi rừng Quốc gia. Ảnh: Hoàng Chiên

Đây là thủ đoạn cao tay, cưa đổ cây xong không đem về ngay mà đợi rêu mốc hay khô mục cành lá rồi mới vác cưa máy lên "tận dụng". 

Hành vi "tận dụng" có vẻ nhẹ hơn hành vi chặt cây tươi, song về giá trị gỗ có được từ cây tươi hay cây khô thì vẫn như nhau, mức độ vi phạm mang gỗ ra khỏi rừng bảo tồn vẫn… không thay đổi.

Trong cảm xúc của chúng ta, tất nhiên, đau đớn nhất vẫn là câu chuyện về việc vác cưa máy lên, vài phút gầm rú là giết chết một cây gỗ quý vài trăm đến cả nghìn năm tuổi ở Vườn Quốc gia nơi có nóc nhà Việt Nam và cả Đông Dương.

Phá Vườn quốc gia Hoàng Liên (Bài 2): “Chén chú, chén anh” với lâm tặc ở vùng lõi Vườn quốc gia - Ảnh 3.

Gốc gỗ pơ mu cổ thụ bị cưa xẻ trong vùng lõi VQG Hoàng Liên. Ảnh: Hoàng Chiên

Chúng tôi ngả cơm nắm ra ăn trưa, bấm định vị lưu lại vị trí lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên mà mình đang "xem" lâm tặc tung hoành như chốn không người. Rồi nháy A Sử mở can rượu ra, vào bìa suối cắt vài đoạn ống nứa tươi làm ly để "trăm phần trăm".

Kịch bản của chúng tôi là giả đò uống rượu, kêu mệt, bày tiệc ven suối "ngã tư đường" để đón đầu các dòng người vác gỗ. 

Họ mặt đỏ tía tai, mồ hôi ròng ròng. Ném khúc pơ mu xuống, họ uống nước suối, rửa mặt. Có người nằm vật ra tranh thủ ngủ khì. Rồi, thấy chúng tôi thân thiện, họ bèn bắt chuyện, xin cơm, xin nước, xin chén rượu và tâm sự.

Trong lõi rừng, không có bóng dáng của lực lượng bảo vệ rừng nào. Tiếng cưa máy gầm rú, chim chóc cũng ít dám kêu. Chỉ có lũ ve là rỉ rả đua nhau với "u u, ong gong" của tiếng cưa máy.

Rừng bị đốn hạ khắp nơi. Người vác gỗ đi làm đổi công cho nhau, vác hết gỗ pơ mu của cây mới ngả này, lại cưa sang cây khác.

Có anh chàng thừa nhận: 1 tuần, em dành 3-4 ngày đi vác gỗ thế này, đi liên tục. Mỗi tấm gỗ vác trên đôi vai chín rạn này hoặc khiêng trên hai vai của cặp "tráng đinh",  có giá từ 1 đến 2-3 triệu đồng. 

Có người mặc áo mang phiên hiệu của một lực lượng trong hệ thống cán bộ thôn, bản, xã.

"Không sợ kiểm lâm à?" - chúng tôi hỏi. 

"Kiểm lâm mà thấy chở gỗ ra khỏi rừng thì chúng em đều có cách nói…" - cậu chàng trả lời. Rồi, họ tiết lộ các chiêu trò rất sốc…

Trong 1 tiếng ngồi bên suối, chúng tôi ghi hình được khoảng 30 người tham gia vác gỗ, khiêng gỗ, kéo gỗ pơ mu ra khỏi rừng già, vùng lõi của Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Tất cả đều kể rành mạch về mọi thứ. Cưa gỗ quý ra sao, xẻ nhỏ, đóng đinh, đóng tay cầm cho súc gỗ, vác hoặc khiêng chúng ra khỏi rừng trong vài tiếng đồng hồ "đổ mồ hôi, sôi nước mắt". 

Có người buộc dây được làm bằng da trâu vào các gốc pơ mu, nu (u, mấu) của loài gỗ quý – những báu vật của đại ngàn Hoàng Liên - mà kéo dọc suối.

Vào đây mới biết, các chiêu trò, em đi lấy gỗ về đóng quan tài, ai cũng phải chết, em làm nhà, ai cũng phải có chỗ che mưa nắng… - chỉ là trò lừa trẻ con.

Bởi, khi đã "đi bộ với nhau nhiều tiếng đồng hồ, uống rượu với nhau chén chú chén anh rồi", cả đường dây buôn bán gỗ pơ mu, tàn sát rừng Quốc gia đã lộ diện trắng trợn.

Phá Vườn quốc gia Hoàng Liên (Bài 2): “Chén chú, chén anh” với lâm tặc ở vùng lõi Vườn quốc gia - Ảnh 5.

Những tấm gỗ pơ mu vừa mới được "lâm tặc" cưa xẻ, vận chuyển ra khỏi rừng và rao bán với PV Dân Việt với giá tiền triệu. Ảnh: Hoàng Chiên

Để làm rõ hơn việc đoàn người nối đuôi nhau "như trẩy hội" đi cưa xẻ và vác gỗ pơ mu "moi ruột" khu vực Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa, tỉnh Lào Cai), chúng tôi đã giả trang là người mê du lịch, trải nghiệm cuộc sống bà con người dân tộc, vào rừng Hoàng Liên đi vác gỗ hộ những người bạn dân tộc Mông bản xứ (đã quen thân từ lâu).

Nhóm phóng viên đã gắn thiết bị quay giấu kín ở nhiều vị trí để đếm tần xuất "hiện hình" của những kẻ chặt phá, xẻ thịt, vác, kéo, khiêng chở pơ mu ra khỏi khu vực Rừng Quốc gia.

Hơn 1 tiếng đồng hồ, vài chục người vác pơ mu đi qua camera giấu kín

Cơ bản là có "mật khẩu" và người trong bản làng dẫn mối, lại thêm ở trong rừng xanh núi đỏ ấy chưa một lần nào bị "tổng công kích" từ nhà báo hay cái gì tương tự, nên lâm tặc không quá đề phòng kẻ lạ mặt là chúng tôi (nhà báo hóa trang).

Song, các gã "phá sơn lâm, đâm hà bá" đã kinh qua bao nhiêu trạm kiểm soát, có thể cả bao lần bị phạt và "làm luật" (như họ tiết lộ), đều rất có kinh nghiệm đối phó với các tình huống bị "thẩm vấn" như kiểu cuộc gặp với chúng tôi hôm ấy. Bên bờ suối trong vắt, gầm gào gió và tiếng nước chảy giữa đại ngàn Hoàng Liên.

Một anh chàng người Mông sinh năm 1983 mà "cứng tuổi" cứ như cánh "quá niên trạc ngoại tứ tuần". Nhất là khi anh cau có vác một khúc gỗ lớn, đi bộ 8 tiếng đồng hồ vượt núi trơn trượt. Anh ta vục tay xuống dòng suối đá cuội vàng óng ả mà uống nước lã ừng ực.

Phá Vườn quốc gia Hoàng Liên (Bài 2): “Chén chú, chén anh” với lâm tặc ở vùng lõi Vườn quốc gia - Ảnh 7.

Khúc gỗ pơ mu được 2 người khiêng, đang chờ được đưa ra khỏi rừng

Phá Vườn quốc gia Hoàng Liên (Bài 2): “Chén chú, chén anh” với lâm tặc ở vùng lõi Vườn quốc gia - Ảnh 8.

Người ta nối nhau vác gỗ quý ra khỏi rừng Hoàng Liên

Phá Vườn quốc gia Hoàng Liên (Bài 2): “Chén chú, chén anh” với lâm tặc ở vùng lõi Vườn quốc gia - Ảnh 9.

Gỗ pơ mu được các vác ra khỏi rừng Hoàng Liên đi qua camera giấu kín của nhóm phóng viên. Ảnh: Lam Anh

"Mỗi tuần tôi đi vác gỗ khoảng 3-4 chuyến. Có chuyến một hai ngày. Đi suốt. Chặt (cưa máy) hết cây pơ mu này, lại chặt sang cây khác, xẻ ra, vác dần, hết lại chặt. Mà ngả một cây, bao nhiêu người xông vào vác, chứ có phải giữ làm riêng của mình đâu" - anh ta nói.

Khi anh chàng thao thao, chúng tôi cứ nghĩ anh ta đang chặt gỗ keo, gỗ mỡ, gỗ bạch đàn do anh ta và gia đình trồng được đem đi bán cho… nhà máy giấy. 

Nhưng không, đây là Rừng Quốc gia, được bảo vệ nghiêm ngặt, ai tự ý đi vào mà kiểm lâm "tóm" được, cũng bị truy cứu trách nhiệm. Hái măng, hái nấm cũng cấm.

Để chứng minh cho lời mình nói, anh ta vạch đôi vai chai lỳ, u mấu như vai… trâu ra. Nhìn anh ta, mặt đỏ như gà chọi, nhìn u cục trên vai vác pơ mu, lại nhớ câu thơ "tế" Thập loại chúng sinh của Nguyễn Du: "Đòn gánh tre chín rạn hai vai".

Bên cạnh là cậu bé 15 tuổi, đi vác một tấm pơ mu cũng không kém phần to lớn, tấm gỗ trắng lốp phủ kín dáng đi cheo leo sườn núi xanh của cháu. 

"Học lớp mấy, cu con?".

"Cháu bỏ học lâu rồi".

Phá Vườn quốc gia Hoàng Liên (Bài 2): “Chén chú, chén anh” với lâm tặc ở vùng lõi Vườn quốc gia - Ảnh 11.

Mỗi một tấm gỗ pơ mu như thế này vác giá khỏi rừng được bán với giá 2,5 triệu đồng. Ảnh: Lam Anh

Đoàn người trước vừa hực lên, cơ bắp cuồn cuộn gồng sức cẩu khúc cột nhà bằng pơ mu được xẻ vuông vức dài khoảng 5m lên vai để đi tiếp, thì vẫn góc máy quay lén đó, chúng tôi đã thấy bên kia suối có đoàn người vác gỗ khác xuất hiện. 

Có khi, giữa suối, lại có đoàn nữa nhảy chông chênh từ tảng đá nọ sang tảng đá kia để đi ra phía bìa rừng.

Từ con suối lớn nước trong vắt, các trận địa đá miên man, trên bầu trời xanh thắm và mây trắng toát đuổi nhau ùn ùn đó, đi bộ 3 tiếng đồng hồ nữa mới về đến bản Dền Thàng hoặc bản Séo Mý Tỷ của xã Tả Van.

Phá Vườn quốc gia Hoàng Liên (Bài 2): “Chén chú, chén anh” với lâm tặc ở vùng lõi Vườn quốc gia - Ảnh 12.

Gỗ pơ mu được xẻ thành tấm vuông vắn trước khi vận chuyển ra khỏi rừng. Ảnh: Lam Anh

Chúng tôi mô tả như trên, rất ái ngại vì sợ lực lượng kiểm lâm, cán bộ xã, huyện tỉnh (những người có trách nhiệm bảo vệ kho báu thiên nhiên Vườn Quốc gia Hoàng Liên) sẽ phản ứng, sẽ quy kết là tôi nói quá lên. Thế nên, nói gì chúng tôi xin có video kèm theo.

Trong các bức ảnh chụp được sau hàng tiếng ngồi lì một chỗ mà phóng viên chụp được, đếm ra có đến vài chục gương mặt người đi vác gỗ, khiêng gỗ, vận chuyển gỗ bằng đủ cách khác nhau ra khỏi rừng. Hàng chục khúc gỗ (100% là pơ mu), được "rút ruột" từ rừng ra. Mô tả của lâm tặc còn đáng sợ hơn những gì các bức ảnh ghi được.

Đón đọc Bài 3: Kiểm lâm đi qua, gỗ quý vẫn được tuồn ra khỏi rừng