Dân Việt

Cựu trung tá đặc công & chuyện bắn rơi máy bay Mỹ

Văn Long 30/04/2021 06:05 GMT+7
Từng bắn rơi máy bay của quân đội Mỹ, không ít lần vào sinh ra tử, cựu trung tá đặc công Nguyễn Đức Phúc (80 tuổi, quê huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) còn là người tiếp quản TP.Đà Lạt (Lâm Đồng).

Một thời máu lửa

Từ trung tâm TP.Đà Lạt, phóng viên di chuyển về hướng hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) để đến khu du lịch Đá Tiên của cựu trung tá đặc công Nguyễn Đức Phúc. Người đã từng có những năm tháng chiến đấu anh dũng thời kỳ chống Mỹ.

Dù đã 80 tuổi nhưng nước da vẫn hồng hào của ông Nguyễn Đức Phúc làm người đối diện phải ngưỡng mộ. Những câu chuyện ông kể về thời chiến, những "chiến tích" mà ông tưởng như đã hy sinh sau từng trận đánh càng làm người nghe ngưỡng mộ hơn.

"Má ơi, có thể con không về nữa, nếu đồng đội con gửi ba lô về cho má là con không còn nữa", đó là câu mở đầu đầy xót xa của ông Phúc khi viết thư về cho mẹ ở quê nhà trước giờ chiến đấu tại đồi An Hà (huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam năm 1965). Ngồi trên chiếc ghế mây, nhấp ly trà nóng, ông Phúc say sưa kể với phóng viên về những ngày chiến đấu ác liệt của mình tại Quảng Nam từ 1963 đến 1968. Thời điểm đó, ông Nguyễn Đức Phúc là trung đội trưởng cảnh vệ, Đại đội trưởng trinh sát 16 tỉnh Quảng Nam.

Cựu trung tá đặc công & chuyện bắn rơi máy bay Mỹ - Ảnh 1.

Bà Hai Trọng rất bất ngờ khi người ngồi bên cạnh mình là ông Nguyễn Đức Phúc, người đã bắn rơi máy bay phía sau nhà mình. Ảnh: Trần Ngọc Trác

"Chẳng những đưa "cần câu", nơi ở cho người đồng bào dân tộc thiểu số, ông Phúc còn mở lớp dạy học, mở nhà nguyện cho người dân để "khai thông dân trí". Chính vì vậy mà ông Phúc luôn được người dân trong làng gọi là Papa".

Nhà văn Nguyễn Ngọc Trác

"Đó là năm 1966, quân đội Mỹ đổ bộ để "bốc" toàn bộ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam (đóng tại thôn 5, xã Phước Tân, huyện Tiên Phước). Khi quân Mỹ đổ bộ, họ dùng pháo, ném bom, bắn nát hết một diện rộng sau đó mới đổ bộ. Nhưng lần đó họ chủ quan, đổ quân theo từng tầng như bậc thang trên một đám sắn. Khi đó, tôi sử dụng khẩu súng 2429 trung liên của Pháp sản xuất để bắn. Tôi bắn chiếc máy bay thấp nhất cách mặt đất khoảng 100m thì nó bị dính đạn. Sau khi dính đạn, chiếc máy bay lảo đảo rồi bùng nổ khiến 4 chiếc phía sau cũng cùng chung số phận. Trong trận đánh đó, tôi diệt khoảng 60-70 lính Mỹ rồi sau đó được phong Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3, được kết nạp Đảng tại chỗ, được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba"- ông Phúc nhớ lại trận đánh khó quên nhất trong đời lính của mình. Không chỉ có 5 chiếc máy bay đổ bộ trên của lính Mỹ, cựu trung tá đặc công Nguyễn Đức Phúc còn bắn rơi 1 chiếc máy bay L-19 trước đó 1 năm.

Năm 1969, ông Phúc được ra miền Bắc, học trường chính trị và trường đặc công. Sau khi học xong, ông tiếp tục vào miền Nam chiến đấu tại Đồng Nai, Lâm Đồng. Từ năm 1973 đến năm 1975, ông là Chính trị viên Tiểu đoàn đặc công 200C, Tiểu đoàn 840 (Quân khu VI). Sau ngày 30/4/1975, ông Nguyễn Đức Phúc là Phó chỉ huy trưởng về chính trị của Thành đội Đà Lạt, Chính trị viên Tiểu đoàn trưởng 186 (Di Linh, Lâm Đồng), rồi đến Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh đội Lâm Đồng, thư ký nội chính, chuyên viên UBND tỉnh Lâm Đồng.

Cựu trung tá đặc công & chuyện bắn rơi máy bay Mỹ - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đức Phúc được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp độ 3 sau khi bắn rơi máy bay năm 1966 (ảnh do nhân vật cung cấp).

Tiếp quản Đà Lạt

Cựu trung tá tiểu đoàn đặc công 200C cho hay, ngày 27/3/1975, ông được giao nhiệm vụ cùng ông Phạm Hoài Chương (Sáu Nam) là Phó Chủ nhiệm chính trị lực lượng vũ trang Quân khu 6 lên TP.Đà Lạt, Lâm Đồng xem xét tình hình nhằm tiếp quản thành phố.

Tuy nhiên, lên đến cầu Đại Ninh (huyện Đức Trọng hiện nay) thì cầu này đã bị quân Việt Nam cộng hòa phá sập. Vì vậy, ông và các đồng đội phải đi cắt rừng men sông Đa Nhim, lên thị trấn Thạnh Mỹ, hồ Tiên, Tam Giác, Dốc Đu vòng lên Trại Mát để vào Đà Lạt đúng ngày 2/4. Sau đó, cầu Đại Ninh được quân ta sửa chữa, lắp ráp lại.

Nhiệm vụ của tiểu đoàn là giữ cho được tài liệu trong Trường Võ bị quốc gia Đà Lạt và Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt không cho lính Việt Nam cộng hòa phá hủy.

Trao đổi với phóng viên NTNN nhà văn – nhà báo Nguyễn Ngọc Trác, cựu Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: "Lần đầu tiên gặp và trò chuyện thì chưa thực sự tin những câu chuyện của ông ấy. Bởi lẽ, cách kể chuyện của ông ấy cứ như là đùa. Vì vậy, tôi đã quyết định phải đi kiểm tra tất cả các nơi mà ông tham gia chiến đấu, xác thực những câu chuyện mà cựu trung tá đặc công này kể. Rất mừng những thông tin đó đều là sự thật.

Đặc biệt, tôi đã gặp được người chứng kiến việc ông Phúc bắn rơi 1 chiếc máy bay rồi khiến 4 chiếc khác rơi theo. Đó là bà Hai Trọng "Việt cộng bắn chứ ai. Thằng Phúc bắn. Hắn thua tui năm sáu tuổi, người nhỏ con, trắng như cục bột, rứa mà hắn bắn giỏi", tôi chứng kiến bà Hai Trọng nói về ông Phúc tại thôn 5, xã Phước Tân. Sau này tôi còn được gặp ông Minh, hiện ở thị trấn Thạnh Mỹ (Đơn Dương) – người có mặt hôm đó, cũng là người kết nạp Đảng ông Phúc tại mặt trận".

Không chỉ về Quảng Nam, nhà văn, nhà báo Trần Ngọc Trác đã cùng ông Phúc về Bình Thuận, Tây Ninh, núi Bà Đen, nơi mà ông tham gia chiến đấu ác liệt nhất để xác thực những mẩu chuyện mà ông Phúc kể và viết nên cuốn sách "Nguyễn Đức Phúc – chuyện thật như đùa" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2018).

Là một người lính từng nhiều lần vào Nam, ra Bắc, được sự cưu mang, giúp đỡ của nhiều người đồng bào trong nhiều trận chiến. Vì vậy, ông Phúc luôn canh cánh trong lòng việc giúp đỡ, hỗ trợ cho người dân tại địa phương.

Cựu trung tá đặc công & chuyện bắn rơi máy bay Mỹ - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Đức Phúc (giữa) đang đứng bên khẩu pháo trên cao điểm lồ ồ sáng 10/12/1974. Ảnh: Trần Ngọc Trác


"Sau khi về hưu, tôi đã thành lập Công ty du lịch dã ngoại Phương Nam. Hiện nay, tôi quản lý 3 khu du lịch tại Đà Lạt, Đức Trọng và Lâm Hà. Các khu du lịch này đều chủ yếu dựa vào rừng để giữ rừng và tạo công ăn việc làm cho người dân tộc thiểu số bản địa"- ông Phúc tâm sự.

Đặc biệt, sau khi về hưu, ông Phúc đã xin chủ trương của UBND tỉnh Lâm Đồng nhận khoán 355ha rừng. Sau khi được nhận khoán, ông Phúc đã lập làng Darahoa dưới chân núi Voi (huyện Đức Trọng). Ông lần lượt đi tìm bà con dân tộc thiểu số người Chill, Lạch về sinh sống trong làng. Không những thế, nhiều người theo Fulro cũng được ông Phúc kêu gọi, thuyết phục về định canh, định cư tại làng Darahoa.

Sau khi đồng bào người dân tộc thiểu số về sống tại làng Darahoa, ông Phúc chia cho mỗi nhà khoảng 1ha đất. Trong đó, một nửa trồng cà phê, một nửa nuôi bò, lợn gà để trang trải cuộc sống. Không những thế, ông Phúc còn bỏ tiền ra đầu tư đường ống nước dài khoảng 7km dẫn nước từ đỉnh núi Voi về làng để người dân sinh hoạt và tưới tiêu. Hiện nay, ông Phúc vẫn không nguôi nỗi nhớ đồng đội, những người đồng bào đã giúp đỡ mình trong những lúc nguy hiểm, cái chết cận kề. Chính vì thế, ông vẫn thường xuyên tìm về những người đồng đội còn sống, thăm chiến trường xưa… Trong những lần nhâm nhy ly cà phê, ông Phúc vẫn kể về những kỷ niệm, những câu chuyện về đồng đội của mình.