Vài năm trở lại đây, nghệ thuật truyền thống như: cải lương, rối, tuồng, xẩm, ca trù, chèo… đã được nhiều bạn trẻ quan tâm hơn. Đặc biệt tại các cuộc liên hoan nghệ thuật sân khấu có sự tham gia nhiệt tình của các bạn trẻ. Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc 2020 được diễn ra với rất nhiều bạn trẻ đã giành được giải thưởng như: 1 giải Diễn viên chèo trẻ nhất và 3 giải Diễn viên chèo triển vọng...
Đề cập đến tín hiệu đáng mừng này, NSND Thúy Mùi đã có cuộc trò chuyện cởi mở với Dân Việt:
Thế hệ trẻ là gạch nối cho nghệ thuật chèo truyền thống, tiếp nối các thế hệ đi trước. Và các vai diễn của các bạn trẻ được đánh giá là đã tiếp nối và truyền tải tốt cũng như giữ gìn nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng. Liệu đây có phải tín hiệu đáng mừng không, thưa NSND Thúy Mùi?
- Về tài năng trẻ của sân khấu chèo, tôi nhận thấy các bạn trẻ có sự đam mê, nhiệt huyết với nghề. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ thể hiện niềm khát khao, sự cháy bỏng được thể hiện tài năng của mình trong từng vai diễn trong các cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc vừa được diễn ra tôi càng thấy rõ điều đó.
Tôi cho đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng. Có rất nhiều bạn có khả năng dù chưa có nhiều kinh nghiệm diễn xuất, chưa có nhiều thời gian với nghề nhưng đã thể hiện một cách rất tài năng.
Nhìn từ các vai diễn như: Thị Mầu (Thị Màu lên chùa), Súy Vân (Súy Vân giả dại), Đào Huế (Tuần Ty - Đào Huế)… do các bạn trẻ 9X thể hiện. NSND Thúy Mùi đánh giá thế nào về vai diễn của các bạn trẻ này?
- Trong cuộc thi vừa rồi những nghệ sĩ trẻ thể hiện những vai mẫu mực, được đánh giá cao đó là nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Thái Bình Lê Thị Hồng Vân. Bạn Vân có giọng hát rất tuyệt vời, bạn còn trẻ tuổi nhưng ra sân khấu phong thái, cách biểu diễn rất đĩnh đạc.
Trước đây, cụ Minh Lý đã diễn xuất sắc vai diễn này, tuy nhiên cách diễn của bạn Vân vẫn chưa thể lão luyện như các Nghệ sĩ Nhân dân đi trước. Bởi, với những nghệ sĩ gạo cội, họ diễn được như vậy vì đã trải qua một quá trình dài tập luyện, diễn để có thể tạo nên một vai diễn hấp dẫn và để đời.
Kết hợp hoàn hảo được kỹ năng "thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần" có phải là yêu cầu chính khi đánh giá các nghệ sĩ chèo hay không? Tiêu chuẩn đặt ra cho các nghệ sĩ trẻ khi biểu diễn là gì?
- Sáu yếu tố "thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần" là tiêu chuẩn của mỗi nghệ sĩ, diễn viên truyền thống nói chung chứ không phải riêng chèo. Đã là diễn viên thì khi được tuyển vào thì "thanh" là yếu tố đầu tiên, phải có giọng hát tốt. "Sắc" là yếu tố thứ hai, nếu bạn đóng những vai chính thì hình thức bên ngoài cũng phải đẹp ở mức độ nào đó, không thể là quá xấu. Nhưng "tinh, khí, thần" lại phụ thuộc vào các vai diễn, vai hề thì phải đóng như thế nào, vai phản diện thì phải đóng ra làm sao...
Những vai diễn đó có thể không yêu cầu về sắc, có thể có những nghệ sĩ chỉ thấp bé nhưng ra sân khấu họ rất xuất thần trong việc đóng những vai hài hước, châm biếm, đả kích hay những vai phản diện, sức hút phải nằm ở tinh khí thần. "Tinh" ở đây là tinh tế, "khí" ở đây là khí chất, "thần" ở đây là thần thái.
Sáu yếu tố trên là những yêu cầu rất ngặt nghèo của bộ môn nghệ thuật truyền thống. Một người qua tuyển dụng để vào nhà hát chèo, diễn viên chèo thì phải hội tụ đủ những yếu tố như vậy. Vậy nên lúc tuyển rất khó khăn nhưng khi làm nghề thì các yếu tố như "tinh, khí, thần" phải được trau truyền một cách điêu luyện. Khi một diễn viên chèo đạt đến độ tinh tế đồng nghĩa với việc đã phải luyện tập rất nhiều. Nếu chỉ có sắc mà thanh không tốt thì rất hạn chế và suốt đời người nghệ sĩ đó chỉ đóng những vai phụ. Vai chính sẽ để cho những người hội tụ đủ các yếu tố trên. Hoặc khi đóng những vai phản diện hoặc những vai có tính cách mạnh thì cũng cần giọng chát chúa.
Những vai chính khi lên sân khấu cũng đòi hỏi người diễn viên diễn phóng khoáng, thỏa sức sáng tạo. Vì vậy, nếu như giọng không tốt thì chỉ thể hiện 4, 5 phần trong thang điểm 10.
Trong cuộc thi vừa rồi, có rất nhiều bạn trẻ để lại ấn tượng rất mạnh. Ở Nhà hát Chèo Bắc Giang có Đặng Thị Quyên đã thể hiện rất xuất sắc trong một vai diễn "Bà Ba Cần", đây không hẳn là vở kinh điển của chèo nhưng bạn trẻ đã biến tấu rất thành công.
Bạn ấy đã liên tục thay đổi trong vai chèo, vai tuồng. Người nghệ sĩ nếu có thanh, sắc mà không có sức khỏe để vượt qua những vai khó thì cũng là một hạn chế. Hoặc bạn trẻ Phạm Thị Kim Liên (Nhà hát Chèo Hà Nội) có một giọng hát đẫy đà, sâu lắng và có chất chèo rất tốt. Những diễn viên chèo trẻ bây giờ có lợi thế về cơ sở từ trường học cho đến các đơn vị nghệ thuật đào tạo, họ có những người thầy giảng dạy, trao truyền những vai diễn để đời.
Tôi nhận thấy, qua cuộc thi đã le lói xuất hiện những tài năng trẻ. Tài năng trẻ ở đây không phải những vai diễn mà các bạn thể hiện đã đạt đến độ đỉnh cao tại cuộc thi, mà chúng tôi đánh giá rằng tương lai của các bạn có thể đảm nhiệm nhiều dạng vai diễn khác nhau.
Tất nhiên, khi đã đi thi các diễn viên phải mang đến những vai diễn sở trường của bản thân và đạt đến trình độ điêu luyện, tinh túy. Tương lai của các nghệ sĩ chèo trẻ rất xán lạn. Ví dụ như Phùng Thị Thanh Huyền của Nhà hát Chèo Hà Nội đã diễn vai Thị Mầu, tuy đây không phải là vai diễn xuất sắc nhất nhưng chúng tôi nhìn thấy nghệ sĩ diễn cả 30 phút, tự hát, tự múa tự biểu diễn. Đây là một điều rất xuất sắc, sau này Thanh Huyền có khả năng vào nhiều vai diễn khác tốt hơn như những vai chính diện nên tôi đánh giá cao tài năng của bạn.
Vậy NSND Thúy Mùi đánh giá những nghệ sĩ trẻ ngày nay đang ở trình độ thế nào?
- Nếu để nói về trình độ thì các diễn viên trẻ không thể so sánh với các Nghệ sĩ Nhân dân trước được. Đây chỉ là cuộc thi để phát hiện tài năng để các đơn vị nghệ thuật bồi dưỡng những tài năng ấy có những vai diễn để đời chứ không phải những bài diễn trong cuộc thi đã là số một.
Nếu để so sánh với NSƯT Thu Huyền, nổi tiếng với vai diễn Thị Mầu thì các bạn trẻ vẫn chưa thể đạt được sự xuất sắc trong vai diễn. Ví dụ như bạn Phùng Thị Thanh Huyền, có thanh và sắc rất tốt nhưng tố chất để diễn vai Thị Mầu vẫn chưa đủ, đặc biệt là tính lẳng lơ - thần, mắt có thể liếc nhưng chưa đủ sắc sảo như NSND Thu Huyền. Còn về sở trường của NSND Thanh Ngoan là đóng các vai mụ, lớp diễn viên trẻ hiện nay khó có thể đóng được những vai như thế.
Theo NSND Thúy Mùi, điều khó khăn nhất của các nghệ sĩ trẻ khi diễn những vở chèo cổ, nổi tiếng như: "Thị Mầu lên chùa", "Xúy Vân giả dại"… là gì?
- Khó khăn thì rất nhiều nhưng trước tiên muốn làm một diễn viên chèo tốt thì phải có đủ các yếu tố và phải lao động cật lực, hết sức nghiêm túc. Nếu không vượt qua được việc đam mê nghề nghiệp, các vai diễn mà diễn hời hợt thì không được. Nhưng khi đã lựa chọn nghệ thuật truyền thống, các bạn trẻ nên chấp nhận, đặc biệt là khó khăn về kinh tế, đã theo nghề, các nghệ sĩ trẻ phải dồn hết tâm huyết, tư duy cho những vai diễn để đời.
Nếu chỉ yêu thì bất kỳ ai cũng có thể làm nghệ sĩ chèo nhưng để đam mê và say mê với nghề thì phải có sự chắt lọc và đánh đổi rất nhiều. Muốn trở thành một diễn viên chèo giỏi thì phải luôn luôn khiêm tốn và tận dụng những thời gian, kinh nghiệm của các thầy cô, anh chị đi trước vì nghệ thuật truyền thống chủ yếu là trao truyền.
Có rất nhiều bạn trẻ ban đầu háo hức khi mới vào nghề, tuy nhiên, sau một thời gian họ đã nản. Thậm chí, có bạn bỏ nghề hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Theo NSND Thúy Mùi, điều gì đã khiến các bạn nản đến vậy?
- Những trường hợp chán nản, bỏ nghề thì rất ít nhưng cũng có. Thứ nhất là diễn viên đó yếu về chuyên môn, khi về đơn vị không đủ trình độ để được giao những vai diễn chính mà khi không có vai diễn thì nghệ sĩ sẽ chán nản.
Nếu bản thân được đào tạo nhưng mãi không khá lên được thì đó là những người lười biếng, thiếu đi tinh thần cũng như sức học hỏi. Còn những người giỏi mà chán nản hay bỏ nghề thì rất hiếm hoi chỉ rơi vào những trường hợp xây dựng gia đình từ sớm hay gia đình hoàn toàn không ủng hộ. Những nghệ sĩ đã có tài năng đa số sẽ cống hiến hết mình.
Tôi phải khẳng định rằng, những trường hợp bỏ nghề rất ít bởi vì không dễ dàng gì để có thể được tuyển vào làm diễn viên chèo và không dễ dàng để gạt bỏ hết thời gian và công sức học tập nhiều năm. Nếu có ý định từ bỏ thì họ sẽ bỏ ngay từ ban đầu chứ không phải đợi đến lúc tập luyện hăng say vất vả, có trình độ có chuyên môn, lao động hăng say hàng chục năm thì mới bỏ.
Để các nghệ sĩ trẻ có thể nhiệt huyết và yêu nghề hơn, NSND Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã có những hành động hay chính sách ưu tiên gì cho những nghệ sĩ chèo trẻ?
- Với vai trò Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, tôi không phải người trực tiếp quản lý các đơn vị nghệ thuật mà người trực tiếp quản lý là các tỉnh địa phương, thành phố trực thuộc... Về phía Hội, chúng tôi chỉ định hướng các công việc về chuyên môn hoặc thẩm định các tác phẩm về chuyên môn.
Định hướng về nghề nghiệp hay tập huấn về nghề nghiệp, tạo điều kiện cho các đối tượng thỏa sức sáng tác nghệ thuật chứ chúng tôi không có nhiệm vụ lo cơm, áo, gạo, tiền cho các đơn vị nghệ thuật. Hạn chế ở đây là hội không thể chỉ đạo sát sao các đơn vị nghệ thuật. Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam không thể làm hết những công việc mà các đơn vị nghệ thuật đang hoạt động và thực hiện. Hội được ví như ngọn hải đăng soi đường và chỉ dẫn cho các đơn vị nghệ thuật địa phương. Những địa phương có những tác phẩm hay có những nghệ sĩ tốt sẽ gửi lên để chúng tôi đánh giá, thẩm định và trao giải phù hợp. Giải thưởng sẽ đánh giá được chất lượng của các đơn vị nghệ thuật.
Trong thời điểm hiện nay, khán giả đang quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống, không mặn mà với sân khấu thì Hội phải tìm giải pháp và cách thức để giải quyết vấn đề này. Chúng tôi phải tìm ra phương hướng để các đơn vị nghệ thuật cùng vào cuộc, cùng xây dựng và có trách nhiệm đó.
Cảm ơn NSND Thúy Mùi đã chia sẻ thông tin!