Dân Việt

"Phim chiến tranh Việt mất sức hút vì khả năng yếu kém của người làm"

Hải Anh 30/04/2021 06:59 GMT+7
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng lý giải về nguyên nhân dẫn đến việc phim đề tài chiến tranh và người lính vắng bóng tại các rạp chiếu những thập kỷ trở lại đây.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng từng làm nhiều bộ phim lấy đề tài chiến tranh như Đường thư (2004), Hà Nội Hà Nội (2005), Những người viết huyền thoại (2013)... Từ kinh nghiệm tích lũy sau gần hai thập kỷ làm nghề, đạo diễn Bùi Tiến Dũng đã có những chia sẻ về dòng phim lấy đề tài chiến tranh và người lính được nhà nước đầu tư, đặt hàng sản xuất.

"Đa số phim Việt lấy bối cảnh quá khứ đều xạo, giả trân"

Trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, dòng phim về chiến tranh với người lính dần mất đi sức hút với khán giả. Từ quan điểm cá nhân, anh nghĩ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do kịch bản chưa đủ hay, đề tài kén khán giả, hay do giới làm phim Việt không đủ tài năng?

    - Việc phim chiến tranh và người lính mất đi sức hút đến từ nhiều lý do. Nhưng theo tôi, hai nguyên do lớn nhất chính là sự thay đổi của thời đại và năng lực nhà làm phim.

    Thứ nhất là do thời đại. Tức lựa chọn giải trí của khán giả ngày nay đã đa dạng hơn. Các phương tiện giải trí chất lượng cao xuất hiện nhiều hơn, đề tài làm phim cũng phong phú hơn. Thứ hai là do khả năng yếu kém về con người dẫn đến chất lượng tác phẩm điện ảnh thấp.

    Đại đa số phim Việt Nam khai thác bối cảnh quá khứ đều bị xạo, giả trân từ câu chuyện đến diễn xuất. Mà với phim về chiến tranh và người lính thì điều này gây phản cảm. Nhiều phim thì ngược lại, nhàm chán, thật thà đến ngốc nghếch. Chính vì vậy mà phim rất khó phát hành.

    "Phim chiến tranh Việt mất sức hút vì khả năng yếu kém của người làm" - Ảnh 1.

    Trong hai mươi năm trở lại đây, phim về đề tài chiến tranh và người lính vắng bóng tại các rạp chiếu thương mại. Ảnh: VFS.

    Điều đó cũng lý giải cho việc phim chiến tranh đang gần như bị "xóa sổ" trên thị trường?

    - Có thêm 3 nguyên nhân khác. Nguyên nhân thứ nhất là tư duy và cách quản lý các dự án quá dễ dãi. Phim làm mà không có sự giám sát và thẩm định chất lượng từng giai đoạn. Các nhà làm phim không bị chế tài từ người đặt hàng, vì thế chất lượng sản phẩm cuối cùng không cao.

    Nguyên nhân thứ 2 là chính sách nhập khẩu phim không hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong nước. Ai cũng có thể nhập khẩu phim và nếu chẳng may có vấn đề phát sinh, họ phải chịu rất ít hậu quả.

    Nguyên nhân thứ 3 là chính sách kiểm duyệt có nhiều bất cập. Điều này khiến cả hội đồng duyệt phim lẫn các nhà làm phim rất khó làm đúng với chuyên môn của mình. Dù chúng ta đã có Luật Điện ảnh và cơ chế phân loại phim, những khái niệm mơ hồ như "vấn đề nhạy cảm" hay "ngôn từ đụng chạm"... vẫn tồn tại trong hội đồng duyệt hay nhà sản xuất.

     Lẽ ra, đề tài chiến tranh và hình tượng người lính phải dễ chạm đến trái tim khán giả, dễ tạo ra sự rung cảm, dễ truyền cảm hứng bi tráng. Tại sao chúng ta lại không thể có được phim chiến tranh hay?

      - Tôi đã làm nhiều phim lấy đề tài chiến tranh và người lính, ở cả mảng điện ảnh cũng như truyền hình, và thấy cũng đơn giản. Làm phim hành động hay chiến tranh chỉ cần có một câu chuyện hay, diễn viên tốt và cộng sự giỏi là ổn. Việc còn lại là nắm chắc lịch sử và phục dựng khung cảnh chiến tranh làm phông nền cho câu chuyện, vậy là xong.

      Hàng bao nhiêu thập kỷ đã trôi qua, phim chiến tranh vẫn là phim nhà nước đặt hàng, chiếu vào ngày lễ cho xong...?

      - Phim chiến tranh với chế độ kiểm duyệt và hạn mức đầu tư nhất định rất khó để làm thương mại. Việc chiếu vào dịp lễ cũng tốt. Hiệu quả phổ biến phim đến đâu không quan trọng, hiệu ứng chính trị và tư tưởng dân sinh mới là quan trọng.

      Cuối cùng thì phim cũng chỉ là phim, chúng ta làm gì cũng vậy thôi, phải phục vụ mục tiêu của nhà đầu tư và sản xuất.

      "Phim chiến tranh Việt mất sức hút vì khả năng yếu kém của người làm" - Ảnh 2.

      Một cảnh trong phim Những người viết huyền thoại. Ảnh: VFS.

      So sánh sẽ là khập khiễng, nhưng điện ảnh thế giới, như Hàn Quốc chẳng hạn, họ từng có những bộ phim về hình ảnh người lính gây bão với khán giả. Hình tượng người lính - vốn là một nam chính mạnh mẽ, quả cảm, dễ rung động bậc nhất. Nhưng ở phim Việt Nam, hình tượng người lính vẫn bị gò ép, rập khuân theo công thức, gắn liền với các cuộc chiến?

      - Không! Mỗi phim một khác. Chỉ là vì các tác phẩm vẫn kể về hình tượng ấy, cuộc chiến ấy mà ta cảm thấy giống nhau thôi. Thực chất, mỗi nhân vật đều có một số phận thú vị. Chẳng qua là có quá nhiều phim bắt chước và nhạt nên ta cảm thấy nó rập khuôn hay giông giống nhau thôi.

      Hình ảnh người lính xây dựng theo những công thức khô cứng có khó tạo sự đồng cảm với thanh niên hiện đại, với những nhu cầu và suy nghĩ đa dạng hơn rất nhiều?

      - Người lính nào cũng vậy, cầm súng ra trận là bất đắc dĩ. Chẳng ai muốn chiến tranh cả. Đề tài chiến tranh vẫn luôn có tập khán giả riêng của nó. Và nếu đã làm phim chiến tranh thì phải xác định sản phẩm sẽ không phổ biến đại trà như phim thương mại.

      Anh có nghĩ chính các nhà làm phim đang "định kiến" về đề tài này, và "định kiến" với chính khán giả của dòng phim chiến tranh? Phim Việt đang quá cũ về cách nhìn và góc tiếp cận đề tài.

        - Bộ phim Khúc mưa mới ra mắt của tôi được làm với tinh thần này. Nhân vật người lính trong bộ phim ấy cũng ngây thơ, bồng bột, toan tính và thậm chí với khán giả, ông ấy còn đáng ghét nữa... Nhưng xem hết phim khán giả mới hiểu, yêu và kính trọng ông ấy.

        "Chọn diễn viên hợp vai là cách làm lười biếng"

        Các đạo diễn gần đây nhận xét họ khó chọn nam chính. Dù có một kịch bản về nam chính cá tính, mạnh mẽ, thì cũng rất khó để tìm được diễn viên hợp vai. Quan điểm của anh về vấn đề này?

          - Tôi nghĩ là vẫn có nhiều diễn viên nam rất giỏi, chỉ có điều đạo diễn đã đủ tài năng tạo đất diễn để họ đồng cảm và thể hiện tốt vai diễn hay chưa thôi. Diễn viên hợp vai là cách lựa chọn lười biếng nhất. Tôi thực sự không thích làm điều này. Tôi thích làm ngược lại, nó thực sự thú vị hơn nhiều.

          Tôi đã chọn Tuấn Tú trong Đường thư, Quốc Thái trong Những người viết huyền thoại, Mạnh Trường trong Đường lên Điện Biên... Họ đều xù xì, gai góc trên phim, nhưng ngoài đời thì trẻ trung, lịch lãm như bạn đã thấy.

          Diễn viên là cái phôi nền tốt, mình phải biết cách đưa họ vào tình huống và không gian thật nghiệt ngã của câu chuyện. Việc còn lại là của họ. Rồi họ sẽ phải tư duy và hành động, rồi họ quên mất là mình đang hóa thân...

          "Phim chiến tranh Việt mất sức hút vì khả năng yếu kém của người làm" - Ảnh 3.

          Bộ phim Khúc mưa của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng tham vọng khai thác câu chuyện chiến tranh dưới góc nhìn hậu chiến. Ảnh: ĐAQĐND.

          Với bộ phim "Khúc mưa", anh cảm thấy làm phim về đề tài người lính theo cách truyền thống - với mốc thời gian quá khứ dễ hơn - hay theo đuổi đề tài hậu chiến, khi lằn ranh ta và địch đã khác đi, dễ hơn?

          - Mỗi cách tiếp cận đều có cái hay riêng. Khi tôi làm một phim, tôi đề cao tính cảm xúc và triết lý câu chuyện mình kể thông qua xử lý tình huống, chi tiết và số phận của từng nhân vật. Vì thế dù là chiến tranh hay hậu chiến thì cũng phải bỏ ra rất nhiều tâm sức xây dựng được một thứ đáng để khán giả bỏ ra 2 tiếng ngồi xem.

          Không gì là dễ dàng khi ta đã sống đủ lâu để nhìn mọi thứ trong chiều sâu tư duy của nó rồi dùng trí não mình kể lại cho người khác với nền tảng tư duy khác mình. Thành công chính là khiến họ cảm nhận được điều gì đó mà hàng ngày vẫn nhìn thấy nhưng không nhận ra. Điều này luôn là khó vô cùng. Bây giờ và sau này, rất là khó đấy!