Khu chung cư tại số 90 Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM còn có tên thương mại là Sunwah Pearl do Công ty TNHH Bay Water (Công ty Bay Water) làm chủ đầu tư.
Công ty Bay Water có 2 thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư SATO (SATO) chiếm 10% và Công ty Sun Wah Vietnam Real Estate Limited (Sun Wah) chiếm 90%.
Dự án này được triển khai từ năm 2015 và chuẩn bị hoàn thiện, bàn giao căn hộ cho khách hàng. Tổng vốn đầu tư (dự tính) của dự án là 4.200 tỉ đồng.
Trong đó, phần vốn điều lệ là 1.019 tỉ đồng, chiếm 24,25% tổng vốn đầu tư dự án. Phần vốn còn lại hơn 3.000 tỉ đồng chiếm 75,75%, huy động từ các nguồn vay ngân hàng, khách hàng mua nhà...
Thời điểm cuối năm 2019, khi dự án đã bước vào giai đoạn hoàn thiện và chuẩn bị bàn giao căn hộ cho khách hàng (dự kiến trong năm 2020), Công ty Bay Water cần phải có kinh phí để thanh toán cho nhà thầu, lương người lao động… Nếu không có nguồn vốn đáp ứng kịp tiến độ của dự án thì nguy cơ sẽ dẫn đến phá sản dự án.
Trước yêu cầu cấp bách trên, Công ty Bay Water đã tổ chức 2 cuộc họp Hội đồng thành viên để lấy ý kiến thông qua việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, Công ty SATO thành viên đã "biểu quyết không đồng ý".
Không để cho dự án bị phá sản, ngày 3/9/2019, Công ty Bay Water đã tổ chức họp HĐTV ban hành Nghị quyết số 05/2019 thông qua bản Điều lệ mới của công ty.
Theo đó, căn cứ Luật Doanh nghiệp 2014, Điều lệ mới của Công ty Bay Water sửa đổi: chỉ cần đạt được 80% vốn góp tán thành có thể sửa đổi bổ sung Điều lệ công ty (không cần phải 100% vốn góp tán thành mới sửa đổi bổ sung Điều lệ công ty theo khoản 3 Điều 23 Điều lệ cũ).
Việc Bay Water ban hành Nghị quyết 05/2019 là vì đảm bảo lợi ích tối đa của công ty, phù hợp lợi ích chung của các thành viên góp vốn, đảm bảo lợi ích của khách hàng; Thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng của Công ty Bay Water theo khoản 9 Điều 8 Luật Doanh nghiệp.
Sau đó, Công ty SATO đã gửi đơn lên TAND TP.HCM yêu cầu ra quyết định hủy Nghị quyết 05/2019 của HĐTV Công ty Bay Water.
Ngày 17/8/2020, TAND TPHCM có Quyết định Sơ thẩm số 1257/2020/QĐST-KDTM, hủy Nghị quyết 05/2019 của HĐTV Công ty Bay Water. Công ty Bay Water và Công ty Sun Wah kháng cáo. Ngày 8/1/2021, TAND Cấp cao tại TP.HCM ra Quyết định Phúc thẩm số 03/2021/QĐPT-KDTM sửa Quyết định sơ thẩm số 2157 của TAND TP.HCM, bác yêu cầu của Công ty SATO.
Như vậy, Nghị quyết 05/2019 của HĐTV Công Bay Water được thừa nhận hợp pháp, bản Điều lệ ngày 3/9/2019 của Công ty Bay Water cũng được thừa nhận.
Theo nhận định của Hội đồng phúc thẩm, trong điều lệ của Bay Water có điều khoản quy định tỉ lệ biểu quyết sửa đổi điều lệ có mâu thuẫn với điều khoản khác, cho nên cần phải căn cứ Luật doanh nghiệp 2014 để xem xét.
Theo điều 60 Luật doanh nghiệp, việc sửa đổi, bổ sung điều lệ sẽ được thông qua với số phiếu đại diện cho 75% số vốn góp, trong khi đó Sun Wah chiếm 90% vốn góp nên có quyền thông qua.
Từ đó, chủ tọa phiên họp tuyên chấp nhận kháng cáo của Công ty Bay Water và Sun Wah, không chấp nhận ý kiến của Viện VKSND cấp cao và Công ty SATO.
Sau quyết định phúc thẩm của TAND cấp cao, Công ty SATO đã gửi đơn đề nghị kháng nghị xem xét quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lo Kwok Luen, Phó Tổng giám đốc Công ty Bay Water, cho biết: "Vốn điều lệ công ty là 1.019 tỉ đồng, thực chất đó là giá trị quyền sử dụng đất của khu dự án. Khi bắt tay vào thực hiện dự án, tiền mặt của chúng tôi là không đồng. Chúng tôi phải tận lực tìm nguồn vốn bằng nhiều cách, trong đó có vay của công ty Sun Wah Hồng Kông.
Tuy nhiên, cũng không thấm gì so với số vốn cần phải đầu tư để thực hiện dự án là gần 3.500 tỉ đồng. Chúng tôi cần phải vay các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, bên phía SATO luôn phủ quyết mọi vấn đề liên quan đến vay vốn, thế chấp, tăng vốn điều lệ…
Nếu chúng tôi không thay đổi điều lệ thì công ty sẽ phá sản, làm sao dự án Sun Wah Pearl hoàn thành được 3 tháp mà giao cho khách hàng cuối năm 2020 vừa rồi được?".
Theo LS Hồ Nguyên Lễ - Đoàn Luật sư TP HCM, Điều lệ của Công ty Bay Water quy định phải có 100% thành viên góp vốn đồng ý mới được sửa đổi, bổ sung điều lệ.
Tuy nhiên, Công ty Sato chỉ giữ 10% vốn nhưng nhiều lần không tán thành Nghị quyết của Hội đồng thành viên Công ty mà không nêu được lý do chính đáng, trong khi Công ty Sun Wah góp vốn 90% trên tổng số vốn nhưng không thể thực hiện các quyền của mình.
Điều này đã vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, được quy định tại khoản 3 Điều 3 của Bộ luật Dân sự năm 2015 là: "Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí,..". Và cũng chính Điều lệ Công ty tại Điều 20 về Nghĩa vụ của các thành viên hội đồng: Phải bảo đảm lợi ích tối đa của công ty; Trung thành với lợi ích của công ty… không được lợi dụng địa vị, quyền hạn… để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
"Do đó, một thành viên có dấu hiệu không vì lợi ích chung của công ty mà áp dụng quy định hiện tại của điều lệ để nhằm tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác… thì tòa án cần xem xét sửa đổi điều lệ là cần thiết cho đúng quy định của pháp luật", luật sư Lễ nói.