Hoàng đế là chủ thiên hạ, tiền tài khắp tứ phương, theo lý mà nói chỉ có thứ Hoàng đế không muốn chứ không có gì là Hoàng đế không thể có.
Nhưng đời người luôn có việc không được như ý muốn, nhiều vị Hoàng đế đã vì vấn đề nối dõi mà đau đầu phiền não.
Vương triều cần phát triển, giang sơn cần kế thừa, việc lựa chọn người kế vị trong xã hội phong kiến Trung Hoa xưa đều dựa trên quy tắc cha truyền con nối, Hoàng đế không có con nối dõi, cũng tức là vương triều đó không thể phát triển theo thứ tự kế thừa bình thường.
Xét về phương diện này, hoàng thất nhà Tống có thể xem là vương triều "bi kịch" nhất trong lịch sử Trung Quốc, bởi vì triều đại này có đến năm vị Hoàng đế không có con nối dõi.
Bởi vì năm vị Hoàng đế này không có con nối dõi, nên vận mệnh của vương triều Bắc Tống và Nam Tống đã có những thay đổi rất lớn.
Hai vị Hoàng đế của Bắc Tống.
Người đầu tiên là Tống Nhân Tông Triệu Trinh.
Tống Nhân Tông là vị Hoàng đế thứ tư của nhà Bắc Tống, tại vị 42 năm, là vị Hoàng đế cai trị lâu nhất trong lịch sử nhà Tống. Thực tế, không phải Tống Nhân Tông không có con trai, mà ông có ba người con trai nhưng cả ba đều chết yểu.
Thời gian Tống Nhân Tông tại vị rất dài, cho nên hậu cung phi tần của ông cũng rất nhiều, ông có tổng cộng 12 công chúa, nhưng lại không có Hoàng tử nào.
Năm Gia Hựu thứ 7, khi ấy Tống Nhân Tông đã 53 tuổi, không còn hy vọng có thể sinh được con trai nữa, cho nên buộc phải để Triệu Tông Thực – con trai thứ mười ba của Bộc Vương Triệu Doãn kế thừa ngôi vị. Đến năm Gia Hựu thứ 8, Tống Nhân Tông bệnh nặng qua đời, Triệu Tông Thực (sau đổi thành Triệu Thự) nối ngôi, hiệu là Tống Anh Tông.
Người thứ hai là Hoàng đế Tống Triết Tông Triệu Hú. Tống Triết Tông là con trai của Tống Thần Tông, lên ngôi năm 9 tuổi, tại vị 15 năm, bệnh nặng qua đời năm 24 tuổi. Tống Triết Tông vốn có một vị Hoàng tử, nhưng không may mất sớm.
Bởi vì Tống Triết Tông không có con nối dõi, cho nên sau khi ông mất, ngôi vị Hoàng đế đã được truyền lại cho các em trai ông, sau cùng ngôi vị Hoàng đế của Tống Triết Tông được truyền lại cho người em thứ 11 của ông là Triệu Cát, tức Tống Huy Tông.
Trong thời gian Tống Huy Tông trị vì, Bắc Tống hoàn toàn suy bại, cuối cùng dẫn đến loạn Tĩnh Khang, chấm dứt vương triều Bắc Tống.
3 vị Hoàng đế của triều Nam Tống.
Người đầu tiên được mệnh danh là "Trung Hưng chi chủ" – Tống Cao Tông Triệu Cấu. Ông là con trai thứ 9 của Tống Huy Tông, lên ngôi sau trận loạn Tĩnh Khang. Tống Cao Tông là vị Hoàng đế sống rất thọ, ông tại vị 35 năm, sau đó làm Thái Thượng hoàng 25 năm, nhưng chỉ có thể nhận con nuôi để truyền lại ngôi vị.
Triệu Cấu vốn cũng có một vị Hoàng tử, nhưng bất cẩn bị cung nữ dọa chết. Về sau, khi Triệu Cấu chạy trốn khỏi sự truy kích của quân nước Kim, lo lắng nhiều thành tật, sau dẫn đến mắc chứng vô sinh.
Vì để tiếp nối vương triều Nam Tống, có được sự ủng hộ của nhân dân, Triệu Cấu đã thu dưỡng hậu duệ của Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận làm con trai, nuôi dưỡng thành người sau đó đem ngôi vị truyền lại cho con trai nuôi, cũng chính là Tống Hiếu Tông sau này.
Nối ngôi Tống Hiếu Tông là Tống Quang Tông, sau khi Tống Quang Tông thoái vị, đem hoàng vị truyền lại cho con trai mình là Triệu Khoách, tức Tống Ninh Tông. Tống Ninh Tông cũng có 9 vị Hoàng tử nhưng tất cả đều chết yểu, không còn cách nào khác, Tống Ninh Tông buộc phải nhận con cháu trong tông thất nhà Tống làm con nuôi.
Sau khi Tống Ninh Tông qua đời, Sử Di Viễn câu kết với Dương Hoàng hậu, giả truyền thánh chỉ, phế Thái tử Triệu Hồng làm Tế vương, lập Nghi vương Triệu Qúy Thành làm Hoàng đế, hiệu là Tống Lý Tông.
Tống Lý Tông là vị Hoàng đế thứ 5 của Nam Tống, là cháu đời thứ chín của Triệu Đức Chiêu – con trai của Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dật.
Nếu như Sử Di Viễn không phát động chính biến thì Triệu Quý Đức cũng không có cơ hội để thừa kế ngôi vị. Chính vì thế, trong thời gian Tống Lý Tông trị vì đã mở rộng việc tuyển phi, muốn sinh được con nối dõi để kéo dài hoàng vị của bản thân. Kết quả chuyện không được như ý, Tống Lý Tông trị vì 40 năm, chỉ sinh được một vị Hoàng tử nhưng lại chết yểu.
Tống Lý Tông vì ích kỷ, mang lòng riêng, không muốn chọn con cháu trong tông thất nhà Tống có phẩm chất tốt làm người thừa kế, mà lại chọn cháu của mình để kế vị, cũng tức là Tống Độ Tông. Nhưng Tống Độ Tông vốn đã kém cỏi, bẩm sinh đã có khuyết tật, trong thời gian trị vì lại chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, không lo nghĩ gì, cuối cùng dẫn đến kết cục nhà Nam Tống bị diệt vong.