Việc đầu tiên là mua quần áo tết. Nếu mua vải, may dần là vừa. Giáp tết, nhiều hàng, đường may cũng ẩu hơn, chả lấy đâu ra đẹp.
Những năm trước, hợp tác xã còn phân phối vải. Đỡ được công mua. Đỡ được một khoản. Tuy nhiên, vải hợp tác bao giờ cũng lộ cộ. Không đẹp như hàng chợ. Năm nào được những súc vải màu tươi tắn, mới nhìn quần áo đã thấy háo hức tết. Có năm, chỉ độc một loại. Cả xe vải lớn, mỗi một màu xỉn xỉn, đục đục, y chang màu cứt ngựa. Đã thế, chất vải lại xấu, vừa nhăn, vừa mỏng. Mùng một tết, trẻ con, người lớn, từng tốp rồng rắn kéo nhau đi chúc tết. Nhìn đám quần áo nhàu nhàu, nhuôm nhuôm, đã thấy rầu cả người. Dù ông thợ khéo may diêm dúa cổ bướm, tay bồng, nhìn vẫn hãm. Trông ai cũng tai tái, nhờ nhợ như người thể trạng yếu. Nhiều người bảo rõ chán, vải mới vóc, nhìn như đàn khỉ cả lượt. Mong nhanh hết ngày để thay bộ khác. Cái quần, cái áo, dù có lộn gấu, lộn cổ, bích kê, bích mông vẫn ra màu hồn cốt… Chuyện cũ kể lại thấy buồn cười. Song còn chuyện quần áo ghép cũng hài không kém.
Vẫn là ngày ấy khó khăn. Mỗi lần cầm miếng vải mới đi may, đặt lên, đặt xuống chán chê. Đắn đo, tính toán xem may kiểu gì, may thế nào, may chỉ một bộ dài hay hai cái, vừa nhỡ, vừa cộc cho trẻ con, thêm cái quần đùi, cái áo ba lỗ. Còn nữa, thêm cái túi để đựng cho tiện. Vừa đo vừa dặn, dặn đi dặn lại, bác cứ lựa cho em, thừa tí nào để lần sau em may cho cháu cái áo. Mấy lần may, lãi được cái áo ghép cho con. Áo ghép đủ kiểu. Ghép hai vạt trước, mỗi vạt một miếng. Ghép vạt lưng chạy tới cầu vai. Ghép cổ lá trong, lá ngoài. Ghép hai ống tay, ống nọ, ống kia. Giơ cái áo lên, thoạt trông như váy bà chằng, bà đụp. Hí hửng có áo mới, thằng bé chưa mặc đã phụng phịu, mêu mếu. Đến nước ấy, mẹ phải gắt lên để át đi: "Có cái áo này mặc đã tốt! Chê cái gì?". Quả nhiên, vừa thập thò đầu ngõ. Cả bọn thấy lạ kéo đến ngó lơ, nhìn trước, nhìn sau. Bỗng đứa reo lên: "Ê! Thằng thổ mừ!". Bỏ cả cuộc chơi, thằng bé cắm đầu, cắm cổ chạy về khóc bắt đền mẹ. Mẹ lại lấy tấm gương to bằng liếp ra dỗ dành "Áo đẹp thế này. Mày ra hỏi con nhà chú Tình, cô Tơ xem có áo như thế này mà mặc không?".
Năm ấy, mẹ đi chợ tết. Thay vì mua vải về may như mọi năm. Mẹ chọn hàng quần áo may sẵn. Bố được cái quần ka ki màu xanh bộ đội. Mẹ được cái quần thun may kiểu tân tiến ống đứng. Tôi cũng được một cái quần và một cái áo vải kate mặc vài lần đã quăn tít. Thằng Thiện em tôi được một bộ khá bảnh. Một áo sơ mi trắng và một cái quần vải xanh chéo may kiểu âu để sơ vin.
Đối với trẻ con, cứ có quần áo mới là vui như tết. Có quần áo tết là hết ngõm ngọ đòi mua thứ này, thứ kia. Cũng biết thời gian tuần tự nhưng ngày nào cũng mong tết. Mong tết để được diện quần áo đẹp và đạp xe đạp đi chơi. Mong từng ngày. Ngày nào cũng lấy hòn phấn đánh dấu lên tường. Buổi tối, trước đi ngủ, xem còn bao nhiêu ngày. Sáng mai, ngủ dậy lại gạch xóa, trừ đi một ngày. Trong đầu luôn thấp thoáng hình ảnh bộ quần áo đặt ở góc hòm. Mỗi ngày đi học lại thấy vui nhộn hơn. Thỉnh thoảng lên cơn hâm, hai chị em lại lấy quần áo ra tự sướng với nhau. Hết đi đi lại lại trong nhà, ngoài sân, lại trèo lên ghế soi gương cho nhìn thấy cả người. Chán soi gương lại ra sân chơi trò diễn kịch. Một hôm không may, thằng Thiện trèo ghế bị trượt chân ngã. Nó lăn một vòng rồi sấp vào góc nhà, đúng chỗ để đồ thợ mộc của bố. Cái túi áo trắng trùm gọn lên cuộn dây mực đen sì. Hai chị em loay hoay đem ra giặt, xát đến nửa bánh xà phòng bảy hai mà vẫn còn hõm vào một vệt.
Mong từng ngày thì lâu. Song tết ập cũng nhanh. Sáng mùng một tết. Việc đầu tiên của hai chị em là xem bố đốt pháo. Cũng thật lạ những trò của trẻ con. Pháo của nhà, đốt trong sân nhà, ấy thế thi nhau sấn sổ xông vào cướp pháo. Bánh pháo dài bằng sải tay nổ giòn giã, đì đì, đoàng đoàng một lát đã hết vèo. Thu pháo xịt xong, cả hai đứa nhanh nhanh chóng chóng chạy vào buồng lấy quần áo. Cái hòm kê cao nên thằng Thiện chỉ nhìn được ngấp nghế. Còn tôi phải nghển lên, thò đầu vào mới nhấc được quần áo ra. Chiếc hòm gỗ ấy chỉ để những thứ quý của cả nhà và quần áo để dành mỗi khi đi ăn cỗ hay hội hè đình đám. Nhà có bốn người, mỗi người để gọn một góc. Tôi lấy của tôi trước. Đến lượt thằng Thiện, tôi phải giữ ngang người để nó chui đầu vào. Nhưng thật quái lạ. Vẫn chỗ ấy mà nó không thấy. Nó bới tìm chỗ khác cũng không có. Mỗi lần hai chị em mang ra mặc đều gấp lại cẩn thận. Hôm cái áo bị vết cũng chờ khô rồi cất luôn. Giờ không thấy đâu. Cu Thiện sợ quá la toáng lên gọi mẹ. Cả bố, cả mẹ chạy vào ngạc nhiên. Tại sao lại không thấy? Ai lấy vào đây? Sao có thể mất được? Mẹ vẫn bảo tháng Chạp là tháng củ mật. Tháng củ mật nên phải cẩn mật. Tối đến cổng cửa phải kiểm tra kỹ. Nó mà vào khoắng đi hết thì mất tết. Đã thế, nhà gần cánh đồng, kẻ trộm càng rộng đường chạy. Hay là, đã có thằng nào đột nhập vào nhà? Nhưng nó phải lấy những thứ quý hơn chứ. Tại sao nó lại lấy mỗi một bộ quần áo trẻ con? Thật vô lý? Hay là, hôm phơi cái áo bị bỏ quên rồi đêm mất. Song, nếu mất áo, vẫn còn quần… Bao nhiêu câu hỏi đặt ra. Cuối cùng, mẹ đành an ủi, hứa tết xong đi mua bộ mới bù vào. Dỗ dành ngon ngọt, mãi cu Thiện mới chịu nghe nhưng vẫn dằn dỗi, phụng phịu. Bộ quần áo tết coi như không cánh mà bay. Tuy nhiên, cuối cùng tôi đã thấy nó trong một trường hợp đặc biệt.
Nhà tôi ngày ấy ở cuối làng. Đất thuộc diện đất rau trước đây. Các nhà trong xóm đều là các cặp vợ chồng trẻ. Hai vợ chồng lấy nhau mới được mấy năm. Nay bố mẹ tách ra, cho ra ăn riêng, ở riêng. Mới riêng rẽ, hai bàn tay trắng nên hầu như nhà ai cũng khó khăn. Sêm sêm cùng lứa, cùng điều kiện hoàn cảnh nên mọi người đối đãi với nhau rất tốt. Ai cũng bảo bán anh em xa mua láng giềng gần. Tối lửa, tắt đèn có nhau. Cả xóm đoàn kết vui vẻ. Nhà ai có công việc, cả xóm xúm vào nhiệt tình hơn cả ruột thịt. Từ các bố mẹ, lũ trẻ cả xóm chơi với nhau cũng rất hòa thuận, giúp đỡ nhau, ít khi cãi cọ.
So với các nhà trong xóm, nhà tôi thuộc diện kinh tế khá hơn. Bố tôi làm thợ mộc. Mẹ tôi đi chợ rau. Cả xóm, mỗi nhà tôi có một gian gác hai tầng và nhà mái buông hiên. Nghèo nhất xóm là nhà chú Tình, cô Tơ. Nhà sáu nhân khẩu mà chỉ có hai gian cấp bốn. Một thằng lại bị bệnh. Mỗi lần tức khí nhau, bọn trẻ con lại réo tên cả nhà: Tơ, Tình, Tinh, Tường, Tính, Tịnh. Thằng Tinh là lớn nhất. Năm ấy, nó hơn mười tuổi. Nó bị bệnh tim bẩm sinh nên gầy yếu, chỉ nhấp nhỉnh bằng thằng Thiện nhà tôi bảy tuổi. Năm nào, cô chú ấy cũng phải đem nó đi viện. Càng lớn, bệnh nó càng nặng. Mặt nó lúc nào cũng tím đen lại như mào con gà trống đã bị cắt tiết. Kiếm không được bao nhiêu nên cô chú ấy phải vay tín dụng xã, vay họ hàng để lấy tiền chữa trị. Nhà lúc nào cũng túng quẫn. Nhiều bữa, bọn trẻ phải nhịn đói. Cái ăn còn đói, nói gì đến cái mặc. Quanh năm ngày tháng, mấy anh chị em toàn mặc quần thừa, áo vá. Tết đến, đứa bé nhất cũng chẳng được mua quần áo bao giờ. Tết năm ấy, hai vợ chồng cô chú phải ở lại bệnh viện trông thằng Tinh. Bác sĩ chỉ định chờ qua tết sẽ mổ. Ba mươi tết, cô Tơ từ bệnh viện về nhưng không lo tết mà lo tiền cho ca phẫu thuật.
Tết đang vui. Không khí trong làng, ngoài xóm vẫn tưng bừng nhộn nhịp. Người đi, kẻ lại gặp nhau hể hả, chúc tụng. Vậy mà, đùng một cái, tin thằng Tinh con nhà Tình Tơ bị bệnh viện trả về như sét đánh giữa làng. Ai cũng sững sờ đến rụng rời. Bệnh tình thằng bé trước sau cũng không qua khỏi nhưng không ngờ đột ngột đầu năm thế này. Trong lúc, cả hai cô chú vẫn ở bệnh viện làm thủ tục đưa con về thì ở nhà đã chật sân người đến hỏi thăm.
Hàng ngày lũ trẻ con vẫn chơi với nhau. Bao giờ cũng có thằng Tinh góp mặt. Giờ nghe tin nó chết, cả lũ trẻ con sợ rúm lại. Trước đây, những buổi tối sáng trăng vẫn gọi nhau í ới để ra chơi cùng. Từ khi Tinh mất, đứa nào cũng sợ, chỉ ru rú trong nhà. Ban ngày còn không dám đi qua nhà nó.
Tôi còn nhớ như in. Chiều ấy, một xe ôtô trắng toát có khắc hình chữ thập đỏ to như cánh cửa sổ đỗ xịch ở đầu ngõ. Mấy người mặc quần áo trắng bác sĩ chuyển cáng xuống rồi đẩy xe vào nhà. Bình khí ôxy để thở vẫn đặt phía đầu. Thật ra, bình khí
ôxy chỉ là hình thức. Gia đình phải làm vậy để được đưa nó về nhà. Nếu không, phải đưa ra nhà quàn ở nghĩa địa. Mấy bác sĩ chờ người nhà ổn định và thanh toán xong thì rút bình ôxy mang đi. Khách vừa ra đến cửa, tiếng khóc bắt đầu trào lên. Ai cũng khóc, cũng gọi tên em thảm thiết. Nghĩ đến cảnh vĩnh viễn không bao giờ được nhìn thấy em. Em không còn được chơi vui, được đứng xem mọi người. Ngày mai, em bị chôn dưới đất sâu. Vĩnh viễn không còn được về nhà. Mình em ở lại cánh đồng đêm tối… Nước mắt tôi trào nức nở. Lúc đó, tôi không còn sợ sệt gì nữa. Tôi đã lách qua mọi người để vào đứng gần em, nhìn em lần cuối. Thường ngày, khuôn mặt em tím sịm. Thỉnh thoảng, đang đứng, em lại cong người lại, tay giữ chặt vào ngực, mặt cau có vì bị lên cơn đau. Lúc ấy, nhìn em nằm trên giường bình thản như đã khỏi bệnh. Da mặt trăng trắng. Vẻ mặt ngoan ngoãn. Khóe miệng như hơi nhếch cười. Có lẽ, từ nay em không phải chịu những cơn đau hành hạ ngất lên, ngất xuống nữa. Nhìn em, lòng tôi dâng lên một tình thương yêu vô cùng. Tôi cũng chẳng còn cảm giác em đã mất. Chưa khi nào, tôi thấy chị em gần gũi, thân thiết đến thế. Tôi muốn được đặt tay lên ngực em cho đỡ đau. Muốn được nắm lấy tay để động viên em cố gắng. Nhưng tôi không dám. Ngắm em một lúc lâu, tôi chợt giật mình vì bộ quần áo của em. Chưa bao giờ em được mặc quần áo đẹp. Lúc nào em cũng mặc những bộ rộng thùng thình của đứa lớn tuổi hơn. Cái áo lem nhem dính đầy vết khoang khuyếch. Cái quần tơ tướp dưới gấu và còn bị vá ở gối, ở mông. Đây là lần đầu tiên em được mặc bộ quần áo vừa vặn. Có lẽ, đây cũng là bộ quần áo tết. Tết đầu tiên em diện quần áo mới. Tôi thấy nhen vui vì điều này. Bỗng, mắt tôi đập vào đúng vệt lõm đen mờ mờ ở túi áo ngực. Nhìn nhanh xuống phía dưới, chiếc quần vải xanh may kiểu đồng phục có hai túi chéo và có mấy đỉa để luồn thắt lưng da. Tôi hơi ngờ ngợ. Quần có thể may giống nhau. Nhưng áo có vết lõm đen ở ngực thì không thể giống nhau được. Chính tôi đã giặt hộ áo của Thiện. Tôi còn đưa lên soi xem vết đã sạch chưa. Mắt tôi tự nhiên hoa lên. Tôi đang bị nhầm lẫn hay đây là sự thật? Chẳng lẽ, đây là bộ quần áo của em Thiện nhà tôi? Bộ quần áo để tận trong góc hòm mà tự nhiên bay đi một cách kỳ lạ. Nay chủ nhân của nó lại là em Tinh. Em đang nằm đây chờ tới giờ đưa vào quan. Ngày mai, em vẫn mặc bộ quần áo này để ra đồng, để về bên kia thế giới. Người tôi rũ xuống. Tôi không dám nhìn lại bộ quần áo. Tôi sợ chính mình mới là kẻ phạm tội. Tôi lặng lẽ chắp tay lạy em lần cuối và ra ngoài. Những hôm sau đấy, lòng tôi băn khoăn tự hỏi ai đã lấy bộ quần áo ấy. Chú Tình hay cô Tơ, hay thằng Tường, cái Tính? Rồi tôi lại gạt đi sự nghi ngờ ấy. Bố mẹ tôi vẫn khen chú Tình, cô Tơ là người biết trên, biết dưới, biết cư xử đường ăn ý ở. Mấy đứa nhà cô chú vẫn sang nhà tôi chơi nhưng ngoan ngoãn, lễ phép, không dám tắt mắt cái gì bao giờ. Hay đã có phép màu nào để linh hồn thằng Tinh bay vào nhà lấy bộ quần áo ấy?
Một mất mười ngờ. Cuối cùng, sự thật đã được sáng tỏ. Hôm ấy, tôi vừa đi học về. Định bước vào nhà thì nghe có tiếng khóc sụt sịt. Tôi nép lại bên ngoài chầu chực. Trong nhà, bố mẹ tôi đang ngồi cùng chú Tình, cô Tơ.
- Chị ơi! Em ân hận lắm. Em có lỗi với con. Em làm mẹ nó… (cô Tơ lại khóc nức nở).
Mẹ tôi chùi tay mũi sụt sụt để an ủi cô Tơ. Mẹ nhắc lại việc đến đám tang của Tinh cũng được chu đáo. Chuyện chị em trong xóm đến giúp không thiếu ai. Chuyện ngày tết nhưng không ai kiêng cữ gì, làng trên xóm dưới vẫn đến khắp mặt hỏi thăm… Đến lượt Cô Tơ kể lại chuyện ở bệnh viện được các bác sĩ giúp đỡ. Chuyện thằng Tinh dặn dò mẹ, động viên mẹ như nó biết việc sẽ xảy ra. Rồi cô Tơ ngừng hẳn chuyện nói với mẹ tôi, giọng nghèn nghẹn:
- Chị ạ. Lúc mặc quần áo cho con, em đã nói dối nó. Em bảo đây là bộ quần áo mới mẹ mua cho con. Hôm nay là mùng một tết, mẹ mặc cho con diện tết. Cứ diện bộ này, khi nào mổ xong, lại mặc về nhà, coi như vẫn còn tết. Lúc ấy, mắt nó sáng lên. Miệng nó cười rất tươi. Nó ngắm nghía mãi không dứt mắt… Ới con ơi! Ới Tinh ơi! Mẹ có lỗi với con!... (Cả mẹ, cả bố, cả chú Tình ai cũng quay đi để lau nước mắt).
Chờ cô Tơ bớt nghẹn ngào, mẹ tôi tiếp lời:
- Cũng may kịp hôm em về. Nhìn em, chị linh cảm sắp có điềm dữ. Trời đã run rủi con sống khôn, chết thiêng. Lúc ấy, chị lóe ra ý nghĩ nếu con mệnh hệ không qua khỏi, lại vào tết nhất, ai còn may mặc gì. Việc quần áo cho con cũng phải tính trước. Vả lại, cũng là tết. Thằng Thiện không mặc tết năm này thì sang năm nó mặc, có sao đâu. Mấy hôm nữa hai mẹ con đi mua một bộ.
- Chị để chúng em gửi…
- Em ơi!... Chị đã nói ngay từ đầu. Con em cũng như con chị. Đau lòng lắm! Mất hết cả tình bây giờ.
Nuốt từng lời của mẹ, của cô Tơ, nước mắt tôi trào ra. Chân tôi chùn lại như bị chuột rút. Tôi vừa thương em Tinh. Vừa ân hận vì đã nghĩ sai về cô chú và các em bên đấy. Nghĩ lại những lần đối xử vẻ coi thường em Tinh và các em nhà bên ấy, tôi lại càng ân hận. Có lần tôi mang bánh kẹo đi ăn, Tinh nhìn tôi thèm thuồng nhưng tôi đã vênh mặt quay đi…
Có nhiều việc vẫn ân hận theo thời gian. Song cơ hội để giúp người trong kiếp nạn tử sinh, chỉ là tích tắc. Tình người được vun lên thành lòng tốt khi có sự yêu thương, sẵn chia sẻ hy sinh, sẵn thiệt mình vì người khác. Tôi cảm ơn mẹ suốt đời này vì việc mẹ đã làm. Vì việc mẹ đã hóa giải phần nào nỗi ân hận của tôi. Mẹ đã kịp đem lại niềm vui cuối cùng cho em Tinh.
Nhiều lần sau này, tôi đã mơ thấy em trở thành thiên thần bay bay trên bầu trời. Em vui tươi rạng rỡ như muốn khoe với tất cả mọi người bộ quần áo mới ấy. Cả những lần về thăm nhà, đứng xem bọn đàn em nô đùa, em vẫn mặc bộ quần áo tết ấy. Mỗi lần nhìn thấy em, tôi muốn gào lên, muốn hét thật to: "Tinh ơi! Em về nhà đi! Em đừng đi nữa Tinh ơi!". Nhưng, chợt nhớ đến điều bí mật em đang mang trên mình, miệng tôi đắng lại, rưng rưng. Bí mật ấy mãi mãi là của em. Mãi mãi là của tôi trong sự ân hận.
Xuân Tân Sửu 2021