Dương Tự Minh còn gọi là Đức Thánh Đuổm hay Cao Sơn Quý Minh, dân tộc Tày, người làng Quan Triều, tỉnh Thái Nguyên, nay là phường Quan Triều (hay Quán Triều), TP Thái Nguyên. Ông làm thủ lĩnh phủ Phú Lương trong suốt ba đời vua nhà Lý: Nhân Tông (1072-1127), Thần Tông (1128-1138) và Anh Tông (1138-1175). Dương Tự Minh là người thông minh lanh lợi, tài năng, đức độ, thẳng thắn, trung thực, có sức khỏe hơn người, được nhân dân khắp vùng biên cương yêu mến, triều đình tin cậy.
Theo sử sách, họ Dương là một dòng họ đầy thế lực của người Tày ở vùng Phú Lương. Người bố của ông từng là thủ lĩnh trong vùng, lập nhiều chiến công chống quân Tống xâm lược lần thứ hai, trên chiến tuyến Sông Cầu. Vốn là người trung hậu, giàu lòng nhân ái nên có bao nhiêu bổng lộc, bố của ông đều chia sẻ cho mọi người. Do vậy, viên quan họ Dương này cũng không có nhà cao cửa rộng như nhiều vị quan khác.
Từ nhỏ, Dương Tự Minh đã có tiếng là người thông minh, hiểu rộng, lại được cha dạy võ nghệ, quân cơ nên có chí khí hơn người. Năm Dương Tự Minh ngoài 20 tuổi, trong vùng bọn phỉ tặc hoành hành cướp phá, dân tình vô cùng khốn khổ. Dương Tự Minh thành lập đội dân binh với hàng trăm trai tráng trong vùng, đứng lên tiêu diệt phỉ, bảo vệ làng bản yên bình.
Năm Đinh Mùi (1127), vua Lý Nhân Tông liền mời Dương Tự Minh về triều ban thưởng nhiều của cải vàng bạc, gả con gái là công chúa Diên Bình và tổ chức đám cưới tại kinh đô, phong cho chức Châu mục vùng thượng nguyên và trấn trị cả phủ Phú Lương rộng lớn, gồm các châu: Thượng Nguyên, Vĩnh Thông, Quảng Nguyên, Cảm Hóa, Vạn Nhai, Tư Nông, Tuyên Hóa (thuộc Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang và một phần Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lạng Sơn ngày nay) - một vị trí chiến lược quan trọng trong công cuộc bảo vệ biên cương đất nước. Không phụ lòng vua, Dương Tự Minh một mặt vỗ về dân chúng, chăm lo xây dựng phủ Phú Lương ngày càng phồn thịnh; mặt khác, trấn áp các bè, đảng có nguy cơ đến sự bình yên vùng biên giới. Ông là người có công lớn trong việc giữ yên bờ cõi phía Bắc Đại Việt.
Năm Đại Định thứ 5 (1144), Đàm Hữu Lượng người nước Tống, tự xưng là Triệu tiên sinh, vâng mệnh thiên triều đi sứ để dụ dỗ nước An Nam. Các địa phương vùng biên giới có nhiều người cả tin đi theo, Đàm Hữu Lượng đem đồng đảng đến cướp châu Quảng Uyên. Cả triều đình lo lắng, nhà vua cho người đi khắp thiên hạ cầu người hiền tài đứng ra cứu nước.
Dương Tự Minh gặp nhà vua xung phong đi dẹp giặc để giữ yên bờ cõi nước Nam. Nhà vua phong cho ông chức Đô đốc Thống binh, thống lĩnh 3 vạn binh mã cùng văn thần Nguyễn Như Mai, Lý Nghĩa Vinh đi tiên phong cự chiến và đích thân vua trao thanh "Thượng phương bảo kiếm" cho ông. Dương Tự Minh vâng lệnh nhà vua rồi chia quân thành hai đạo đánh giặc. Dưới sự chỉ huy của ông, quân Lý tiến công như vũ bão và giết chết Đàm Hữu Lượng.
Sau khi dẹp yên giặc, Dương Tự Minh cho củng cố lại các vùng biên ải, ổn định tinh thần nhân dân, rồi dẫn đoàn quân chiến thắng về kinh đô. Vua Lý sai các quan đại thần ra khỏi thành đô 10 dặm để đón, nhân dân khắp các bản làng, phố thị mở hội khao quân. Nhà vua thiết triều, ban yến và tác thành Dương Tự Minh cùng công chúa Thiều Dung tài sắc vẹn toàn. Sau đó, ông được điều về kinh thành Thăng Long phò vua giúp nước.
Vua Lý Thần Tông có 2 con trai là Thiên Lộc và Thiên Tộ. Khi vua qua đời, triều đình tôn Thái tử Thiên Tộ khi mới 3 tuổi lên làm vua, hiệu là Anh Tông Hoàng đế. Bởi vậy, Thái hậu Lê Thị cầm quyền nhiếp chính, nhưng Lê Thái hậu lại tư thông với Thái úy Đỗ Anh Vũ, cho nên mọi việc lớn nhỏ trong triều đều nằm trong tay vị đại thần họ Đỗ quyết định. Đỗ Anh Vũ được thể ra vào chỗ cung cấm, kiêu ngạo và khinh rẻ các đình thần, ức hiếp vua và quan lại trong triều.
Thấy Đỗ Anh Vũ lộng quyền, các quan Vũ Đái Nguyễn Dương, Nguyễn Quốc và Dương Tự Minh bày mưu trừ khử. Việc bại lộ, tất cả bị Anh Vũ giết hại, Phò mã Dương Tự Minh bị bắt đi lưu đày, ông sống những năm tháng cuối đời ở chân núi Đuổm và mất ở đây. Trong dân gian còn lưu truyền rằng, khi trở về quê, ông cởi bỏ quần áo quan lại, xuống dòng sông Phú Lương tắm để trút bỏ hết bụi trần, sau đó ông mặc lên mình bộ quần áo chàm xanh của người Tày rồi cưỡi ngựa bay về trời.
May thay, triều đình lúc đó có nhiều người giỏi như Tô Hiến Thành, Hoàng Nghĩa Hiền, Lý Công Tín... nên tham vọng của Đỗ Anh Vũ bị chặn lại. Xã tắc Đại Việt được ổn định, trở nên hùng mạnh. Sau này, nhà Lý truy phong ông làm "Uy viễn đôn tỉnh cao sơn quảng độ chi thần", nhiều triều đại phong kiến Việt Nam ban sắc phong là Thượng đẳng thần, còn nhân dân thì tôn ông làm Đức Thánh, xây đền thờ ông ở làng Đuổm sau này gọi là đền thờ Đức Thánh Đuổm.
Đền Đuổm được xây dựng năm 1180 vào thời Lý Cao Tông (1176 - 1210), dưới chân núi Đuổm, thuộc xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, cạnh Quốc lộ 3 (Thái Nguyên - Bắc Kạn), cách TP Thái Nguyên 25km về phía Tây Bắc, từ lâu đã có tiếng là địa linh. Đây là nơi thờ tự chính Dương Tự Minh. Dưới tán cổ thụ hàng trăm năm tuổi, là ba ngôi đền tôn nghiêm (thờ phủ Bà, Dương Tự Minh và thờ Mẫu), nơi đây phong cảnh hùng vĩ, hữu tình, có nhiều ngọn núi đá tự thiên.
Nhân dân trong vùng mở lễ hội đền Đuổm từ ngày 6 đến 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm để tưởng nhớ công ơn vị anh hùng dân tộc, cầu mong Đức Thánh Đuổm ban cho một năm mới mọi sự tốt lành, mùa màng bội thu, no ấm. Trong lễ hội có lễ dâng hương, lễ rước Đức Thánh và lễ đọc văn tế tôn vinh cực kỳ long trọng. Lễ hội đền Đuổm rất đông người đến dự.
Đây là lễ hội quan trọng của nhân dân huyện Phú Lương cũng như nhiều vùng lân cận. Đền Đuổm là một điểm sáng về du lịch của huyện Phú Lương và tỉnh Thái Nguyên, không chỉ trong dịp Tết, mà còn ở nhiều thời điểm quan trọng khác của năm. Ở Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang... nhiều nơi dựng đình miếu thờ Đức Thánh Đuổm, những làng thờ thành hoàng là Đức Thánh Đuổm cũng thường mở hội lớn suốt 3 ngày vào dịp đầu xuân, với lễ rước trang trọng.
Để tỏ lòng biết ơn và ghi công đức của vị "Tư lệnh Biên phòng" tài năng, đức độ trong suốt 3 triều vua Lý, ngày nay, TP Thái Nguyên đã có một con đường mang tên Dương Tự Minh (phường Quán Triều) - một trong những đường phố chính của thành phố và một trường phổ thông trung học mang tên ông.