Các nhà khoa học đang nghiên cứu điều gì đã dẫn đến sự gia tăng bất ngờ, và đặc biệt là liệu một biến thể của coronavirus mới được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ có phải là nguyên nhân hay không. Biến thể, có tên B.1.617, đã được báo cáo ở 17 quốc gia, gây lo ngại toàn cầu. Đây là những điều cơ bản mà chúng ta cần biết về loại biến thể nguy hiểm này:
BIẾN THỂ ẤN ĐỘ LÀ GÌ?
Nhà virus học người Ấn Độ Shahid Jameel cho biết, biến thể B.1.617 chứa hai đột biến quan trọng đối với phần "gai" bên ngoài của virus bám vào tế bào người.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết dòng chủ yếu của B.1.617 lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ vào tháng 12 năm ngoái, mặc dù một phiên bản trước đó đã được phát hiện vào tháng 10 năm 2020.
WHO đã mô tả nó là một "biến thể nguy hiểm", cho thấy biến thể này có thể có các đột biến khiến vi-rút dễ lây truyền hơn, gây ra bệnh nặng hơn và có khả năng miễn dịch vắc xin. Các chủng biến thể khác, chẳng hạn như những chủng được phát hiện lần đầu tiên ở Vương quốc Anh, Brazil và Nam Phi, cũng từng được phân loại là "các biến thể cần quan tâm", với mức độ đe dọa cao hơn.
CÁC BIẾN THỂ CÓ LÀM TĂNG SỐ LƯỢNG CA MẮC HAY KHÔNG?
Khó có thể kết luận.
WHO cho biết cần phải nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về kích thước mẫu hạn chế cho thấy biến thể này có tăng khả năng lây truyền.
Tình hình đang ngày càng phức tạp bởi biến thể B.117 có khả năng lây truyền cao, lần đầu tiên được phát hiện ở Vương quốc Anh, đang tăng đột biến ở một số vùng của Ấn Độ. Theo Sujeet Kumar Singh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Quốc gia ở New Delhi, trong nửa cuối tháng Ba số các ca bệnh biến thể tại Vương quốc Anh đã tăng gần gấp đôi. Và hiện tại, biến thể Ấn Độ đang có mặt rộng rãi ở Maharashtra, bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đất nước, Singh nói.
Chris Murray, nhà nghiên cứu bệnh dịch nổi tiếng của Hoa Kỳ, từ Đại học Washington, cho biết mức độ nghiêm trọng của các ca nhiễm bệnh tại Ấn Độ trong thời gian vô cùng ngắn cho thấy đây là một "biến thể thoát" có thể chế ngự bất kỳ khả năng miễn dịch nào trước đây.
"Điều đó củng cố giả thiết số ca lượng ca mắc tăng cao nhiều khả năng là do B.1.617", ông nói. Nhưng Murray cảnh báo rằng dữ liệu giải trình tự gen trên coronavirus ở Ấn Độ rất thưa thớt, bên cạnh đó nhiều trường hợp cũng do các biến thể ở Anh và Nam Phi tác động thêm.
Carlo Federico Perno, Trưởng phòng chẩn đoán vi sinh và miễn dịch học tại Bệnh viện Bambino Gesù ở Rome, cho biết biến thể Ấn Độ không thể là lý do duy nhất khiến số ca mắc ở Ấn Độ tăng vọt, ông tin rằng nguyên nhân chính là do đất nước đã không giãn cách xã hội một cách triệt để.
Thủ tướng Narendra Modi bị chỉ trích vì đã cho phép các cuộc biểu tình chính trị và các lễ hội tôn giáo, vốn là những sự kiện có sức lan tỏa lớn, được diễn ra trong những tuần gần đây.
VẮC XIN CÓ NGĂN CHẶN ĐƯỢC BIẾN THỂ NÀY HAY KHÔNG?
Một điểm sáng là vắc xin có thể có tác dụng bảo vệ. Đầu tuần này, cố vấn y tế của Nhà Trắng Anthony Fauci cho biết bằng chứng sơ bộ từ các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy Covaxin, một loại vắc xin được phát triển tại Ấn Độ, có khả năng vô hiệu hóa biến thể này.
Trung tâm Y tế Công cộng Anh cho biết họ đang làm việc với các đối tác quốc tế nhưng hiện không có bằng chứng cho thấy biến thể Ấn Độ và hai biến thể liên quan là nguyên nhân gây bệnh nặng hơn hoặc làm cho các loại vắc xin đang được triển khai trở nên kém hiệu quả.