Trong một thông cáo báo chí, FAS chỉ ra rằng công ty có trụ sở tại Cupertino đã bị kết tội lạm dụng vị trí thống lĩnh trong việc phân phối các ứng dụng di động trong iOS thông qua một loạt quyết định dẫn đến lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm của chính họ, đồng thời làm xấu đi các điều kiện quảng bá sản phẩm từ các đối thủ cạnh tranh khác.
Án phạt bắt nguồn từ một phán quyết hồi tháng 8/2020 cho rằng, Apple đã lạm dụng vị trí thống trị trên App Store và hạn chế cạnh tranh, cấm ứng dụng kiểm soát của phụ huynh vào năm 2019.
Công ty an ninh mạng Kaspersky Lab đã đệ đơn khiếu nại chống độc quyền lên FAS sau khi Apple xóa ứng dụng kiểm soát con trẻ Safe Kids App Store. Vào thời điểm đó, Apple cũng đã phát hành tính năng cạnh tranh của riêng mình có tên gọi Screen Time như một phần của iOS 12.
Cuối cùng, tòa án Nga đã xử Kaspersky thắng kiện và yêu cầu Apple thực hiện khoản tiền bồi thường hơn 12 triệu USD vì vi phạm chống độc quyền. Ngoài ra, Apple sẽ buộc phải thay đổi các điều khoản và điều kiện của riêng họ liên quan đến hành động cho phép công ty "từ chối các ứng dụng của bên thứ ba khỏi App Store vì bất kỳ lý do gì, ngay cả khi chúng đáp ứng mọi yêu cầu". Tòa án cũng yêu cầu Apple đảm bảo rằng "các ứng dụng nội bộ không được ưu tiên hơn các ứng dụng của bên thứ ba".
Các quan chức Nga đã công nhận chính sách của Apple trong App Store là phân biệt đối xử
Rõ ràng, Apple đã ngăn cản sự cạnh tranh và tạo ra một môi trường đặc quyền cho các ứng dụng nội bộ và có lẽ công ty sợ rằng, ứng dụng của bên thứ ba sẽ tốt hơn ứng dụng nội bộ và dễ thay thế nó; đồng thời điều này sẽ làm hỏng hình ảnh của công ty.
Apple đang kháng cáo và nói với hãng thông tấn RIA Novosti rằng công ty "tôn trọng Cơ quan Chống độc quyền Liên bang (FAS) của Nga, nhưng không đồng ý với phán quyết" và khẳng định, ứng dụng của Kapersky sử dụng công nghệ có tính xâm phạm cao đến "quyền riêng tư và bảo mật của người dùng".
Thực tế, Nga thường xuyên làm mạnh tay với các "đại gia" công nghệ phương Tây như Apple, Google và Facebook. Trong những năm gần đây, Nga thắt chặt kiểm soát internet với lý do chống chủ nghĩa cực đoan và bảo vệ trẻ vị thành niên. Năm 2019, Nga thông qua luật phát triển "internet có chủ quyền" nhằm cách ly internet của cả nước khỏi những trang web trên toàn thế giới. Động thái này bị các nhà hoạt động xã hội lên án, cho rằng sẽ ngăn chặn tự do ngôn luận.
Ngoài ra, Nga cũng đang điều tra nền tảng chia sẻ video YouTube (công ty con của Google) vì nghi ngờ lạm dụng vị thế thống lĩnh trên thị trường để đưa ra những quyết định "không minh bạch, thiên vị và khó đoán."
Theo thông báo của Cơ quan Chống độc quyền Liên bang Nga, YouTube đã dựa trên những quy định của nền tảng này để xóa và chặn tài khoản người dùng mà không cảnh báo hay cho phép giải thích. Hành động như vậy có thể dẫn tới xâm phạm quyền lợi của người dùng và hạn chế cạnh tranh công bằng, minh bạch.