Dân Việt

Tác giả An Thư: “Niềm thương cảm và ẩn ức khiến tôi viết nhiều về những người cùng giới”

Ngô Hương Thảo 28/04/2021 15:11 GMT+7
Tác giả An Thư đã có những chia sẻ về truyện ngắn “Xóm Cồn”, tác phẩm đầy ám ảnh về thân phận của những người phụ nữ Việt qua nhiều thời đại.

Tác giả An Thư tên thật Nguyễn Thị Minh Thúy, sinh năm 1987, hiện đang công tác tại phòng Chuyên đề-Chuyên mục, Đài PT-TH Thanh Hóa. Tuy cầm bút chưa quá lâu nhưng An Thư đã có nhiều truyện ngắn gây tiếng vang trên các tạp chí văn nghệ như "Bồ đoàn đỏ", "Hoa trên đỉnh Pù Ngùa", "Nốt ruồi trên lưng"…

Mới đây, truyện ngắn “Xóm Cồn” của An Thư vào top 41 truyện xuất sắc nhất lọt vào vòng Chung khảo cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với chị về tác phẩm này cũng như tình yêu của chị dành cho nghiệp viết.

Tác giả An Thư: “Niềm thương cảm và ẩn ức khiến tôi viết nhiều về những người cùng giới” - Ảnh 1.

Tác giả An Thư.

Chào chị An Thư, truyện ngắn “Xóm Cồn” của chị đã lọt vào top 41 truyện xuất sắc nhất tranh giải trong vòng Chung khảo cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”. Cảm xúc của chị như thế nào khi nhận thông tin này?

- “Làng Việt thời hội nhập” là cuộc thi có quy mô lớn, quy tụ được rất nhiều tên tuổi nổi bật trên văn đàn tham gia. Tôi lại là cây bút rất mới. Do đó, khi biết tin tác phẩm của mình lọt vào danh sách 41 tác phẩm xuất sắc nhất của cuộc thi này, tôi cảm thấy vui và xúc động.

Vì sao chị biết tới cuộc thi “Làng Việt thời hội nhập” và quyết định gửi truyện ngắn tham dự cuộc thi này?

- Tôi cho rằng Ban tổ chức cuộc thi Làng Việt thời hội nhập đã làm rất tốt khâu quảng bá. Thông tin về cuộc thi tràn ngập trên báo giấy, báo mạng và được chia sẻ rất nhiều trên các trang thông tin, các fanpage, hội nhóm... 

Do đó, không chỉ cá nhân tôi, mà đông đảo công chúng đều biết rõ thông tin về cuộc thi ngay từ lúc mới bắt đầu. Tôi quyết định thử sức ở “Làng Việt thời hội nhập”, là bởi đề tài ý nghĩa và nhân văn mà cuộc thi hướng đến.

Đã rất lâu rồi, nông thôn và thân phận người nông dân mới trở thành đề tài chủ đạo của một cuộc thi văn học có quy mô. Thú thật, lúc đầu, vì là một “lính mới” của làng văn, tôi tham dự chỉ với tinh thần hưởng ứng là chủ yếu. Nhưng thật may mắn, truyện của tôi được  Ban tổ chức chọn in khá sớm và may mắn hơn là lọt vào vòng Chung khảo.

Xóm Cồn” là một truyện ngắn đầy ám ảnh về thân phận của những người phụ nữ Việt qua nhiều thời đại. Dường như đây cũng là đề tài mà chị dành nhiều trăn trở và tâm huyết (trước đó là Bồ đoàn đỏ, Hoa trên đỉnh Pù Ngùa, Hoa gạo của mùa sau, Nốt ruồi trên lưng….). Đâu là nguồn cảm hứng khiến chị viết truyện ngắn này và thông điệp chị muốn truyền tải là gì?

- Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê Bắc Trung Bộ. Quê tôi, cũng như bao làng quê khác, đã, đang tồn tại nhiều quan niệm, lề thói bất công đối với người phụ nữ. Ngay từ lúc nhỏ, tôi đã luôn tự hỏi tại sao phụ nữ lại phải đảm đương gần như mọi công việc nặng nhọc trong gia đình; tại sao phụ nữ lại phải đội trên đầu rất nhiều thiên chức; tại sao phụ nữ thường bị xã hội phán xét nặng nề khi phạm lỗi lầm nào đó…? 

Trong khi đó, đàn ông, dường như có rất nhiều tiếng nói trong gia đình cũng như cộng đồng mà họ sống. Sau này, khi lớn lên, tôi hiểu, những bất công, trái ngang đó là do tàn dư của tư tưởng trọng nam khinh nữ, vốn đã tồn tại dai dẳng trong xã hội Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước, gây nên.

Trong tôi, luôn có niềm thương cảm, đồng cảm, xót xa cho thân phận những con người cùng giới tính với mình. Có lẽ, ẩn ức ấy đã khiến tôi viết về phụ nữ và những câu chuyện buồn của cuộc đời họ một cách rất tự nhiên. Tự nhiên đến mức cứ cầm bút lên là muốn viết.

Nói rằng đấu tranh cho nữ quyền thì e quá to tát, tôi chỉ mong muốn Xóm Cồn của mình góp tiếng nói (dù vô cùng nhỏ bé thôi) nhằm thay đổi dần nhận thức của người đọc về vai trò và vị trí của phụ nữ trong cuộc sống hiện nay.

Chị có mất nhiều thời gian để viết “Xóm Cồn” không, và liệu những nhân vật trong đó có dựa trên nguyên mẫu một người phụ nữ nào đó mà chị đã gặp trong cuộc đời?

- Tôi viết Xóm Cồn trong khoảng 4 ngày; viết gần như một lèo không nghỉ. Truyện có dung lượng gần 10.000 chữ. Có người nói rằng “Xóm Cồn” khá dài và nếu được cắt gọt ngắn đi thì sẽ hay hơn. Tôi rất cảm ơn và trân trọng lời góp ý. Song, ở góc độ cá nhân, tôi nghĩ, Xóm Cồn không chủ đích viết về một nhân vật, trong một thời điểm. Nó là câu chuyện của một đời... Do đó, tôi quyết định giữ nguyên dung lượng của truyện để gửi đi.

Còn về nguyên mẫu của nhân vật trong truyện, tôi cho rằng, chúng ta có thể gặp họ ở bất cứ nơi nào. Người phụ nữ bị mẹ chồng giày vò, người phụ nữ bị chồng bạo hành, người phụ nữ bị chồng phản bội, người phụ nữ bị bố mẹ cấm cản chuyện ly hôn…, họ nhan nhản trong xã hội này, nhất là tại các làng quê.

Sau khi “Xóm Cồn” được đăng tải, phản hồi của những người bạn trong làng văn cũng như độc giả của chị về truyện ngắn này như thế nào?

- Về phản hồi của rộng rãi độc giả thì tôi không rõ. Nhưng khi truyện đăng lên báo Nông thôn ngày nay, bạn bè và các đồng nghiệp của tôi đều dành cho “Xóm Cồn” những sẻ chia, ưu ái. Truyện được đọc trong chương trình "Đọc truyện đêm khuya" của VOV và đăng tải trên nền tảng Youtube, tôi có theo dõi phản hồi của các thính giả (để lại trong các dòng bình luận). Hầu hết đó là những lời đồng cảm. Tôi rất vui vì điều đó.

Cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” đã đi tới chặng cuối cùng. Chị nhận định thế nào về các tác phẩm khác gửi về dự thi?

- Một cuộc thi với quy mô lớn như “Làng Việt thời hội nhập” tất nhiên sẽ thu hút được lượng tác phẩm dự thi lớn. Tôi đọc hầu hết các truyện được chọn đăng trên Dân Việt, mỗi truyện đều đem đến cho tôi cảm xúc mới mẻ, hấp dẫn và thú vị.

Đề tài nông thôn, nông dân từng là một đề tài hấp dẫn với hàng loạt tác phẩm hay, để lại dấu ấn trong lòng người đọc. Thế nhưng, gần đây, mảng đề tài này lại gần như bị quên lãng. Là một người viết trẻ, chị nghĩ thế nào về hiện thực này?

- Như tôi thường tự nhận, tôi là đứa con của ruộng đồng. Bố mẹ tôi là nông dân, tuổi thơ tôi gắn với vùng nông thôn yên bình của xứ Thanh. Làng quê ấy, với những con người thuần phác, hồn hậu đã để lại trong tôi khoảng trời kỷ niệm không bao giờ quên.

Dù hiện nay, mảng đề tài về nông thôn, nông dân không được quan tâm như trước, nhưng đó vẫn là mảng đề tài hấp dẫn, chứa đựng nhiều vấn đề sâu sắc cho người viết khai thác, mổ xẻ. Tôi cho rằng, không chỉ người viết lớn tuổi, mà nhiều người viết trẻ như chúng tôi vẫn tha thiết với đề tài này. 

Những cuộc thi như Làng Việt thời hội nhập chính là cơ hội, là cú hích thúc đẩy chúng tôi viết về nông thôn, về nông dân, về  một phần hồn cốt văn hóa thẳm sâu, bất biến của dân tộc này. Nếu trong thời gian tới, có thêm nhiều cuộc thi như Làng Việt thời hội nhập, tôi nghĩ, rất nhanh thôi, đề tài về nông thôn, nông dân sẽ thực sự trở lại mạnh mẽ trên văn đàn với nhiều tác phẩm có giá trị.

Sau cuộc thi, chị có ấp ủ dự định gì mới với nghiệp viết văn không?

- Nghề chính của tôi là làm báo. Tôi đến với văn chương tình cờ và rất… ngẫu hứng. Văn chương, với tôi đơn giản  là một cuộc dạo chơi đầy háo hức. Tôi chưa tính trước cho tương lai, nhưng vẫn mong cuộc chơi ấy sẽ tiếp tục kéo dài…

Cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" do báo Nông thôn Ngày nay phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, được tài trợ bởi tập đoàn Thaco Trường Hải - Nhà tài trợ kim cương. Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào tháng 5/2020, đúng dịp kỷ niệm 37 năm ngày xuất bản số báo Nông thôn Ngày nay đầu tiên.